Việc xác định nơi cư trú của cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhiều người cho rằng mình sinh ra và lớn lên ở nơi nào thì đó là địa chỉ cư trú nhưng quy định pháp luật thì không như vậy. Vậy địa chỉ cư trú là gì? Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin về địa chỉ cư trú cho quý vị.
Địa chỉ cư trú là gì?
Luật Cư trú 2020 đã đưa ra định nghĩa về địa chỉ cư trú tại khoản 2 Điều 2 quy định:
“Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã”.
Địa chỉ cư trú của công dân bao gồm địa chỉ thường trú và địa chỉ tạm trú. Địa chỉ thường trú là nơi mà công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú với cơ quan có thẩm quyền. Địa chỉ tạm trú là nơi mà công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú với cơ quan có thẩm quyền.
Khi điền thông tin về địa chỉ cư trú, người dân có thể ghi theo nơi thường trú hoặc tạm trú đều được.
Trường hợp công dân không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì nơi cư trú được xác định là nơi ở hiện tại của người đó. Trường hợp công dân không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là nơi người đó đang thực tế sinh sống ở đơn vị hành chính cấp xã. Những người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Như vậy, địa chỉ cư trú gồm các thông tin: số nhà/thôn, xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn đang sinh sống và làm việc. Địa chỉ cư trú là thông tin cá nhân thuộc quyền sở hữu của cá nhân, được pháp luật công nhận và bảo vệ cho từng cá nhân.
Do đó, việc đăng ký cư trú với cơ quan có thẩm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi công dân.
Người không có địa chỉ cư trú làm thế nào để khai báo cư trú?
Nghị định 62/2021/NĐ-CP đã quy định tại Điều 4 về việc khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại đối với những người không có địa chỉ thường trú hoặc tạm trú.
Bước 1: Đến cơ quan có thẩm quyền để khai báo cư trú
Khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 định nghĩa cơ quan có thẩm quyền đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm:
- Công an xã/ phường/ thị trấn;
- Công an quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh/thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Bước 2: Cung cấp thông tin cá nhân của công dân
Người dân cung cấp với cơ quan quản lý các thông tin sau để thực hiện khai báo cư trú:
- Họ, chữ đệm và tên
- Số định danh cá nhân của công dân (nếu có);
- Ngày – tháng – năm sinh;
- Giới tính;
- Quốc tịch;
- Dân tộc;
- Tôn giáo;
- Nguyên quán;
- Nơi ở hiện tại.
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của người khai báo cư trí qua trao đổi, thu thập thông tin từ người thân của công dân hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức liên quan kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin bằng văn bản.
Trong trường hợp xác minh thấy thông tin chưa chính xác thì công dân sẽ được đề nghị cung cấp lại thông tin nếu thấy cần thiết.
Bước 3: Nhận số định danh, giấy xác nhận địa chỉ cư trú
Sau khi kiểm tra, xác minh thông tin và xác định được người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin đã khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thủ tục cần thiết để đơn vị quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập, cấp số định danh cá nhân cho công dân nếu công dân đó chưa có số định danh cá nhân.
Cơ quan thực hiện việc đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin đã thu thập được của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông báo và cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân.
Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến hành việc cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Bước 4: Đăng ký thường trú, tạm trú khi đủ điều kiện
Người đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc tạm trú ngay khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú.
Điều kiện đăng ký thường trú
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau được đăng ký thường trú:
- Khi công dân có nhà riêng của mình
- Khi công dân nhập hộ khẩu về nhà người thân và được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp nơi đó đồng ý.
- Công dân được đăng ký thường trú tại nhà thuê, mượn, ở nhờ nếu:
+ Đã được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê/ mượn/ ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
+ Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.
- Công dân có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng hoặc cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở;
- Công dân có thể đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.
- Công dân có thể đăng ký thường trú tại phương tiện lưu động theo các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện.
Điều kiện đăng ký tạm trú
Công dân được đăng ký tạm trú khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Sinh sống tại nơi ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi công dân đã đăng ký thường trú;
- Sinh sống tại địa chỉ đó từ 30 ngày trở lên.
Kết luận
Trên đây là các thông tin giúp bạn đọc trả lời câu hỏi địa chỉ cư trú là gì? Để được tư vấn chi tiết và cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân khi đăng ký cư trú và thủ tục đăng ký cư trú, vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.