hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 12/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kết hôn giả là gì? Kết hôn giả có tội không?

Kết hôn giả là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Kết hôn giả là gì? Kết hôn giả có tội không?

Kết hôn giả là gì?

Theo Wikipedia, kết hôn giả hay kết hôn giả tạo là một từ dùng chỉ về một cuộc hôn nhân theo hợp đồng, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật để tiến tới hôn nhân vì những lý do khác chứ không nhằm xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu. Đó có thể là một cuộc hôn nhân được dàn xếp cho lợi ích cá nhân (về kinh tế, tài sản, địa vị xã hội, vấn đề cư trú, nhập cảnh...) hoặc một số nhóm mục đích khác chẳng hạn như hôn nhân chính trị.

Còn theo khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định cấm kết hôn giả tạo, cụ thể:

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

...

Hiện nay, khi tiến hành kết hôn giả tạo, các bên vẫn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký kết hôn, vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Tuy nhiên, mục đích kết hôn không hợp pháp, không nhằm xây dựn gia đình, sinh con đẻ cái, mà việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.

Vì thế, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
ket hon gia la gi

Kết hôn giả có tội không?

Nếu chỉ kết hôn giả để thực hiện các mục đích như để xuất cảnh, để cư trú... thì không phạm tội. Hành vi này chỉ bị xử lý về mặt hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Về xử lý hành chính, theo khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi kết hôn giả tạo.

Ngoài ra, hôn nhân giả tạo còn bị hủy bỏ.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, khi phát hiện có hành vi kết hôn giả tạo, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật:

- Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.

Đồng thời, nếu phát hiện hành vi kết hôn giả tạo thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Nếu công chức, viên chức thực hiện kết hôn giả tạo thì theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình (trong đó có việc kết hôn giả tạo) thì sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

- Đối với công chức: Tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức.

- Đối với viên chức: Cũng tùy theo mức độ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Về xử lý kỷ luật đảng, căn cứ Điều 51 Quy định số 69-QĐ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình, tùy từng trường hợp, mức độ, hậu quả vi phạm mà đảng viên có thể bị xử lý kỉ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ.

Trên đây là giải đáp kết hôn giả là gì? Kết hôn giả có tội không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái luật

Có thể bạn quan tâm

X