hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 29/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giá thú là gì? Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?

Hiện nay, thuật ngữ con ngoài giá thú được sử dụng khá là nhiều và phổ biến. Giá thú và con ngoài giá thú không phải là khái niệm mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai về thuật ngữ này. Bài viết sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề trên.

Mục lục bài viết
  • Giá thú là gì? Thế nào là con ngoài giá thú?
  • Con ngoài giá thú có được mang họ của bố không?
  • Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế của cha, mẹ không?

Giá thú là gì? Thế nào là con ngoài giá thú?

Câu hỏi: Thế nào là giá thú? Con ngoài giá thú được hiểu theo quy định pháp luật như thế nào? - Thúy Vũ (Hà Giang).

Theo từ điển Việt Nam, giá thú là việc lấy vợ hoặc lấy chồng mà được pháp luật công nhận.

Trong pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định nào về con ngoài giá thú là gì. Tuy nhiên, thông qua định nghĩa về từ giá thú trên, ta có thể định nghĩa con ngoài giá thú là con được sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân hợp pháp.

Theo đó, con ngoài giá thú chỉ xuất hiện trong hai trường hợp:

Thứ nhất, hai bên nam nữ độc thân chưa đăng ký kết hôn nhưng có con với nhau;

Thứ hai, một trong hai bên nam nữ đã kết hôn hoặc cả hai bên đã kết hôn nhưng có con với nhau.

Giá thú là gì? Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không? (Ảnh minh họa)


Con ngoài giá thú có được mang họ của bố không?

Câu hỏi: Tôi có một đứa con ngoài giá thú và tôi muốn đăng ký cho cháu theo họ của cha mình thì có được hay không ? Thủ tục thực hiện như thế nào ?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định, họ của cá nhân được xác định theo họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Đồng thời, quy định này cũng nêu cha đẻ, mẹ đẻ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ.

Do đó, trẻ em khi được sinh ra không phân biệt là con trong giá thú hay con ngoài giá thú thì đều có quyền mang họ của bố.

Ngoài ra, theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014 và Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, vào thời điểm làm giấy khai sinh cho con, bạn có thể tiến hành thủ tục nhận cha cho con, UBND cấp xã sẽ kết hợp việc nhận con và làm giấy khai sinh. Khi đó, trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của trẻ có đầy đủ tên cha và mẹ.

Đồng thời, hồ sơ thực hiện kết hợp đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con;

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế theo quy định;

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như: Văn bản của cơ quan y tế, thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con,...

Theo đó, trình tự giải quyết được thực hiện tùy thuộc theo thẩm quyền của UBND cấp xã hay UBND cấp huyện.

Như vậy, sau khi có quyết định công nhận việc nhận cha cho con hoặc sau khi bạn, người con được mang họ và quê quán của bố trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh.

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế của cha, mẹ không?

Câu hỏi: Tôi là người đã lập gia đình và đã đăng ký kết hôn. Hiện tại, tôi có một người con ngoài giá thú là A.Vậy trong trường hợp tôi mất không có di chúc thì A có được hưởng di sản thừa kế của tôi không? - Quỳnh Vũ (Bắc Giang).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân gia đình 2014, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau theo quy định Bộ luật Dân sự.

Do đó, con ngoài giá thú vẫn có thể nhận thừa kế di sản thừa kế của cha, mẹ theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp sau:

- Thứ nhất, trường hợp thừa kế theo di chúc:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, con ngoài giá thú được nhận thừa kế theo di chúc nếucha, mẹ có chỉ định được nhận thừa kế trong di chúc.

Trường hợp cha, mẹ truất quyền thừa kế thì con ngoài giá thú vẫn có thể hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 nếu con ngoài giá thú là con chưa thành niên hoặc con thành niên mà không có khả năng lao động.

Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với trường hợp con ngoài giá thú từ chối nhận di sản thừa kế theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc con ngoài giá thú là người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

- Thứ hai, trường hợp thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Điều 649, Điều 650 và điểm a, khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, nếu cha, mẹ mất và không để lại di chúc thì con ngoài giá thú vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất, trừ trường hợp con ngoài giá thú từ chối nhận di sản thừa kế theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc con ngoài giá thú là người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Áp dụng các quy định trên đối với trường hợp của bạn. Do bạn mất không để lại di chúc cho nên di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, A là con đẻ của bạn nên thuộc hàng thừa kế nhất.

Do đó, A vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế của bạn nếu A không từ chối nhận di sản thừa kế hoặc A không có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Trên đây là giải đáp về giá thủ là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Khi ly hôn, cha mẹ phải cấp dưỡng cho con đến bao nhiêu tuổi?

Có thể bạn quan tâm

X