Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của mọi công dân Việt Nam, đã được Hiến pháp ghi nhận, đảm bảo thực hiện. Vậy, khiếu nại được hiểu cụ thể như thế nào?
Khiếu nại là gì?
Tại Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có quyền khiếu nại.
Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của mọi công dân Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Có thể khiếu nại bằng hình thức nào?
Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Khiếu nại thì khiếu nại được thực hiện thông qua hai hình thức: bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
1. Khiếu nại bằng đơn
Nếu thực hiện khiếu nại bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi r:
- Ngày, tháng, năm khiếu nại;
- Tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
- Nội dung, lý do khiếu nại, các tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại
- Yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
2. Khiếu nại trực tiếp
Nếu khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, sau đó yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong văn bản ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn.
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, thực hiện như sau:
– Khiếu nại trực tiếp: Cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn.
– Khiếu nại bằng đơn: trong đơn phải ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn, có chữ ký của những người khiếu nại, đồng thời phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện đó phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại.
Thời hiệu khiếu nại là bao lâu?
Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Nếu người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do như ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định “thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng” là một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết.
Như vậy, thời hiệu khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt hoặc biết được quyết định xử phạt, có nghĩa không phải kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.
Điều này cũng quy định thời gian để tính thời hiệu khiếu nại là “ngày”, như vậy thời hạn 90 ngày đó sẽ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết hoặc ngày thứ 7, chủ nhật.
Khiếu nại khác tố cáo ra sao?
Khiếu nại, tố cáo là những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Quá trình phát triển của pháp luật cũng như đòi hỏi của thực tiễn thì khiếu nại và tố cáo đã có sự phân biệt rõ rang. Hiện nay có Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011 (được thay thế bằng Luật Tố cáo năm 2018). Vậy hai hình thức này khác nhau thế nào?
Hình thức | Khiếu nại | Tố cáo |
Chủ thể | người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại. | Chủ thể của tố cáo chỉ có thể là cá nhân (khoản 4Điều 2 Luật Tố cáo) |
Đối tượng | Đối tượng của khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức | Tố cáo có đối tượng rộng hơn, đó là những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. |
Mục đích | Hướng tới bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại | không chỉ nhằm bảo vệ và khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo mà còn hướng tới lợi ích của Nhà nước và xã hội |
Cách thức thực hiện | Người khiếu nại đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính… | Người tố cáo báo cho người có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết về hành vi vi phạm pháp luật. |
Thực hiện giải quyết | Xác minh kết luận và quyết định giải quyết của người giải quyết khiếu nại | Người giải quyết tố cáo xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp xử lý thích hợp với tính chất, mức độ sai phạm của hành vi. |
Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại được quy định thế nào?
Điều 12 Luật Khiếu nại quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại như sau:
Quyền của người khiếu nại có thể kể đến như:
- Tự mình khiếu nại.
- Có thể nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.
Bên cạnh đó người tham khiếu nại còn được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước; được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại và được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;…
- Bên cạnh các quyền trên thì người khiếu nại còn có nghĩa vụ như: Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật…
Trình tự giải quyết khiếu nại Được quy định tại chương IV Nghị định 124/2020/NĐ-CP, gồm 03 bước sau: Bước 1 - Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại Bước 2 - Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại Bước 3 - Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại |
Trên đây là các thông tin giải đáp cho khiếu nại là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.