Kế toán là gì?
Có nhiều cách giải thích cho thuật ngữ “Kế toán”, theo VCCI:
“Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh tế tài chính) trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế – xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động trong doanh nghiệp”.
Luật Kế toán 2015 đưa ra định nghĩa về kế toán tại khoản 8 Điều 3 như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
8. Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.”
Hiểu một cách đơn giản, kế toán là việc ghi lại các giao dịch tài chính liên quan đến các hoạt động của một doanh nghiệp. Người thực hiện công việc này chính là kế toán viên.
Kế toán có các nhiệm vụ nào?
Điều 4 Luật Kế toán 2015 quy định nhiệm vụ kế toán như sau:
Một là, thu thập, xử lý các thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán cũng như chế độ kế toán.
Hai là, kiểm tra và giám sát các khoản thu, khoản chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài chính, kế toán.
Ba là, phân tích các thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
Bốn là, cung cấp thông tin và số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp Việt Nam thường có các loại kế toán nào?
Tùy vào hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp mà công việc của kế toán viên sẽ khác nhau. các bộ phận kế toán của từng doanh nghiệp cũng sẽ đảm nhận một công việc khác nhau trên danh nghĩa là kế toán. Trong doanh nghiệp thường có các loại kế toán sau đây:
1. Kế toán thanh toán
Kế toán thanh toán là người thực hiện công việc lập chứng từ thu/chi khi các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản phát sinh và theo dõi, hạch toán quản lý khi các giao dịch, nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh.
2. Kế toán ngân hàng
Kế toán ngân hàng là người thực hiện công việc ghi nhận, xử lý và phân tích bằng các nghiệp vụ ngân hàng khi các giao dịch ngân hàng xảy ra đồng thời cung cấp các thông tin liên quan đến các giao dịch để phục vụ cho công tác quản lý khi các giao dịch đó hoàn thành.
3. Kế toán công nợ
Công nợ trong kế toán là một mảng nhỏ so với các loại kế toán khác trong doanh nghiệp, do vậy thông thường các doanh nghiệp nhỏ thì phần việc này sẽ do bộ phận kế toán tổng hợp đảm nhận.
4. Kế toán theo dõi hàng tồn kho
Hàng tồn kho chính là hàng hóa và các nguyên vật liệu được chứa trong kho hàng của doanh nghiệp. Kế toán theo dõi hàng tồn kho là người thực hiện công việc lập hóa đơn, chứng từ để theo dõi những vấn đề liên quan đến kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu trong doanh nghiệp (nhập - xuất - tồn).
5. Kế toán tài sản cố định
Tài sản cố định là những tài sản lớn được liệt kê, có thời gian sử dụng và được đánh giá dựa trên sự hao mòn theo thời gian. Kế toán tài sản cố định là người thực hiện công việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của nhà nước và lập các báo cáo về tài sản cố định của doanh nghiệp.
6. Kế toán doanh thu
Kế toán doanh thu là người thực hiện công việc thống kê tổng hợp lại các chứng từ bán hàng và rà soát tình hình tài chính của khách hàng.
7. Kế toán thuế
Kế toán thuế là người thực hiện công việc bao gồm thu thập, sắp xếp, xử lý và lưu trữ hóa đơn chứng từ; lập bảng báo cáo thuế theo từng tháng, từng quý và thực hiện các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
8. Kế toán chi phí
Chi phí là sự hao phí tiền bạc, sức lao động và sự hao mòn về công cụ hay vật chất để tạo ra sản phẩm hay để thực hiện một công việc nhất định. Chi phí gồm chi phí cố định, chi phí hoạt động, chi phí biến đổi, chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
Kế toán chi phí là người thực hiện công việc xem xét tổng quan về tất cả các chi phí liên quan đến sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ để chuẩn bị ngân sách, phân tích lợi nhuận, kiểm soát hoạt động cũng như có phương thức quản lý hợp lý.
9. Kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp là người thực hiện các công việc gồm thu thập, xử lý, lưu trữ và lập phiếu thu, chi, xuất - nhập hóa đơn; xem xét công nợ của cả khách hàng và nhà cung ứng, hóa đơn đầu vào và hóa đơn đầu ra; lập các báo cáo thuế, tình hình sử dụng hóa đơn, bảng lương, thưởng và các khoản trích theo lương; đánh giá giá trị tồn kho, hao mòn tài sản cố định, phân tích giá vốn bán hàng; kiểm tra các chứng từ kế toán, hóa đơn và lập báo cáo tài chính, báo cáo quản trị.
Kế toán tổng hợp là loại kế toán quan trọng nhất trong các loại kế toán của doanh nghiệp.
Muốn trở thành một kế toán viên cần đáp ứng các yêu cầu gì?
Thứ nhất, về trình độ học vấn
Là một bộ phận quan trọng của doanh nghiệp, kế toán viên cần đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ các kiến thức chuyên ngành, kỹ năng lập bảo báo cáo, thống kê và phân tích tài chính.
Hiện nay có các trường đại học sau đây đào tạo ngành kế toán:
- Khu vực phía Bắc có các trường Đại học Ngoại Thương; Đại học Kinh Tế Quốc Dân; Đại học Kinh Tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội; Học viện Tài Chính; Học Viện Ngân Hàng; Đại học Thương Mại; Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Giao Thông Vận Tải;...
- Khu vực miền Trung có các trường Đại học Kinh Tế - Đại học Đà Nẵng; Đại học Kinh Tế - Đại học Huế; Đại học Nha Trang;...
- Khu vực phía Nam có các trường Đại học Kinh Tế TP.HCM; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Ngân Hàng TP.HCM; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Sài Gòn; Đại học Mở TP.HCM; Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Công Nghiệp TP.HCM;...
Các trường cao đẳng dưới đây cũng có đào tạo ngành kế toán: Cao đẳng Kinh tế Công Nghệ Hà Nội; Cao đẳng Bách Khoa; Cao đẳng Kinh Tế Công Nghệ Cao Hà Nội; Cao đẳng Công Thương Hà Nội; Cao đẳng Công Nghệ và Thương Mại Hà Nội;...
Ngoài ra ngành kế toán yêu cầu có bằng cấp và chứng nhận chuyên môn quốc tế như ICAEW, ACCA, CPA, CFA.
Thứ hai, kỹ năng nghề nghiệp
Ngoài trình độ học vấn nêu trên, bạn cần phải chuẩn bị thêm một số các kỹ năng khác để đảm bảo cho việc thực hiện công việc đạt hiệu quả như trình độ ngoại ngữ, thành thạo tin học văn phòng, có kỹ năng phân tích và tổng hợp số liệu cũng như niềm yêu thích với các con số, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và chịu được áp lực công việc.
Thứ ba, thái độ làm việc
Trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp là hai yêu cầu quan trọng đối với kế toán viên, tuy nhiên kế toán là một công việc đòi hỏi bạn phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết bởi bạn sẽ thường xuyên làm việc với rất nhiều con số đồng thời cần có sự trung thực, nguyên tắc, chính xác và trách nhiệm kỷ luật cao.
Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề Kế toán là gì? Kế toán có các nhiệm vụ nào? Trường hợp bạn muốn tư vấn những vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.