hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 01/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đương sự là gì? Pháp luật quy định về đương sự như thế nào?

Đương sự là cụm từ xuất hiện thường xuyên trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hành chính. Vậy, đương sự là gì?

Câu hỏi: Khi nhắc đến các vụ việc liên quan đến pháp luật, em thấy nhiều người dùng từ đương sự. Vậy, đương sự là gì?

1. Đương sự là gì trong tố tụng dân sự?

Hiện nay, khái niệm đương sự xuyên suốt các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Bộ luật này cũng đưa ra hai khái niệm về đương sự như sau:

Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Vì thế, có thể hiểu, đương sự là những người tham gia trong các vụ án dân sự/việc dân sự tại Tòa án nhân dân về các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình... Họ có thể là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Để hiểu chi tiết khái niệm đương sự, cần đi tìm hiểu các đối tượng nêu trên, họ là ai?

1.2 Nguyên đơn trong tố tụng dân sự là gì?

Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự:

2. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Có thể hiểu đơn giản, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng với tư cách là người khởi kiện vụ án dân sự. Việc khởi kiện này có thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hoặc bảo vệ lợi ích côhg cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc...

Việc tham gia tố tụng dân sự của nguyên đơn mang tính chủ động, là người trực tiếp yêu cầu giải quyết vụ án dân sự đó. Trong hoạt động tố tụng dân sự, hoạt động tố tụng của nguyên đơn có thể dẫn đến việc làm phát sinh, thay đổi hay đình chỉ tố tụng.

duong su la gi
Đương sự là gì trong tố tụng dân sư, hành chính...? (Ảnh minh họa)

1.3 Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là gì?

5. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Chẳng hạn, hai bên vợ cồng yêu cầu Tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn.

Họ cũng tham gia tốt tụng dân sự với tư cách là người chủ động yêu cầu. Tuy nhiên, không khởi kiện ai và cũng không cần bảo vệ lợi ích nào...

1.4 Bị đơn trong tố tụng dân sự là gì?

Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về bị đơn trong tố tụng dân sự như sau:

3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Như vậy, bị đơn trong vụ án dân sự là người bị kiện. Họ tham gia tố tụng mang tính bắt buộc, bị động. Trong các vụ án dân sự, bị đơn bị tham gia với tư cách là người xâm phậm đến quyền, lợi ích của nguyên đơn hoặc tranh chấp với nguyên đơn.

Bị đơn có thể cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ thì bị đơn có quyền yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình. Nếu không thể tự mình thu thập chứng cứ, bị đơn có thể đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc hoặc đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ...

1.5 Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là gì?

Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng định nghĩa về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự như sau:

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Đương sự trong tố tụng hành chính

Theo Bộ luật Tố tụng Hành chính:

7. Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong đó, người khởi kiện có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính. Việc khởi kiện xảy ra đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân...

Và, người bị kiện là những người, tổ chức... có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị cá nhân, cư quan, tổ chức khởi kiện...

Đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng hành chính là cơ quan, tổ chức, cá nhân không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

3. Đương sự trong tố tụng hình sự

Đương sự trong vụ án hình sự gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

Trong một vụ án hình sự, có rất nhiều vấn đề liên quan, kể cả liên quan đến các yếu tố dân sự.

Khi việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và vụ án hình sự liên quan mật thiết đến nhau thì việc cùng giải quyết có thể đáp ứng được tính chính xác, khách quan, toàn diện. Vì thế, để giải quyết chung hai khía cạnh dân sự và hình sự trong một vụ án hình sự thì đòi hỏi các bên phải tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Bởi vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng của Bộ luật Tố tụng Hình sự là giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Trên đây là giải đáp thắc mắc đương sự là gì? Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X