Với nhiều người, cụm từ "hồi tố" tương đối trừu tượng. Vấn đề hiệu lực hồi tố trong pháp luật cũng vậy. Vậy, hồi tố là gì? Hiệu lực hồi tố là gì?
Hồi tố là gì?
Theo từ điền tiếng Việt, hồi tố là việc có tác dụng đối với hành vi xảy ra trước khi có quy định của luật pháp.
Vì thế, hồi tố được hiểu là một loại hiệu lực của pháp luật.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó (nhưng không sớm hơn 07-45 ngày tùy cấp ban hành).
Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.
Nghĩa là, thông thường, hành vi pháp lý diễn ra trong thời gian nào thì sẽ chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời gian đó.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì văn bản được quy định hiệu lực trở về trước. Hiệu lực này gọi là hiệu lực hồi tố. Nói dễ hiểu hơn, hiệu lực hồi tố là hiệu lực trở về trước của pháp luật.
Về cơ bản, pháp luật Việt Nam không có hiệu lực hồi tố (Ảnh minh họa)
Hiệu lực hồi tố quan trọng như thế nào?
Về nguyên tắc pháp luật Việt Nam không có hiệu lực hồi tố. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo nên trong một số trường hợp sẽ áp dụng hiệu lực hồi tố theo hướng có lợi cho người phạm tội.
Để biết rõ ý nghĩa của hiệu lực hồi tố, có thể tham khảo ví dụ sau đây:
Ngày 27/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự 2015, trong đó Điều 321 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”. Bộ luật này có hiệu lực từ 01/01/2018.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, kể từ ngày 01/7/2016 (Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực), nếu hành vi đánh bạc trái phép dưới 05 triệu đồng, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích mới bị phát hiện thì áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án (theo Bộ luật Hình sự 1999, đánh bạc bằng tiền, hiện vật từ 01 triệu đồng đã bị xử lý hình sự).
Như vậy, trong trường hợp nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã cho phép áp dụng văn bản chưa có hiệu lực nhưng có lợi cho người thực hiện hành vi.
Hiệu lực hồi tố mang ý nghĩa nhân đạo rất lớn đối với người thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp nào được áp dụng hiệu lực hồi tố?
Theo Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:
1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Như vậy, không phải trường hợp nào cũng được áp dụng hiệu lực hồi tố. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Dù không được nhắc đến trực tiếp nhưng hiệu lực hồi tố có xuất hiện trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.Trong khi đó, điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Như vậy, việc áp dụng rõ ràng là nhằm có lợi cho người phạm tội.Tuy nhiên, có đến 02 trường hợp không được quy định hiệu lực trở về trước, gồm:
- Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
- Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
Ngoài ra, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.Trên đây là định nghĩa hồi tố là gì, hiệu lực hồi tố là gì? Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.