Tại Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là một trong những nội dung đáng chú ý nhất. Trong đó, phải kể đến giao dịch dân sự có điều kiện. Vậy đây là gì?
Thế nào là giao dịch dân sự có điều kiện?
Định nghĩa giao dịch dân sự có điều kiện là gì không được quy định cụ thể, rõ ràng tại bất kỳ một văn bản pháp luật nào. Hiện nay, những vấn đề liên quan đến giao dịch dân sự có điều kiện chỉ được nêu tại Điều 120 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể như sau:
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
Theo quy định này, có thể hiểu giao dịch dân sự có điều kiện như sau:
- Nếu các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh của giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự sẽ được phát sinh.
- Nếu các bên thỏa thuận về điều kiện để hủy bỏ một giao dịch dân sự thì khi điều kiện này xảy ra, giao dịch dân sự sẽ được hủy bỏ.
Để dễ hiểu quy định này, độc giả có thể tham khảo ví dụ dưới đây.
Anh A có mượn của anh B một số tiền là 50 triệu đồng để đầu tư bất động sản. Và hai anh có thỏa thuận với nhau là khi hết hạn mượn theo thỏa thuận, nếu anh B đầu tư có lãi thì anh B sẽ trả thêm cho anh A 10 triệu đồng nữa.
Như vậy, trong ví dụ này, điều kiện của giao dịch dân sự mượn tiền là anh B đầu tư có lãi sẽ trả thêm 10 triệu đồng ngoài số tiền 50 triệu đồng anh B mượn của anh A.
Nếu anh B đầu tư nhưng không có lãi thì điều kiện của việc mượn tiền không xảy ra, anh B không phải trả thêm cho anh A 10 triệu đồng mà chỉ cần trả 50 triệu đồng đã mượn.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý những trường hợp mà dù điều kiện hai bên thỏa thuận để giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ nhưng giao dịch dân sự sẽ không được thực hiện gồm:
- Do một bên có hành vi cố ý cản trở một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khiến điều kiện mà hai bên thỏa thuận để phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra thì điều kiện của giao dịch dân sự đã thỏa thuận vẫn được coi là đã xảy ra.
- Do một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện của giao dịch dân sự đã thỏa thuận xảy ra dưới hình thức gián tiếp hoặc trực tiếp thì điều kiện này sẽ bị coi như không xảy ra.
Như vậy, có thể thấy, giao dịch dân sự có điều kiện có thực hiện được hay không hoàn toàn dựa vào yếu tố khách quan mà không chịu tác động của yếu tố chủ quan hoặc hành vi cố ý của một trong hai bên.
Giao dịch dân sự có điều kiện là gì? (Ảnh minh họa)
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là gì?
Nhiều người thường nhầm lẫn giao dịch dân sự có điều kiện và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Theo đó, điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực được nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự như sau:
- Các đối tượng của giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập.
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm những điều pháp luật cấm cũng không trái với đạo đức xã hội.
Ngoài ra, nếu theo quy định của Luật, hình thức của giao dịch dân sự (lập bằng văn bản hoặc lập giao dịch dân sự bằng văn bản có công chứng, chứng thực…) là điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực thì giao dịch dân sự cũng phải đáp ứng điều kiện này.
Như vậy, việc giao dịch dân sự có điều kiện là những yêu cầu, điều kiện do hai bên thỏa thuận để giao dịch đó được phát sinh hoặc hủy bỏ còn điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là giao dịch dân sự phải đáp ứng một số quy định của pháp luật để có hiệu lực.
Trên đây là giải đáp về giao dịch dân sự có điều kiện là gì? Nếu còn vướng mắc, bạn đọc có thể gửi thêm câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.
>> Giao dịch dân sự vô hiệu là gì? Khi nào giao dịch bị vô hiệu?