Giải ngân là một cụm từ thông dựng trong ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, bạn có thể đã nghe thấy nhiều lần nhưng chưa thực sự hiểu rõ giải ngân là gì? Hay giải ngân các khoản vay tại ngân hàng có quy trình như thế nào? Hãy cùng Hieuluat giải đáp cụm từ này trong bài viết bên dưới nhé!
Giải ngân là gì?
Giải ngân là một thuật ngữ được sử dụng trong quy trình vay vốn từ ngân hàng. Thuật ngữ này dùng để mô tả việc ngân hàng xuất tiền, tài chính cho khách hàng theo hợp đồng vay giữa hai bên. Việc giải ngân chỉ được thực hiện khi cả hai bên (ngân hàng, khách hàng vay) đã hoàn tất hợp đồng thỏa thuận và thủ tục cần thiết.
Để hiểu giải ngân là gì theo nghĩa đơn giản nhất, bạn có thể hiểu đây là việc ngân hàng giao một khoản tiền cho bên vay dựa theo hợp đồng cho vay đã được thỏa thuận.
Giải ngân là thanh toán khoản vay vốn cho khách hàng
Trong các căn cứ theo quy định của pháp luật, giải ngân được định nghĩa cụ thể ở khoản 2 Điều 3 Thông tư 21/2017/TT-NHNN. Theo đó, giải ngân là việc bên cho vay (tổ chức tín dụng) giao một khoản tiền cho bên vay (khách hàng) theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay. Khoản tiền có thể được thanh toán bằng tiền mặt hoặc dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
2 hình thức giải ngân phổ biến
Tùy theo mục đích của việc vay vốn, ngân hàng sẽ thực hiện hình thức giải ngân khác nhau. Trong đó, 2 hình thức giải ngân phổ biến là: giải ngân có phong tỏa và giải ngân không phong tỏa.
Phong tỏa
Giải ngân có phong tỏa là hình thức được ngân hàng áp dụng đối với các khoản vay có mục đích mua tài sản có giá trị: nhà, ô tô, bất động sản,… Ở hình thức này, khoản vay được giải ngân cho bên người bán tài sản. Tuy nhiên, người bán tài sản chỉ có thể sử dụng được khoản tiền giải ngân khi hoàn thành thủ tục mua bán, sang tên tài sản cho người vay.
Không phong tỏa
So với có phong tỏa, giải ngân không phong tỏa là hình thức đơn giản hơn. Khoản tiền vay sẽ được giải ngân trực tiếp cho người làm hợp đồng vay với ngân hàng. Ngay sau khi giải ngân, người vay có thể sử dụng khoản tiền vay với mục đích cá nhân. Hình thức giải ngân không phong tỏa thường được ngân hàng áp dụng với khoản vay tín chấp và số tiền thấp.
Hình thức giải ngân phong tỏa là chuyển tiền trực tiếp cho người làm hợp đồng vay
5 giai đoạn của quy trình giải ngân khoản vay từ ngân hàng
Khi làm khoản vay ngân hàng, bạn không chỉ cần hiểu giải ngân là gì mà còn cần biết quy trình giải ngân diễn ra như thế nào. Hiện nay, đa phần các ngân hàng đều thực hiện quy trình giải ngân khoản vay theo 5 giai đoạn sau:
Lấy thông tin khách hàng (người vay)
Tiếp nhận và xác nhận thông tin từ khách hàng (người vay) là giai đoạn đầu tiên của quy trình giải ngân cơ bản. Người vay chủ động kê khai thông tin để đăng ký làm khoản vay vốn tại tổ chức tín dụng (ngân hàng). Các thông tin cơ bản có bao gồm:
Thông tin cá nhân.
Mục đích vay vốn.
Khả năng hoàn trả khoản vay.
Tất cả các thông tin của khách hàng sẽ được nhân viên tổ chức tín dụng tiếp nhận và xác nhận thông qua nghiệp vụ.
Thiết lập hồ sơ
Sau khi đã xác nhận các thông tin cơ bản của bên khách hàng, ngân hàng sẽ thiết lập hồ sơ làm hợp đồng cho vay. Trong giai đoạn này, ngân hàng sẽ yêu cầu người vay cung cấp những loại giấy tờ cần thiết như:
Giấy tờ chứng minh mục đích khoản vay.
Giấy tờ chứng minh tài chính, khả năng hoàn trả của khách hàng.
Giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo với khoản vay có thế chấp.
Các loại giấy tờ khác.
Thẩm định
Thẩm định là giai đoạn quan trọng quyết định khoản vay có được giải ngân hay không. Giai đoạn này được thực hiện bởi chuyên viên tín dụng của ngân hàng. Họ xem xét, kiểm tra, xác minh lại tính chính xác, minh bạch của hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Chuyên viên tín dụng thẩm định tính chính xác, minh bạch của hồ sơ vay
Chuyên viên tín dụng có thể đặt thêm câu hỏi và yêu cầu giấy tờ khác từ khách hàng. Điều này để chuyên viên tín dụng xác định khách hàng có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng hay không.
Phê duyệt
Sau giai đoạn thẩm định, hồ sơ của khách hàng đủ điều kiện vay vốn sẽ được chuyên viên tín dụng trình lên cấp trên để phê duyệt. Cấp có thẩm quyền trên sẽ phê duyệt đồng ý hay không đồng ý cho vay dựa theo thông tin hồ sơ vay vốn của khách hàng.
Giải ngân khoản vay
Sau khi hồ sơ được phê duyệt đồng ý cho vay, ngân hàng mới thực hiện giải ngân khoản vay. Tùy thuộc vào hồ sơ vay, mục đích vay, khoản tiền vay sẽ được giải ngân theo hình thức phong tỏa hoặc không phong tỏa.
Pháp luật có quy định như thế nào khi giải ngân
Ngoài hiểu quy trình giải ngân là gì, bạn cần nắm rõ các quy định pháp luật trong việc giải ngân để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Giải ngân bằng tiền mặt
Theo Điều 5 Thông tư 21/2017/TT-NHNN, ngân hàng thực hiện giải ngân khoản vay bằng tiền mặt trong các trường hợp sau:
Bên vay (khách hàng) thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán ở tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán.
Bên vay (khách hàng) là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) và không có tài khoản thanh toán ở tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Bên vay đã tự ứng khoản vốn tự có để thanh toán khoản phí đã được ngân hàng đồng ý cho vay để chi trả.
Ngân hàng giải ngân tiền mặt khi bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán
Với bất kỳ trường hợp nào, khách hàng (bên vay) phải cam kết bằng văn bản với ngân hàng là về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Giải ngân không tiền mặt
Các quy định pháp luật về giải ngân không tiền mặt được xác định cụ thể ở Điều 4 Thông tư 21/2017/TT-NHNN. Các quy định này xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm của các bên cho vay, bên vay với việc giải ngân không tiền mặt:
Số tiền khoản vay được chuyển vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngay trong ngày giải ngân vốn được ghi trong thỏa thuận hợp đồng vay vốn.
Trường hợp sau giờ giao dịch, số tiền khoản vay thì sẽ được chuyển vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Người vay cần chuẩn bị gì khi vay vốn ngân hàng?
Để thực hiện vay vốn ngân hàng, khách hàng cần chuẩn bị nhiều loại giấy tờ từ giấy tờ pháp lý cá nhân đến giấy tờ chứng minh tài chính… Xét về cơ bản, những hồ sơ giấy tờ cơ bản mà khách hàng cần chuẩn bị khi vay vốn sẽ có:
Người vay cần chuẩn bị giấy tờ pháp lý cá nhân để làm hồ sơ vay vốn
Hồ sơ pháp lý của bên vay
Tùy vào bên vay là cá nhân hay tổ chức, đại diện bên vay sẽ cần chủa bị các loại giấy tờ pháp lý:
Bên vay là cá nhân: CCCD (căn cước công dân), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…
Bên vay là tổ chức kinh doanh: giấy tờ pháp lý của người đại diện, giấy đăng ký kinh doanh,…
Hồ sơ chứng minh tài chính
Đây là giấy tờ để chứng minh khoản thu nhập của bên vay. Chứng minh khoản thu nhập là điều kiện cần và đủ để ngân hàng xác định khả năng hoàn trả khoản vay của khách hàng. Hồ sơ chứng minh tài chính có thể là: bảng lương, hợp đồng lao động, sao kê thu nhập, sổ sách bán hàng, hóa đơn, chứng minh cho thuê tài sản.
Hồ sơ thể hiện mục đích vay vốn
Ngân hàng thường sẽ đồng ý phê duyệt khoản vay với các hồ sơ có mục đích vay vốn rõ ràng. Để việc giải ngân diễn ra nhanh chóng, khách hàng nên cung cấp giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng khoản vay như: hợp đồng mua bán, , giấy đặt cọc mua bán, giấy phép xây dựng và dự toán xây dựng,…
Hồ sơ liên quan đến tài sản đảm bảo
Với các khoản vay thế chấp, hồ sơ đảm bảo tài sản là giấy tờ khách hàng cần chuẩn bị. Các giấy tờ đảm bảo tài sản có thể: sổ đỏ, sổ hồng, giấy đăng ký xe,…
Trên đây là thông tin liên quan đến giải ngân là gì. Việc vay vốn ngân hàng được xem là giải pháp hỗ trợ tài chính an toàn, tiện lợi. Nếu cần tư vấn pháp luật liên quan đến việc vay vốn ngân hàng, bạn có thể liên hệ với Hieuluat để được hỗ trợ nhanh nhất.