hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đình công là gì? Các trường hợp đình công hợp pháp, bất hợp pháp

Đình công là gì? Các trường hợp người lao động có quyền đình công và các khi nào bị coi là đình công bất hợp pháp theo quy định mới nhất hiện nay?

Mục lục bài viết
  • Khái niệm đình công là gì?
  • Các trường hợp người lao động có quyền đình công?
  • Các trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp?

* Khái niệm đình công là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

dinh cong la gi

Đình công là gì? (Ảnh minh họa)

* Các trường hợp người lao động có quyền đình công?

Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì người lao động có quyền đình công:

1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Trình tự đình công được quy định tại Điều 200 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Lấy ý kiến về đình công.

- Ra quyết định đình công và thông báo đình công.

- Tiến hành đình công.

* Các trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp?

Căn cứ Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2019, 06 trường hợp bị coi là đình công bất hợp pháp bao gồm:

- Không thuộc trường hợp được đình công: Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải; ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp…

- Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công;

- Vi phạm quy định về trình tự, thủ tục đình công;

- Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giải quyết tranh chấp lao động tập thể;

- Đình công trong trường hợp không được đình công;

- Đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

X