hieuluat
Chia sẻ email

Hộ chiếu công vụ là gì? Được cấp cho những ai?

Hiện nay, Việt Nam có 03 loại hộ chiếu, mỗi loại hộ chiếu sẽ được cấp cho những đối tượng khác nhau. Cùng với hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ cũng được nhiều người quan tâm. Vậy, hộ chiếu công vụ là gì? Hộ chiếu này được cấp cho những ai?

Mục lục bài viết
  • Hộ chiếu công vụ là gì?
  • Thời hạn hộ chiếu công vụ là bao lâu?
  • Hộ chiếu công vụ được cấp cho những ai?
  • Xin cấp hộ chiếu công vụ cần những giấy tờ gì? Thủ tục ra sao?
  • Có được sử dụng hộ chiếu công vụ để đi du lịch không?

Hộ chiếu công vụ là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Có thể hiểu, hộ chiếu là loại giấy tờ dùng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam. Hộ chiếu có vai trò như một loại căn cước công dân để xác định các thông tin nhân thân của một người.

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 2 Luật Xuất, nhập cảnh 2019 quy định về hộ chiếu gắn chip như sau:

4. Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.

Hiện nay, tại Việt Nam quy định có 03 loại hộ chiếu, gồm: Hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu phổ thông.

Trong đó, hộ chiếu công vụ được cấp cho những người ra nước ngoài để thực hiện công vụ của Nhà nước giao.

Về quy chuẩn, hình thức mới nhất của hộ chiếu côn vụ, theo Thông tư 73/2021, hộ chiếu công vụ có trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV); mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử;…

Số trang trong hộ chiếu (không gồm trang bìa) là 48 trang đối với hộ chiếu hộ chiếu công vụ có thời hạn 05 năm hoặc 10 năm; ngôn ngữ trong hộ chiếu là tiếng Việt và tiếng Anh.

Hộ chiếu công vụ là gì? Được cấp cho những ai? (Ảnh minh họa)


Thời hạn hộ chiếu công vụ là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Xất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm, có thể ia hạn 01 lân không quá 03 năm.

Nội dung này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 Thông tư 04/2020/TT-BNG, theo đó:

- Thời hạn của hộ chiếu công vụ cấp trong trường hợp bị hỏng hoặc mất khi đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài: có giá trị 01 năm;

- Thời hạn của hộ chiếu công vụ cấp trong trường hợp hộ chiếu hết trang hoặc gia hạn: Không dài hơn thời hạn của hộ chiếu cũ và tối thiểu là 01 năm.

- Thời hạn của hộ chiếu công vụ cấp cho người có thay đổi về chức vụ: Không dài hơn thời hạn của hộ chiếu cũ và tối thiểu là 01 năm.

Hộ chiếu công vụ được cấp cho những ai?

Hộ chiếu công vụ được cấp cho các trường hợp sau đây (theo Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam):

- Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

- Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

+ Người đứng dầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;

+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Ban và cơ quan tương đương của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước,…

+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;…

+ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Người giữ vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

- Nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài.

- Vợ hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của người được quy định tại khoản 4 Điều này đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.

Xin cấp hộ chiếu công vụ cần những giấy tờ gì? Thủ tục ra sao?

Căn cứ Điều 11 Thông tư 04/2020, hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu công vụ gồm các giấy tờ:

- Tờ khai theo quy định;

- 02 ảnh chân dung;

- Các giấy tờ liên quan:

+ Quyết định cử hoặc văn bản cho phép người ra nước ngoài của cơ quan, người có thẩm quyền ghi rõ đối tượng thuộc diện đề nghị cấp;

+ Văn bản đồng ý của cơ quan, người có thẩm quyền cử người ra nước ngoài đối với đối tượng quy định tại Khoản 13 và Khoản 14 Điều 8, Khoản 5 Điều 9 của Luật và quyết định, văn bản đồng ý của Bộ Ngoại giao đối với đối tượng quy định tại Khoản 14 Điều 8, khoản 5 Điều 9 của Luật;

+ Bản chụp CMND, Thẻ CCCD hoặc giấy tờ tùy thân khác và xuất trình bản chính để đối chiếu;

+ Bản chụp CMND, Thẻ CCCD, Giấy khai sinh, trích lục khai sinh hoặc giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi đối với trường hợp chưa đủ 18 tuổi và xuất trình bản chính để đối chiếu;

Lưu ý:

- Trường hợp mất hộ chiếu, người đề nghị nộp kèm 01 bản chính văn bản thông báo việc mất hộ chiếu theo mẫu.

- Trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu công vụ có thay đổi chi tiết nhân thân, chức danh so với công vụ cũ, người đề nghị nộp kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan chủ quản và các giấy tờ liên quan chứng minh việc thay đổi.

Yêu cầu cấp hộ chiếu được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Gửi hồ sơ

- Trường hợp yêu cầu cấp hộ chiếu không gắn chip, nộp tới cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Trường hợp yêu cầu cấp hộ chiếu gắn chip: Cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 3: Quy trình xử lý hồ sơ

- Đối với đề nghị cấp hộ chiếu công vụ, Cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Đối với hồ sơ nộp trong trường hợp cấp hộ chiếu không gắn chip, trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan ngoại vụ địa phương chuyển hồ sơ cho Cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước.

Bước 4: Trả kết quả:

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện việc trả kết quả cho người có tên trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.

Trường hợp người nhận kết quả không phải là người có tên trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả thì cần nộp giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản và xuất trình giấy tờ tùy thân để đối chiếu.

Có được sử dụng hộ chiếu công vụ để đi du lịch không?

Tại Công văn 30/TANDTC-HTQT của Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những lưu ý khi sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao khi đi công tác, học tập tại nước ngoài.

Trong đó tại lưu ý thứ 05 nêu rõ:

5. Sử dụng hộ chiếu đúng mục đích; phải tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật của Việt Nam cũng như của nước sở tại khi đi công tác, học tập ở nước ngoài; tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Trong khi đó, hộ chiếu công vụ được cấp cho những đối tượng riêng biệt để ra nước ngoài thực hiện công vụ do Nhà nước giao. Do vậy, cá nhân không thể sử dụng hộ chiếu công vụ để đi du lịch hay phục vụ cho các mục đích cá nhân.

>> Hộ chiếu hết hạn đổi ở đâu? Thủ tục thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X