hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 08/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hiến pháp là gì? Hiến pháp có các đặc điểm cơ bản nào?

Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật mẹ, luật gốc của mỗi quốc gia. Vậy hiến pháp là gì? Cùng tìm hiểu thuật ngữ này cùng HieuLuat tại bài viết dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
  • Hiến pháp là gì?
  • Hiến pháp có các đặc điểm cơ bản nào?
  • Vai trò của hiến pháp là gì?
  • Việt Nam có những bản hiến pháp nào?

Hiến pháp là gì?

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, xác định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước và xã hội bao gồm chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

hien phap la gi

Hiến pháp có các đặc điểm cơ bản nào?

Một là, hiến pháp là luật cơ bản, là “luật mẹ”, luật gốc, vì vậy hiến pháp là nền tảng, là cơ sở để xây dựng và phát triển toàn bộ hệ thống pháp luật của một quốc gia.

Hai là, hiến pháp là luật tổ chức, là luật quy định các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước cũng như xác định cách thức tổ chức và xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, quy định cấu trúc các đơn vị hành chính lãnh thổ và cách thức tổ chức chính quyền địa phương.

Ba là, hiến pháp là luật bảo vệ quyền con người và quyền công dân, do hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước nên các quy định liên quan đến quyền con người và quyền công dân trong hiến pháp là cơ sở pháp lý chủ yếu để nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo đảm thực hiện các quyền con người và quyền công dân.

Bốn là, hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao, tất cả các văn bản pháp luật khác không được trái với hiến pháp, bất kỳ văn bản pháp luật nào trái với hiến pháp đều phải được hủy bỏ.

Vai trò của hiến pháp là gì?

Thứ nhất, thiết lập và trao quyền cho bộ máy nhà nước

Hiến pháp quy định cơ cấu của bộ máy nhà nước và trao quyền hạn cho các cơ quan này. Quy định quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ, quyền tư pháp cho Tòa án. Chỉ khi được quy định trong Hiến pháp, các cơ quan nhà nước và quyền lực của các cơ quan đó mới có tính pháp lý cũng như trên cơ sở đó xác định quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể.

Thứ hai, giới hạn và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước

Cùng với việc trao quyền, Hiến pháp còn xác định giới hạn cũng như cách thức sử dụng quyền lực được giao, tức là đảm bảo tính kiểm soát trong quyền lực của các chủ thể. Các cơ quan nhà nước không chỉ làm việc theo đơn vị, theo tổ chức mà con được kiểm soát bởi cấp trên, kiểm soát lẫn nhau.

Ngoài ra, hiến pháp còn thiết lập các cơ chế và thiết chế để giám sát. Kiểm soát và xử lý việc lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước. Ví dụ: cơ chế giám sát nội bộ giữa các cơ quan nhà nước; cơ chế giám sát thông qua các cơ quan hiến định độc lập; cơ chế giám sát của xã hội thông qua các quyền con người, quyền công dân;...

Thứ ba, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân 

Song song với việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân, hiến pháp còn quy định các thiết chế, các cơ chế để đảm bảo các quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và thực hiện trên thực tế.

hien phap la gi

Việt Nam có những bản hiến pháp nào?

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước ta đã có 05 bản hiến pháp bao gồm Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. Các bản hiến pháp này đều được ra đời trong bối cảnh khác nhau gắn với những giai đoạn phát triển của đất nước.

1. Hiến pháp năm 1946

Sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02 tháng 09 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 03 tháng 09 năm 1945 tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng một bản hiến pháp dân chủ là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Ngày 20 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh thành lập Ban dự thảo hiến pháp gồm có 07 người và do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đến tháng 11 năm 1956, Ban dự thảo đã hoàn thành công việc, Bản dự thảo được công bố đến hàng triệu người Việt Nam.

Ngày 02 tháng 03 năm 1946, dựa trên cơ sở của Ban dự thảo hiến pháp của Chính phủ, Quốc hội khóa I đã thành lập Ban dự thảo hiến pháp gồm có 11 người và do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ban dự thảo thực hiện tổng kết các ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân từ đó xây dựng Bản dự thảo cuối cùng để đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua.

Ngày 09 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Hiến pháp đã được thông qua với 240 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh, Hiến pháp năm 1946 không được công bố nhưng tinh thần của các quy định tại Hiến pháp năm 1947 đã được thực hiện trên thực tế dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Hiến pháp năm 1959

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội còn miền Nam vẫn tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. So với với tình hình cũng như nhiệm vụ cách mạng mới, Hiến pháp năm 1946 cần phải được bổ sung, thay đổi.

Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946, thành lập Ban dự thảo hiến pháp sửa đổi gồm có 28 thành viên và do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban.

Vào tháng 07 năm 1958, Bản dự thảo hiến pháp được đưa ra trong đội ngũ cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, đảng để thảo luận. Đến ngày 01 tháng 04 năm 1959, Bản dự thảo Hiến pháp được công bố để toàn dân đóng góp ý kiến.

Tại kỳ họp thứ 11 của quốc hội khóa I vào ngày 31 tháng 12 năm 1959, bản Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp vào ngày 01 tháng 01 năm 1960. Hiến pháp năm 1959 đã phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946 cũng như phản ánh tình hình thực tế của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

3. Hiến pháp năm 1980

Sau thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Bắc - Nam, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 24 tháng 06 năm 1976, Quốc hội khóa VI đã tiến hành kỳ họp đầu tiên và ra Nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1959. Quốc hội đã thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm có 36 người và do đồng chí Trường Chinh làm chủ tịch. Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã làm việc khẩn trương, hoàn thành dự thảo và đưa ra toàn dân thảo luận.

Ngày 18 tháng 12 năm 1980, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI, Hiến pháp năm 1980 đã được thông qua. Hiến pháp năm 1980 xác định bản chất giai cấp là Nhà nước chuyên chính vô sản có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của dân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

4. Hiến pháp năm 1992

Sau một thời gian thực hiện, nhiều quy định tại Hiến pháp năm 1980 đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cần phải có một bản hiến pháp mới phù hợp hơn để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội cũng như phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ.

Tiếp thu tình thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12 năm 1986, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 và tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết sửa đổi Điều 57, 116, 118, 122, 123 và 123 của Hiến pháp năm 1980.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp gồm có 28 người do đồng chí Võ Chí Công làm chủ tịch. Đến cuối năm 1991, đầu năm 1992, Bản dự thảo Hiến pháp lần thứ ba đã được đưa ra để trưng cầu ý kiến của toàn dân.

Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội nhất trí thông qua vào ngày 15 tháng 04 năm 1992. Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện ý chí và nguyện vọng của đồng bào cả nước, là sản phẩm trí tuệ của toàn dân, thể chế hóa toàn diện đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước.

5. Hiến pháp năm 2013

Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta có được những thành tựu to lớn, tuy nhiên tình hình trong nước cũng như khu vực và quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp hơn.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ năm 2011 đến năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng như xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp. Đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã quyết định tổ chức lấy ý kiến của toàn dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tại kỳ họp thứ 6 vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến.

Trên đây là thông tin liên quan đến vấn đề Hiến pháp là gì? Hiến pháp có các đặc điểm cơ bản nào? Nếu bạn còn có những vấn đề vướng mắc, cần hỗ trợ, hãy liên hệ tổng đài  19006199 để được giải đáp kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X