hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hồ sơ địa chính là gì? Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính ra sao?

Hồ sơ địa chính được nhắc tới nhiều trong các vụ việc liên quan đến đất đai. Vậy hồ sơ địa chính là gì? Hồ sơ địa chính có giá trị pháp lý như thế nào?

Hồ sơ địa chính là gì?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Hồ sơ địa chính được hiểu như thế nào?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Điều 96 Luật Đất đai 2013 quy định về hồ sơ địa chính như sau:

Điều 96. Hồ sơ địa chính

1. Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính và việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính; lộ trình chuyển đổi hồ sơ địa chính dạng giấy sang hồ sơ địa chính dạng số.

Theo đó, hồ sơ địa chính có một số đặc điểm sau:

- Bao gồm các tài liệu được thể hiện bằng dạng giấy hoặc dạng số;

- Thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất;

- Mục đích của hồ sơ địa chính là phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như vậy, hồ sơ địa chính được định nghĩa và có những đặc điểm như trên, đồng thời, các thông tin mà hồ sơ địa chính thể hiện đóng vai trò quan trọng để xác định quyền, nghĩa vụ đối với người sử dụng đất, là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý, kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng đất.

Cơ quan có trách nhiệm lập, cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính

Vì vai trò quan trọng trong quản lý đất đai nên việc lập, chỉnh lý hồ sơ địa chính được quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Trước hết, việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính phải được thực hiện theo Điều 5 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT như sau:

- Hồ sơ địa chính được lập theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn;

- Việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính phải theo đúng trình tự, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật đất đai;

- Nội dung thông tin trong hồ sơ địa chính phải bảo đảm thống nhất với Giấy chứng nhận được cấp (nếu có) và phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất.

Thêm vào đó, Điều 6 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc lập, cập nhật, chỉnh lý thông tin trong hồ sơ địa chính như sau:

Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất

- Tổ chức thực hiện việc đo đạc lập bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai;

- Chỉ đạo thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai; lập, cập nhật và chỉnh lý biến động thường xuyên sổ địa chính và các tài liệu khác của hồ sơ địa chính ở địa phương.

Trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai

- Thực hiện chỉnh lý biến động thường xuyên đối với bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai: Đây chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện đăng ký biến động, chỉnh lý các thông tin khi có sự biến động, ví dụ như khi người sử dụng đất tặng cho/mua bán/chuyển nhượng/thừa kế…đất đai.

- Tổ chức lập, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính ngoài bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai;

- Cung cấp bản sao bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai (dạng số hoặc dạng giấy) cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) sử dụng.

Trong trường hợp địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh) chủ trì tổ chức việc lập sổ địa chính; cung cấp tài liệu đo đạc địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện);

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện cập nhật, chỉnh lý các tài liệu hồ sơ địa chính (bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai) đối với các thửa đất của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;

+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện cập nhật, chỉnh lý các tài liệu hồ sơ địa chính (bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai) đối với các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam; cung cấp bản sao bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai cho Ủy ban nhân dân cấp xã sử dụng.

Trách nhiệm của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai

Thực hiện các công việc quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (các công việc như chỉnh lý biến động thường xuyên đối với bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai; Tổ chức lập, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính…) đối với các đối tượng sử dụng đất, được Nhà nước giao quản lý đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

Cập nhật, chỉnh lý bản sao tài liệu đo đạc địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai đang quản lý theo quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT để sử dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý đất đai ở địa phương

Như vậy, pháp luật đã quy định rất chi tiết, cụ thể về trách nhiệm, thẩm quyền, công việc của từng cơ quan quản lý hành chính Nhà nước về lập, chỉnh lý, cập nhật thông tin trong hồ sơ địa chính. Cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị đã được chúng tôi nêu ở trên. Bên canh đó, việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan là căn cứ để người dân/cơ quan, tổ chức có liên quan dễ dàng xin cung cấp thông tin về đất đai theo nhu cầu của mình.

Kết luận: Hồ sơ địa chính là tổng hợp các dữ liệu về thửa đất (thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) được lập bằng hình thức giấy hoặc số, nhằm mục đích quản lý hành chính và cung cấp thông tin cho cơ quan, tố chức có liên quan.

Người sử dụng đất/cơ quan, tổ chức có liên quan có thể xin cung cấp các thông tin về quá trình sử dụng đất, tình trạng pháp lý của thửa đất và các thông tin khác mà hồ sơ địa chính thể hiện tại cơ quan có thẩm quyền.

ho so dia chinh la gi

Hồ sơ địa chính có giá trị thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Hồ sơ địa chính có giá trị pháp lý gì? Cụ thể các giá trị đó như thế nào? Xin cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với thông tin bạn cung cấp, dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Căn cứ Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định giá trị quan trọng nhất của hồ sơ địa chính là làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai. 

Ngoài ra, giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính còn được thể hiện như sau:

- Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số đều có giá trị pháp lý như nhau;

- Trong trường hợp có sự không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính: Cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai/người sử dụng đất phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký để xác định thông tin có giá trị pháp lý làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.

- Trường hợp thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để đăng ký trước đây thì xác định giá trị pháp lý của thông tin như sau:

+ Trường hợp đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định giá trị pháp lý thông tin theo kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận;

+ Trường hợp chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định như sau:

+) Các thông tin về người sử dụng đất, thông tin về quyền sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không thể hiện thông tin thì xác định theo sổ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;

+) Các thông tin về đường ranh giới (hình thể, kích thước cạnh thửa, tọa độ đỉnh thửa), diện tích của thửa đất được xác định theo bản đồ địa chính mới; trường hợp đường ranh giới thực tế của thửa đất trên bản đồ địa chính mới đã có biến động so với ranh giới thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp thì thông tin pháp lý về đường ranh giới và diện tích sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp.

Như vậy, những giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính được quy định cụ thể như trên. Thông tin của hồ sơ địa chính có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai (ví dụ tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến thừa kế,…)

Trên đây là giải đáp các thắc mắc về hồ sơ địa chính là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Sổ mục kê và sổ địa chính khác nhau thế nào?

>> Trích lục bản đồ địa chính online thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X