Hẳn chúng ta từng ít nhất một lần nghe thấy hợp đồng bảo đảm đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khái niệm này được định nghĩa thế nào?
Hợp đồng bảo đảm là gì?
Hiện nay, pháp luật dân sự cũng như các văn bản khác không định nghĩa hợp đồng bảo đảm là gì. Tuy nhiên, khái niệm hợp đồng bảo đảm được Chính phủ đề cập đến khoản 5 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP về giao kết giao dịch bảo đảm như sau:
Trong hợp đồng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phát sinh trong giao dịch, các bên không bắt buộc phải thỏa thuận cụ thể về phạm vi của nghĩa vụ bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Đặc biệt, tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 21 năm 2021 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 đã quy định cụ thể định nghĩa loại hợp đồng này.
Hợp đồng bảo đảm có thể là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc thỏa thuận giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.
Đồng thời, hợp đồng bảo đảm gồm các loại hợp đồng sau đây:
- Hợp đồng cầm cố tài sản;
- Hợp đồng thế chấp tài sản;
- Hợp đồng đặt cọc;
- Hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ;
- Hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
- Hợp đồng bảo lãnh hoặc hợp đồng tín chấp.
Như vậy, vẫn đảm bảo khái niệm về hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo Bộ luật Dân sự, hợp đồng bảo đảm là sự thỏa thuận giữa:
- Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm;
- Bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.
Đặc biệt, cũng tại quy định này, hợp đồng bảo đảm có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp.
Hợp đồng bảo đảm là gì? (Ảnh minh họa)
Khi nào hợp đồng bảo đảm có hiệu lực?
Hiện nay, về hiệu lực của giao dịch bảo đảm, Điều 10 Nghị định 163/2006 quy định, giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp thì sẽ có hiệu lực kể từ thời gian giao kết trừ các trường hợp sau đây:
- Các bên có thoả thuận khác;
- Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố;
- Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp;
- Giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng hoặc chứng thực khi pháp luật quy định.
Theo quy định, giao dịch bảo đảm sẽ có hiệu lực từ thời điểm ký trừ 04 trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, tới đây, khi khái niệm hợp đồng bảo đảm được quy định chi tiết tại Nghị định 21/2021 thì hiệu lực của loại hợp đồng này cũng được Chính phủ quy định như sau:
- Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực: Có hiệu lực từ thời điểm công chứng, chứng thực.
- Hợp đồng bảo đảm không công chứng, chứng thực: Có hiệu lực từ thời điểm các bên thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm được giao kết.
Trong đó, việc công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan hoặc theo yêu cầu của các bên.
Đặc biệt, khoản 3 Điều 22 Nghị định này nêu rõ:
Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
Theo đó, trong quá trình bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bên bảo đảm có thể rút bớt tài sản nhưng khi đó, chỉ phần rút bớt đó không còn hiệu lực mà những phần khác của hợp đồng vẫn có hiệu lực. Đồng thời, phần hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản rút bớt đó cũng phải được sửa đổi, bổ sung.
Trên đây là giải đáp về hợp đồng bảo đảm là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.