hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 13/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giảm trừ gia cảnh là gì? Đối tượng được giảm trừ gia cảnh gồm những ai?

Giảm trừ gia cảnh là gì? Cách xác định người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh thế nào là hai trong số những vướng mắc về giảm trừ gia cảnh khi đóng thuế thu nhập cá nhân. Cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết dưới đây của HieuLuat.

Mục lục bài viết
  • Giảm trừ gia cảnh là gì?
  • Khi nào được giảm trừ gia cảnh cho bản thân?
  • Cách tính giảm trừ gia cảnh hiện nay
  • Cách xác định người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh
  • Bố mẹ bao nhiêu tuổi thì được giảm trừ gia cảnh?

Giảm trừ gia cảnh là gì?

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012:

“1. Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú…

Tuy nhiên căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.

Như vậy, hiện nay, giảm trừ gia cảnh áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế.

Nguyên tắc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

Giảm trừ gia cảnh gồm 02 phần:

- Giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế

- Giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.

giảm trừ gia cảnh là gì mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần

Khi nào được giảm trừ gia cảnh cho bản thân?

Theo Công văn 9188/CTHN-HKDCN năm 2022 về quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2021 do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành thì giảm trừ gia cảnh cho bản thân được quy định như sau:

- Trường hợp trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

- Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân được tính tương ứng với so tháng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân phải khai tại Việt Nam theo quy định.

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

Cách tính giảm trừ gia cảnh hiện nay

Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 đến nay như sau:

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm).

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, trong đó:

Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ sau.

- Các khoản giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú.

Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công.

- Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện

- Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Như vậy, chỉ khi có thu nhập tính thuế > 0 thì mới phải nộp thuế.

Một số mức thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân sau khi đã trừ các khoản được miễn thuế (nếu có):

Mức thu nhập

Đối tượng

Mức giảm trừ gia cảnh

Mức 1

Không có người phụ thuộc

Trên 11 triệu đồng/tháng

Mức 2

Có 01 người phụ thuộc

Trên 15,4 triệu đồng/tháng

Mức 3

Có 02 người phụ thuộc

Trên 19,8 triệu đồng/tháng

Mức 4

Có 03 người phụ thuộc

Trên 24,2 triệu đồng/tháng

Cách xác định người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh

Theo khoản 3 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân, người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

- Con chưa thành niên hoặc con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

- Những cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định, gồm:

+ Con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề;

+ Vợ/chồng không có khả năng lao động;

+ Bố, mẹ đã hết tuổi lao động/không có khả năng lao động;

+ Những người khác không nơi nương tựa người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

xác định người phụ thuộc phải tuân thủ điều kiện quy định

Để xác định người phụ thuộc nhằm xét giảm trừ gia cảnh được hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Đối tượng

Điều kiện xác định

Người phụ thuộc là con của người nộp thuế

- Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng…, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 - tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

(điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC)

Người phụ thuộc khác của người nộp thuế

- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế

- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế

- Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế gồm:

+ Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.

+ Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.

+ Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.

+ Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Đối với người phụ thuộc khác của người nộp thuế phải đáp ứng những điều kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC để được tính là người phụ thuộc.

- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện:

+ Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.

+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

Bố mẹ bao nhiêu tuổi thì được giảm trừ gia cảnh?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định rõ đối tượng sau được coi là người phụ thuộc trong đó có đối tượng bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động

Như vậy nếu bố, mẹ người nộp thuế thuộc trường hợp được giảm trừ gia cảnh thì phải thỏa mãn điều kiện:

- Đã hết tuổi lao động

- Hoặc không có khả năng lao động.

Căn cứ theo lộ trình tăng tuổi hưu của Bộ luật Lao động, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035, thì tuổi nghỉ hưu năm 2023 của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và của lao động nữ là 56 tuổi.

Như vậy, trong năm 2023, bố tròn 60 tuổi 9 tháng; mẹ tròn 56 tuổi được xem là hết độ tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 1 triệu đồng thì được kê khai là người phụ thuộc, đủ điều kiện được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế của người nộp thuế.

Trên đây là thông tin của HieuLuat giải đáp cho giảm trừ gia cảnh là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ

Có thể bạn quan tâm

X