Hộ gia đình sử dụng đất hay đất thuộc sở hữu hộ gia đình khá phổ biến trên thực tế. Vậy hộ gia đình sử dụng đất thực chất là gì? Xác định thế nào?
Hộ gia đình sử dụng đất là gì? Xác định thế nào?
Trước ngày 01/7/2014 - thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thì pháp luật đất đai không quy định rõ thế nào là “hộ gia đình sử dụng đất” mặc dù vẫn cấp Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình thay vì 01; 02 hoặc nhiều cá nhân.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai 2013 ra đời, khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định rõ về khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như sau:
“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”.
Nhiều người cho rằng cứ có chung hộ khẩu cùng thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thì cũng được xác định là có chung quyền sử dụng đất đó. Nhưng qua quy định trên có thể nhận thấy quan điểm này chưa đầy đủ.
Bởi, theo quy định nêu trên, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình khi đáp ứng được các điều kiện sau:- Các thành viên có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng (vợ chồng, cha mẹ con, cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi,…).
- Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất (chẳng hạn có tên trông Sổ hộ khẩu nhưng thời điểm cấp Giấy chứng nhận, anh A đang đi xuất khẩu lao động thì không phải là người có chung quyền sử dụng đất).
- Những người trên có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: góp tiền mua chung hoặc cùng nhau tạo lập (cùng nhau khai hoang đất)...
Thông thường, tiêu chí có tạo lập chung hoặc cùng nhau góp tiền mua chung.... khó xác định nên thường xác định hộ gia đình sử dụng đất bằng các tiêu chí 01 và 02 nêu trên.
Tóm lại, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Hiện nay, để xác định các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất không thể được xác định dựa vào sổ hộ khẩu hiện hành. Bởi nhiều trường hợp sổ hộ khẩu gia đình đã được cấp đổi, có thể có những biến động, phát sinh thêm thành viên gia đình; thành viên hộ gia đình đã tách khẩu, chuyển khẩu, tách hộ…
Vì vậy, thông thường, căn cứ xác định các thành viên trong hộ gia đình là giấy/đơn xin xác nhận của cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã về các thành viên của hộ gia đình tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định thành viên “Hộ gia đình sử dụng đất”.
Cách chia thừa kế quyền sử dụng đất của hộ gia đình thế nào?
Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ:Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Như vậy, nếu di sản thừa kế là đất cấp cho hộ gia đình được xác định là trường hợp tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Có nghĩa là khi một người là thành viên của hộ gia đình mà có đất cấp cho hộ gia đình chết đi thì quyền sử dụng đất của họ trong quyền sử dụng đất chung của hộ sẽ được xác định là di sản có họ để lại.
Nếu người này để lại di chúc thì di sản được chia theo di chúc. Lưu ý, phần đất theo di chúc chỉ được giới hạn trong phạm vi phần đất mà người lập di chúc có quyền trong phần đất chung của hộ gia đình. Trường hợp di chúc có nội dung vượt quá quyền định đoạt của người lập di chúc thì sẽ vô hiệu phần nội dung vượt quá đó.
Người thừa kế có thể yêu cầu cùng đứng tên trên Sổ đỏ đất cấp cho hộ gia đình hoặc yêu cầu được chia thừa kế bằng tiền...Nếu không có di chúc thì di sản của người chết được chia theo pháp luật. Những đồng thừa kế theo pháp luật có thể yêu cầu cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận để nhận tiền.
Trên đây là giải đáp hộ gia đình sử dụng đất là gì? Xác định thế nào? Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được tư vấn kịp thời.