hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 15/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Doanh nghiệp FDI là gì? Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI

Doanh nghiệp FDI là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây, có thể kể đến các đại  diện như: Samsung, Honda, Unilever, Suntory Pepsico,... Các đại diện này đã và đang giữ vai trò to lớn với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ doanh nghiệp FDI là gì?

Mục lục bài viết
  • Doanh nghiệp FDI là gì?
  • Những điều kiện của doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam
  • Lợi ích và khó khăn với nước sở tại khi chọn đầu tư DN FDI
  • Lợi ích
  • Khó khăn

Doanh nghiệp FDI là gì?

Trong tiếng Anh, FDI là viết tắt của Foreign Direct Investment - đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nên doanh nghiệp (DN) FDI là loại hình DN có vốn đầu tư trực tiếp từ một quốc gia sang một quốc gia khác với mục đích thiết lập lợi ích lâu dài. 

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế phát triển, DN FDI là một loại hình ngày càng phổ biến ở các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.


Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài


Những điều kiện của doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam

Mặc dù là một loại hình phổ biến, nhưng vẫn không ít người thắc mắc: Những điều kiện để trở thành một doanh nghiệp FDI là gì. Câu trả lời là:

- Là doanh nghiệp có vốn góp sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hoặc được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài là một cá nhân có quốc tịch nước ngoài, một tổ chức được thành lập theo luật pháp nước ngoài tiến hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam – Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020.

-  Hoạt động kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề không bị cấm.

Quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, DN không được kinh doanh các ngành nghề sau đây:

+ Các mẫu vật, các loài động thực vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên quy định tại Phụ lục I Công ước quốc tế; mẫu vật các loài động thực vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

+ Loại hình mại dâm;

+ Các loại chất kích thích ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

+ Mua, bán, kinh doanh người cũng như mô, xác, bộ phận cơ thể người;

+ Hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

+ Mua, bán, kinh doanh pháo nổ;

+ Dịch vụ đòi nợ thuê;

+ Các loại khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020.

Doanh nghiệp FDI cần đáp ứng một số điều kiện nhất định

Doanh nghiệp FDI cần đáp ứng một số điều kiện nhất định

 - Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Giấy này sẽ được cấp bởi Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Đối với các dự án được đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bên cạnh đó, dựa theo điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 có quy định như sau: trước khi thành lập một thực thể kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài phải có kế hoạch của dự án đầu tư, tuân thủ thực hiện việc cấp, chỉnh sửa giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Hoàn thiện thủ tục thành lập

Hồ sơ đăng ký thành lập DN FDI phải được chuẩn bị sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nộp về Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bên cạnh các thủ tục giấy tờ, pháp lý cần chuẩn bị khi thành lập DN FDI, nhà đầu tư cũng cần đáp ứng các điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư 2020 Điều 24 khoản 2:

  • Đảm bảo an ninh, quốc phòng và điều khoản sử dụng đất đối với DN FDI;

  • Các điều kiện tiếp cận nền kinh tế thị trường đối với DN FDI;

Samsung - một trong những doanh nghiệp FDI lớn ở Việt Nam

Samsung - một trong những doanh nghiệp FDI lớn ở Việt Nam

- Điều khoản sử dụng đất đối với DN FDI

DN FDI  thuê, cho thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất,.... có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

  • Có các quyền và nghĩa vụ chung như pháp luật quy định;

  • Nhượng quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn với đất thuộc quyền sử dụng;

  • Tặng Nhà nước và cộng đồng quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình công cộng;

  • Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

  • Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.


Lợi ích và khó khăn với nước sở tại khi chọn đầu tư DN FDI

Lợi ích

DN FDI là một loại hình được biết đến rộng rãi ở thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Loại hình này mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và nước sở tại. Những lợi ích của doanh nghiệp FDI là gì?

Đối với nhà đầu tư:

  • Đa dạng hóa thị trường;

  • Ưu đãi thuế, thuế quan;

  • Chi phí lao động thấp hơn;

  • Trợ cấp.

​Đối với nước sở tại:

  • Kích thích kinh tế;

  • Phát triển vốn con người;

  • Tăng việc làm;

  • Tiếp cận chuyên môn, kỹ năng và công nghệ quản lý.

Tại Việt Nam, loại hình DN FDI đã, đang và sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Như đã đề cập đến các lợi ích ở trên đối với nước sở tại, Việt Nam chúng ta có cơ hội to lớn trong việc lĩnh hội những kiến thức công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các ngành nghề, lĩnh vực như: may mặc, điện tử, hóa chất, năng lượng…

Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2022, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng 82%, là tốc độ tăng trưởng cao thứ hai ở Châu Á - Thái Bình Dương sau Malaysia. Số liệu đó cho thấy, kinh tế Việt Nam đang là một môi trường lý tưởng cho các DN FDI trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Sự cạnh tranh sôi động ở mọi phương diện của thị trường trong nước được tạo ra bởi nguồn vốn FDI dồi dào từ các DN nước ngoài là một đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy các DN nội địa thay đổi lối mòn không chỉ ở phương thức hoạt động sản xuất, sản phẩm chất lượng mà còn đường lối kinh doanh, tư duy chiến lược.

Khó khăn

Bên cạnh lợi ích từ các DN FDI, vẫn còn hai bất lợi khi các nước sở tại phải đối mặt khi “mở lòng” với loại hình này:

  • Sự dịch chuyển của các doanh nghiệp địa phương: sự gia nhập của các công ty lớn, chẳng hạn như AEON mall, có thể thay thế các doanh nghiệp địa phương;

  • Lợi nhuận hồi hương: trong trường hợp chuyển lợi nhuận về nước, mối quan tâm chính là các DN FDI sẽ không tái đầu tư lợi nhuận trở lại nước sở tại. Điều này dẫn đến dòng vốn lớn chảy ra khỏi nước sở tại.


Các loại hình tổ chức của doanh nghiệp FDI

Với lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các DN nước ngoài với nguồn vốn FDI đa dạng, cụ thể:

Doanh nghiệp có 100% vốn FDI

Đây là DN do các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài bỏ 100% vốn vào nước sở tại và quyền sở hữu DN là của họ. Các NĐT sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm cho DN của họ.

Dù DN FDI vận hành dưới sự quản lý của NĐT nước ngoài, nhưng còn tùy vào văn hóa, môi trường kinh doanh, các điều kiện địa chính trị của nước sở tại mà các NĐT cần điều chỉnh phương thức quản lý cho phù hợp.

Hình thức hợp tác liên doanh theo hợp đồng liên doanh

Tiếp theo là một hình thức DN FDI khá phổ biến tại Việt Nam: hợp tác liên doanh. Đây là hình thức hợp tác giữa hai hay nhiều DN đến từ nhiều quốc gia khác nhau, dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên tham gia cùng góp vốn để thành lập các nhà xưởng, xí nghiệp, công ty nhằm cùng quản lý, cùng chia lợi nhuận, cùng sản xuất theo phương thức thỏa thuận.

Hình thức BOT - xây dựng, vận hành, chuyển giao

Hình thức không thể không nhắc đến đối với DN FDI là BOT - được áp dụng rộng khắp và là hình thức rất hiệu quả trong việc nâng cấp cơ điện đường trường trạm của quốc gia sở tại.

DN FDI có nhiều loại hình đầu tư

DN FDI có nhiều loại hình đầu tư

Thành lập chi nhánh ở nước ngoài

Cuối cùng, là loại hình mà đọc giả tiếp xúc thường xuyên nhất: chi nhánh công ty ở nước ngoài - DN FDI mở một hay nhiều chi nhánh ở một hay nhiều quốc gia và sẽ do người bản địa đứng ra chịu trách nhiệm việc quản lý chi nhánh.  

Lời kết

Trên đây là toàn bộ những nội dung tổng quan nhất về DN FDI. Chúng tôi hy vọng với những chia sẻ vừa rồi, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về doanh nghiệp FDI là gì? cùng đó là đặc điểm, vai trò, những thuận lợi khó khăn với loại hình DN phổ biến này.

Có thể bạn quan tâm

X