Hạch toán ra đời và tồn tại từ rất lâu, ngay từ khi sản xuất chưa phát triển, con người đã tiến hành hạch toán bằng các hình thức đơn giản như đánh dấu lên cây, vẽ ký hiệu lên đá…nhằm ghi chép lại những thông tin cần thiết. Hiện nay, hạch toán phát triển toàn diện hơn về nhiều mặt. Vậy hạch toán cụ thể là gì?
Hạch toán là gì?
Hạch toán có thể hiểu là quá trình:
- Quan sát
- Đo lường
- Tính toán
- Ghi chép
các hoạt động kinh doanh xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thu thập, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác giám sát, quản lý các hoạt động đó một cách chặt chẽ, đem lại kết quả cao.
Cụ thể hơn các quá trình như sau:
- Quan sát: ghi nhận sự tồn tại của đối tượng cần hạch toán
- Đo lường: thu thập những số liệu về hao phí của các hoạt động kinh tế. Kết quả đo lường được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như bằng hiện vật, bằng tiền,…
- Tính toán: xác định những chỉ tiêu, tiêu chuẩn cần thiết để thấy được hiệu quả các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.
- Ghi chép: Lưu giữ lại kết quả cũng như tình hình của các hoạt động kinh doanh trong phát sinh trong từng thời kỳ, địa điểm cụ thể với trình tự thời gian nhất định để có thể đưa ra những quyết định phù hợp.
Hạch toán là gì và hạch toán hiện nay có những loại nào? Ảnh minh họa.
Các loại hạch toán hiện nay là gì?
1. Hạch toán nghiệp vụ
- Là sự quan sát, phản ánh
- Kiểm tra trực tiếp từng nghiệp vụ, từng quá trình kinh tế cụ thể
phục vụ cho việc chỉ đạo thường xuyên, kịp thời tình hình thực hiện các nghiệp vụ, các quá trình.
Trong đó, nghiệp vụ là tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến doanh nghiệp.
Hạch toán nghiệp vụ theo dõi từng quá trình từ cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất hay tiêu thụ và căn cứ vào nội dung, tính chất từng nghiệp vụ kinh tế, yêu cầu quản lý để sử dụng loại thước đo thích hợp: hiện vật, lao động và giá trị.
Hạch toán nghiệp vụ thường sử dụng các phương tiện thu nhập, truyền tin đơn giản như: điện thoại, điện báo hoặc truyền miệng…
2. Hạch toán thống kê
Còn được gọi là thống kê, là khoa học nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất những hiện tượng kinh tế-xã hội số lớn vào một thời gian và địa điểm cụ thể để rút ra bản chất, tính quy luật trong sự phát triển của các hiện tượng đó.
Thông tin do hạch toán thống kê thu nhận và cung cấp không thường xuyên, liên tục mà chỉ có tính hệ thống.
Hạch toán thống kê xây dựng một hệ thống phương pháp khoa học như: điều tra thống kê, số tương đối, số tuyệt đối, số bình quân và chỉ số…
Hạch toán thống kê có thể sử dụng tất cả các loại thước đo.
Thứ 3: Hạch toán kế toán
Hạch toán kế toán tương ứng với kế toán, là môn khoa học thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về tài sản, nguồn hình thành tài sản và sự vận động của tài sản trong các tổ chức, đơn vị.
Theo Điều 4 Luật Kế toán, kế toán có nhiệm vụ:
1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.2. Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.4. Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.
Hạch toán kế toán sử dụng cả 3 loại thước đo và thước đo giá trị là chủ yếu và bắt buộc.
Thông tin do hạch toán kế toán cung cấp mang tính thường xuyên, liên tục và toàn diện.
Trên đây là giải đáp liên quan đến hạch toán là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.