hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 07/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Dư nợ là gì? Kiểm soát dư nợ thế nào?

Dư nợ là gì? Dư nợ có bao nhiêu loại? Dư nợ có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng vay của khách hàng?... Những câu hỏi rất quen thuộc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và được nghe rất nhiều qua các phương tiện truyền thông nhưng không phải ai cũng có hiểu rõ được. Bài viết này của HieuLuat sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về dư nợ và một số vấn đề phổ biến liên quan đến dư nợ hiện nay.

Mục lục bài viết
  • 1. Dư nợ là gì?
  • 1.1 Khái niệm chung về dư nợ là gì?
  • 1.2 Một số loại dư nợ phổ biến hiện nay là gì?
  • 1.3 Hiện nay, có mấy loại dư nợ tín dụng?
  • 2. Hậu quả của dư nợ là gì?

1. Dư nợ là gì?

Dư nợ là gì, có bao nhiêu loại dư nợ phổ biến hiện nay, đây là những câu hỏi đầu tiên khi tìm hiểu về dư nợ.

1.1 Khái niệm chung về dư nợ là gì?

Thông thường, dư nợ được hiểu là khoản tiền nợ khi đi vay của một cá nhân, tổ chức…dư nợ là từ được dùng nhiều khi nhắc đến các khoản vay tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính. Dư nợ cũng chính là các khoản phải trả đến hạn của người vay theo kỳ trả nợ (có thể theo tháng, theo quý, theo năm…). Dư nợ có thể bằng 0 nếu bên vay hoàn thành việc trả nợ đúng hạn hoặc bằng khoản tiền lớn hơn 0 nếu bên vay không hoàn trả đúng thời hạn.

Pháp luật Việt Nam không định nghĩa dư nợ là gì nhưng có quy định về nợ quá hạn. Căn cứ Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, nợ quá hạn hiểu đơn giản là những khoản dư nợ gốc lớn hơn 0 mà bên vay đã không trả cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng đúng hạn.

Ví dụ, A vay của ngân hàng X 1 tỉ, thời gian thanh toán nợ gốc là 300 ngàn đồng vào ngày 25 mỗi tháng. Dư nợ gốc của A là 300 ngàn. Tuy nhiên, nếu A không thanh toán khoản nợ gốc mà A đã vay cho ngân hàng thì dư nợ này được chuyển thành dư nợ gốc quá hạn (tức nợ quá hạn) từ ngày 26 mỗi tháng theo thỏa thuận giữa các bên.

Dư nợ có thể xuất hiện ở các khoản vay như vay tín chấp (tức vay không có tài sản bảo đảm), vay thế chấp (vay có tài sản bảo đảm), khoản phải trả khi tiêu dùng bằng thẻ tín dụng, dư nợ quá hạn đối với tiền gốc/tiền lãi vay,...

Từ cách hiểu dư nợ là gì, có thể suy ra một số đặc điểm của dư nợ như sau:

+ Đây là thuật ngữ dùng để chỉ khoản tiền nợ chưa trả/khoản tiền vay của khách hàng/bên vay;

+ Tùy từng thời điểm của việc trả khoản tiền vay mà dư nợ có thể có các giá trị khác nhau;

+ Dư nợ đối với từng khoản vay, từng khách hàng/đối tượng vay là khác nhau;

+ Dư nợ có thể trở thành nợ quá hạn hoặc nợ xấu nếu khách hàng/bên vay không hoàn trả đúng kỳ hạn;

Tóm gọn lại, dư nợ được hiểu là những khoản tiền vay của bên vay. Dư nợ có thể bằng 0 nếu bên đi vay thanh toán đúng hạn hoặc lớn hơn 0 (tức nợ thêm) nếu bên đi vay không hoàn trả việc trả nợ đúng hạn.

du no la gi


1.2 Một số loại dư nợ phổ biến hiện nay là gì?

Nếu xem xét theo góc độ pháp luật về tài chính, tín dụng thì dư nợ có thể được phân chia thành những loại phổ biến sau đây:

Loại dư nợ

Khái niệm/Đặc điểm/Bản chất

Dư nợ cho vay (hay còn gọi là Loan Outstanding Balance)

Đây là khoản dư nợ mà bên vay phải trả cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính theo thỏa thuận vay/hợp đồng cấp tín dụng tại một thời điểm nhất định;

Số dư nợ này thường bao gồm cả dư nợ gốc (số tiền gốc bên vay phải trả) và dư nợ lãi (số tiền lãi theo chu kỳ thanh toán, số tiền lãi chậm trả khi đã quá chu kỳ thanh toán). Số tiền này được ghi nhận rõ trong hợp đồng tín dụng/thỏa thuận vay giữa các bên;

Việc không hoàn trả khoản nợ sẽ có thể khiến khoản nợ của bên vay trở thành nợ quá hạn hoặc nợ xấu theo quy định pháp luật;

Dư nợ giảm dần

Thường thuật ngữ này xuất hiện nhiều trong các khoản vay của ngân hàng. Đây là khoản tiền vay được tính theo công thức:

Số tiền phải trả còn lại = Tổng số tiền vay - Số tiền đã thanh toán từng đợt

Số tiền phải trả còn lại chính là dư nợ giảm dần của khoản vay ban đầu

Dư nợ quá hạn

Là khoản tiền gốc đã vay quá kỳ hạn thanh toán/kỳ hạn phải trả của bên vay đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính/ngân hàng theo hợp đồng vay/hợp đồng cấp tín dụng

Dư nợ ban đầu/Dư nợ đầu kỳ

Đây là khoản tiền nợ đầu tiên ngay sau khi tổ chức tài chính/ngân hàng tiến hành giải ngân tiền vay cho bên vay/khách hàng

Dư nợ cuối kỳ

Đây là thuật ngữ được sử dụng nhiều đối với những khách hàng/bên vay là chủ thẻ tín dụng. Ngược lại với dư nợ đầu kỳ là dư nợ cuối kỳ, tức là đây là khoản tiền nợ còn lại mà khách hàng/bên vay phải trả cho tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính theo hợp đồng vay/hợp đồng cấp tín dụng.

Nếu bên vay trả được khoản nợ này cho bên cho vay đúng kỳ hạn, đúng số tiền thì dư nợ cuối kỳ bằng 0

Dư nợ tín dụng

Đây là thuật ngữ chỉ chung cho các khoản tiền vay tín dụng phải trả theo kỳ hạn của khách hàng/bên vay. Bao gồm cả khoản vay có tài sản bảo đảm, không tài sản bảo đảm, vay tín chấp…

Dư nợ thẻ tín dụng

Dư nợ thẻ tín dụng là thuật ngữ được sử dụng đối với nhóm khách hàng là chủ thẻ tín dụng. Về bản chất, đây là khoản tiền mà chủ thẻ tín dụng được ngân hàng cho mượn trước để tiêu dùng và theo kỳ hạn được thỏa thuận đối với loại thẻ tín dụng đó mà khách hàng/bên vay phải hoàn trả cho ngân hàng.

Nếu quá kỳ hạn đã thỏa thuận, khoản vay này sẽ phát sinh lãi chậm trả và được chuyển thành nợ quá hạn hoặc nợ xấu.

Dư nợ bảo lãnh

Đây là khoản tiền nợ phát sinh từ các chứng thư bảo lãnh mà bên vay đã thực hiện đối với tổ chức tín dụng.

Hiểu đơn giản, tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh cho bên vay bằng khoản tiền A trong thời hạn X tháng (thường xuất hiện nhiều trong trường hợp bảo lãnh xuất nhập khẩu hàng hóa). Dư nợ tín dụng của bên vay chính là số tiền mà tổ chức tín dụng đã thực hiện bảo lãnh.

Cũng có thể hiểu, dư nợ bảo lãnh là số tiền mà tổ chức tín dụng trả thay cho bên vay trong thời hạn nhất định khi bên vay không có khả năng trả cho bên thứ 3 như kỳ hạn đã thỏa thuận.

Dư nợ bình quân

Đây là kết quả của hình thức đo lường thường được bên cho vay sử dụng để nhằm đánh giá, xác định mức dư nợ của khoản vay trong một khoảng thời gian nhất định, tạm gọi là từ  thời điểm T1 đến T2.

Công thức để tính dư nợ bình quân là:

Dư nợ bình quân = (dư nợ tại thời điểm T1 + dư nợ tại thời điểm T2)/2

Trên đây là một số loại dư nợ phổ biến hiện nay.


1.3 Hiện nay, có mấy loại dư nợ tín dụng?

Như chúng tôi đã phân tích, dư nợ tín dụng có thể được sắp xếp là một trong những loại dư nợ phổ biến, hay gặp trong đời sống hàng ngày.

Dư nợ tín dụng hay hiểu cách khác là khoản nợ mà khách hàng được cấp tín dụng phải hoàn trả cho ngân hàng/tổ chức tài chính. Căn cứ Thông tư 11/2021/TT-NHNN, Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định về việc lập, cung cấp các thông tin về việc cho khách hàng vay/cấp tín dụng cho khách hàng (bao gồm các thông tin vay, thời gian trả, quá trình trả) của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trên hệ thống CIC (tên đầy đủ là Credit Information Centre - do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam quản lý).

Theo đó, nếu dựa trên thời điểm hoàn trả khoản tiền vay thì dư nợ tín dụng có thể được phân chia thành một số loại sau đây:

Nhóm nợ tín dụng

Đặc điểm

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn

Là khoản nợ trong hạn hoặc khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;

Nhóm 2: Nợ cần chú ý

Là những khoản nợ quá hạn đến 90 ngày hoặc các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn

- Là những khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến dưới 180 ngày;

- Hoặc là các khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn;

- Hoặc là khoản nợ được miễn giảm lãi do khách hàng không có khả năng trả nợ;

- Hoặc là một số khoản nợ theo quy định chưa thu hồi được trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ

- Là những khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;

- Hoặc là những khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu hoặc khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn;

- Hoặc khoản nợ phải thu hồi trước hạn;

- Khoản nợ chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn

- Là khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;

- Hoặc là những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 1 hoặc lần 2 hoặc lần 3 mà vẫn quá hạn;

- Khoản nợ chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;

2. Hậu quả của dư nợ là gì?

Việc để lại dư nợ lớn hơn 0 mang lại rất nhiều hậu quả xấu đối với khách hàng/bên vay. Một số hậu quả cơ bản, nổi bật có thể nhắc đến như sau:

- Làm gia tăng khoản nợ/khoản tiền phải thanh toán cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng: Thông thường, trong các hợp đồng cho vay, hợp đồng cấp tín dụng sẽ bao gồm các điều khoản về lãi suất đối với phần tiền chậm trả của khách hàng/bên vay khi đã đến thời hạn trả.

Khi không trả tiền gốc, tiền lãi đúng kỳ hạn, khách hàng/bên vay sẽ phải trả thêm phần tiền lãi do việc chậm thanh toán đó cho tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng. Mức lãi suất chậm trả này có thể dao động từ 5%- 6% hoặc một mức khác tại hợp đồng vay;

- Có nguy cơ mất tài sản bảo đảm nếu khoản vay của khách hàng là khoản vay có tài sản bảo đảm;

- Không được vay tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nào khác trong thời hạn nhất định (thường là trong thời hạn 05 năm) do khoản nợ đã bị chuyển thành nợ xấu;

- Tại thời điểm có nợ xấu (dư nợ quá hạn), khách hàng/bên vay cũng không được chấp thuận cho vay tại bất kỳ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nào khác;

- Nếu dư nợ quá hạn phát sinh từ thẻ tín dụng thì hậu quả có thể là không được mở thẻ tín dụng hoặc bị tổ chức phát hành vô hiệu hóa thẻ tín dụng;

- Có thể phải đối mặt với yêu cầu khởi kiện từ phía tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính hoặc thậm chí nếu bên vay có ý định chiếm đoạt số tiền nợ thì còn có khả năng bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự;

Trên đây là một số hậu quả tiêu cực mà bên vay, bên phải trả nợ có thể phải đối mặt nếu để dư nợ lớn hơn 0 và quá kỳ hạn thanh toán.

du no la gi

3. Thanh toán dư nợ thế nào?

Việc thanh toán dư nợ/tiền vay khi dư nợ lớn hơn 0 được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Có thể liệt kê các cách đó như sau:

Cách 1: Thanh toán trực tiếp 

Việc thanh toán trực tiếp được thực hiện tại các phòng giao dịch, chi nhánh, trụ sở của bên cho vay. Thông thường, khi lựa chọn cách thanh toán này là khách hàng nộp tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính.

Cách 2: Thanh toán bằng chuyển khoản

Bên vay, bên có dư nợ tín dụng có thể thực hiện thanh toán cho khoản vay của mình bằng cách chuyển khoản từ một tài khoản khác đến tài khoản đang nợ. Việc chuyển khoản có thể thực hiện trực tiếp tại quầy, qua cây ATM, qua các app ứng dụng (ngân hàng số) của các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Cách 3: Ghi nợ tự động

Đây là hình thức ghi nợ mà bên vay phải đăng ký với ngân hàng, tổ chức tài chính. Về bản chất, đây là việc khách hàng vay lựa chọn hình thức thanh toán một phần hoặc thanh toán toàn bộ cho khoản nợ của mình.

Cách 4: Thanh toán khoản nợ bằng séc, ủy nhiệm chi

Đây là hình thức thanh toán nợ thông qua ký séc hoặc ủy nhiệm chi tại các ngân hàng. Ở Việt Nam, hình thức thanh toán này chưa được phổ biến bằng các nước phát triển. Hiểu đơn giản thì đây là việc bên vay có khoản tiền đang có tại các tổ chức tín dụng và yêu cầu ngân hàng chuyển khoản tiền đó đến địa chỉ theo ủy nhiệm chi hoặc cho người yêu cầu rút tiền từ séc.

Như vậy, khi thanh toán các khoản nợ đang có tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, bên vay có thể lựa chọn thực hiện theo một trong 04 hình thức mà chúng tôi đã nêu trên.


4. Kiểm soát dư nợ thế nào?

Khi khách hàng/bên vay có dư nợ, dư nợ tín dụng thì phải lưu ý một số nội dung sau đây:

- Thường xuyên kiểm tra thời hạn thanh toán, kỳ thanh toán và những vấn đề liên quan đến kỳ thanh toán của khoản nợ;

- Cập nhật thường xuyên các chính sách của ngân hàng, tổ chức tài chính về việc cơ cấu lại khoản nợ hoặc gia hạn thời gian trả nợ;

- Chỉ nên tiêu dùng/vay trong khả năng hoàn trả mà không nên vượt quá phạm vi, khả năng trả nợ của mình;

- Đối với dư nợ phát sinh từ thẻ tín dụng: Phải luôn bảo mật thẻ tín dụng, chỉ sử dụng thẻ tín dụng tại các máy POS hoặc các địa điểm an toàn để tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng, trộm lấy mã CVV, mã CVC của mình để sử dụng;

- Lưu ý đến các khoản phí thường niên, phí bảo quản, phí nợ thẻ của khoản vay;

- Chú ý đến các ưu đãi nếu có của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng cho các khoản vay (ví dụ ưu đãi đối với khoản vay đầu kỳ, khoản vay cuối kỳ hoặc khoản vay có kỳ hạn…);

- Luôn thanh toán khoản nợ đúng hạn để tránh bị phát sinh thêm các khoản tiền lãi, tiền phải trả khác hoặc bị xử lý tài sản bảo đảm (đối với khoản vay có tài sản bảo đảm);

Trên đây là một số lưu ý mà khách hàng/bên vay phải chú ý khi có các khoản dư nợ tín dụng.


5. Có dư nợ tín dụng thì có được vay tại ngân hàng khác không?

Thông tin về khoản vay của bên vay, bên nợ được lưu giữ trên hệ thống CIC là 05 năm (Thông tư 03/2012/TT-NHNN). Điều này đồng nghĩa với việc, các khoản dư nợ của khách hàng vay cũng sẽ tồn tại trên CIC tối đa là 05 năm.

Mặt khác, căn cứ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản khác có liên quan, việc vay, cho vay giữa các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và khách hàng được thực hiện dựa trên ý chí, nguyện vọng của các bên theo quy định pháp luật.

=> Từ đó có thể nhận thấy, nếu đang có dư nợ tín dụng thì việc vay vốn tại ngân hàng khác được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

- Nếu dư nợ tín dụng mà có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm đủ để bảo đảm thêm cho khoản vay khác tại ngân hàng khác thì có thể khách hàng sẽ tiếp tục được vay. Việc cho vay còn dựa trên hồ sơ vay của khách hàng và kết quả của quá trình thẩm định hồ sơ vay của ngân hàng cho vay;

Ngược lại, nếu có tài sản bảo đảm nhưng không đủ để bảo đảm cho khoản vay ở ngân hàng sau thì bên vay cũng không thể tiếp tục được vay;

- Nếu có nhiều hơn 1 tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm ở ngân hàng sau khác biệt so với ngân hàng trước: Bên vay vẫn có thể được cho vay nếu dư nợ tại ngân hàng trước được đánh giá là vẫn có khả năng hoàn trả;

- Trường hợp có nợ xấu tại ngân hàng đầu tiên: Bên vay sẽ gần như không được vay tại ngân hàng khác;

- Nếu là các khoản vay tín chấp: Có thể được cho vay thêm nếu ngân hàng sau đồng ý;

Như vậy, khi có dư nợ tại ngân hàng đầu tiên thì bên vay/khách hàng có thể vẫn vay được tại ngân hàng tiếp theo.

du no la gi

6. Làm sao để biết còn dư nợ tín dụng?

Hiện nay, để kiểm tra còn dư nợ tín dụng không hoặc dư nợ tín dụng của mình còn bao nhiêu, khách hàng/bên vay có thể kiểm tra bằng một trong những cách sau đây:

Cách 1: Tra cứu qua hệ thống CIC

Khách hàng sử dụng điện thoại thông minh có thể tải ứng dụng CIC về máy điện thoại của mình, đăng ký tài khoản theo hướng dẫn để có thể tra cứu.

Cách 2: Hỏi thông tin trực tiếp từ tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng (bên cho vay) là bên quản lý, cập nhật thông tin về quá trình, diễn biến thực hiện thanh toán các khoản vay của khách hàng. Do đó, nếu không nhớ hoặc cần đối chiếu cụ thể thì bên vay có thể yêu cầu bên cho vay cung cấp đầy đủ thông tin về khoản vay của mình.

Cách 3: Tự mình ghi chép, đối chiếu khoản vay

Đây là cách thông dụng nhất, dễ làm nhất và cũng là cách mà bên vay có thể quản lý được khoản vay của mình để có phương án trả nợ phù hợp.

Vì vậy, đây là những cách thường được sử dụng để bên vay có thể kiểm tra dư nợ tín dụng của mình.

Trên đây là giải đáp về dư nợ là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Nợ xấu là gì? Những ảnh hưởng do nợ xấu mang lại thế nào?

>> Đáo hạn là gì? Đáo hạn ngân hàng có hợp pháp không?

Có thể bạn quan tâm

X