hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 28/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Khoáng sản là gì? Cấp phép khai thác khoáng sản ra sao?

Khoáng sản là gì? Trữ lượng các loại khoáng sản ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu? Hoạt động khoáng sản là làm những công việc gì?... Những câu hỏi xoay quanh khoáng sản, sử dụng/khai thác khoáng sản luôn thu hút được số lượng lớn những người quan tâm. Thực tế cho thấy, khoáng sản và bài toán sử dụng, khai thác hợp lý khoáng sản luôn là vấn đề mà các quốc gia, vùng lãnh thổ đặc biệt chú trọng.

Mục lục bài viết
  • 1. Khoáng sản là gì? Phân loại khoáng sản thế nào?
  • 2. Có mấy dạng khoáng sản?
  • 2.1 Có mấy dạng khoáng sản?
  • 2.2 Làm sao biết được có sự tích tụ khoáng sản?
  • 2.3 Những loại khoáng sản nào ở Việt Nam có trữ lượng lớn?

1. Khoáng sản là gì? Phân loại khoáng sản thế nào?

Khoáng sản là gì, cách phân loại khoáng sản là những vấn đề đầu tiên khi hiểu về khoáng sản. Khoáng sản được pháp luật Việt Nam định nghĩa thế nào?

Dưới góc độ nghiên cứu địa lý, khoáng sản được hiểu là các loại chất cấu tạo nên vỏ Trái Đất, chính xác hơn, nó chính là thành phần để tạo thành khoáng vật của vỏ Trái Đất. Tính chất vật lý, thành phần hóa học của khoáng sản cung cấp cho con người những giá trị sử dụng hữu ích, có hiệu quả trong việc sản xuất ra của cải phục vụ cho đời sống con người.

Mỗi loại khoáng sản có những đặc tính khác biệt, do vậy, sẽ có vai trò, công dụng khác nhau trong đời sống con người. Thành phần hóa học của khoáng sản cũng có thể được coi là căn cứ để xác định giá trị, mức độ hữu ích của nó đối với con người.

Một số đặc điểm dễ nhận biết về khoáng sản:

+ Được hình thành tự nhiên, qua quá trình tích tụ vật chất, thậm chí là có sự biến đổi trong chính loại vật chất được tích tụ đó;

+ Nó là những loại vật chất có giá trị sử dụng, giá trị khác hữu ích cho đời sống con người;

+ Là một trong những loại tài nguyên thiên nhiên;

+ Tạo ra của cải vật chất, làm thay đổi xã hội loài người;

+ Nó có thể tồn tại hữu hạn và cạn kiệt vào một thời điểm nhất định;

Dưới góc độ pháp lý, khoáng sản được định nghĩa theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 là:

1. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Theo đó, khoáng sản được định nghĩa theo pháp luật Việt Nam có một số đặc điểm sau:

+ Có thể hình dung, định hình được: Nó ở thể rắn, lỏng, khí;

+ Phạm vi tồn tại: Trong lòng đất, trên mặt đất;

+ Nó là những vật chất được tích tụ tự nhiên: Không có sự can thiệp của con người trong quá trình tích tụ tạo thành các loại khoáng sản này.

Dưới góc độ đời sống, khoáng sản có thể là những khối vật chất với nhiều hình dạng khác nhau mà con người có thể nhìn thấy, chạm,..sử dụng hoặc khai thác nó nhằm phục vụ cho đời sống vật chất, đời sống tinh thần của con người.

Kết luận: Khoáng sản dù được hiểu theo góc độ nào thì cũng là những vật chất được hình thành, tích tụ tự nhiên qua thời gian dài, có giá trị đối với đời sống con người.

khoang san la gi

2. Có mấy dạng khoáng sản?

Bên cạnh hiểu khoáng sản là gì thì hiểu về cách phân loại khoáng sản có thể giúp con người dễ dàng quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nhằm gia tăng giá trị hữu ích của khoáng sản đối với đời sống con người. Việc phân loại khoáng sản được quy định như sau:

2.1 Có mấy dạng khoáng sản?

Tùy thuộc căn cứ phân chia các loại khoáng sản mà khoáng sản có thể được phân thành:

Căn cứ phân loại

Các loại khoáng sản

Trạng thái vật lý

- Khoáng sản rắn: Mỏ quặng, mỏ kim loại,...;

- Khoáng sản lỏng: Dầu mỏ, nước khoáng,...;

- Khoáng sản khí: Khí đốt, khí trơ

Theo công dụng, nguồn trữ lượng của khoáng sản

- Khoáng sản là nhiên liệu hóa thạch/khoáng sản năng lượng: Dầu mỏ, khí đốt, than, bùn, than đá,...;

- Khoáng sản kim loại/quặng: Các quặng kim loại đen, quặng kim loại màu, quặng kim loại quý;

- Khoáng sản phi kim loại: Đá vôi, cát, đất sét, đá hoa cương…(khoáng sản phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng), các khoáng sản phi kim khác;

- Khoáng sản là đá màu: Các loại đá quý gồm kim cương, ngọc lục bảo, tourmaline, … hoặc ngọc thạch anh, đá mã não, charoit, nefrit…;

- Khoáng sản là thủy khoáng: Nước ngọt ngầm dưới đất, nước khoáng..;

- Khoáng sản là nguyên liệu khoáng - hóa (vật chất phản ứng hóa học với các hợp chất khác để tạo ra vật thể có ích): Các muối khoáng như barit, borat,...hoặc apatit/quặng apatit

Trên đây là cách phân loại khoáng sản thường được áp dụng.

2.2 Làm sao biết được có sự tích tụ khoáng sản?

Khoáng sản là những vật chất được tích tụ, hình thành trong một khoảng thời gian dài, thậm chí nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn còn có thể hình thành vùng mỏ, bể, bồn. Vậy, khi đã hiểu rõ khoáng sản là gì thì có một số dấu hiệu để nhận biết có hay không có khoáng sản thông thường, dễ thấy nhất có thể là:

- Có các khoáng vật cộng sinh của mỏ quặng (những khoáng vật cộng sinh thường ở thể rắn, có thể là các vật chất có tính chất lý hóa cộng hưởng, có lợi cho sự tồn tại của mỏ quặng) Ví dụ khoáng vật là thạch anh đối với mỏ vàng, đối với quặng sắt có crôm là platin...);

- Có các mảnh vụn hoặc đá cuội…tại các khe máng, sông suối: Có thể là vàng, hoặc đá quý khác;

- Có các chỗ lộ vỉa (chỗ lộ thiên, tồn tại phía trên mặt đất có thể dễ dàng quan sát, nhìn thấy khoáng sản);

- Có các nguồn khoáng vật (là những hợp chất tự nhiên là khoáng chất được hình thành trong tự nhiên): Các nguồn khoáng vật có liên hệ mật thiết với các mỏ quặng do một trong những nguyên nhân sinh ra khoáng vật là do có sự biến đổi chất từ các phản ứng hóa học ở lớp vỏ Trái Đất - là nơi sản sinh ra các mỏ khoáng sản. Ngoài ra, khoáng vật cũng có thể là một trong những hợp chất để tạo thành khoáng sản;

- Thảm thực vật: Mỏ quặng khoáng sản chứa đựng những hợp chất có thể phát sinh những phản ứng lý hóa đối với môi trường xung quanh, trong đó có thảm thực vật ở bề mặt Trái Đất. Do vậy, sự xuất hiện khác lạ của các dạng thảm thực vật cũng là dấu hiệu để nhận biết được có sự tích tụ khoáng sản tại địa phương đó.

Chính từ những dấu hiệu có thể phát hiện được có mỏ quặng mà trong các hoạt động thăm dò khoáng sản, các phương pháp thường được sử dụng nhiều là đào giếng, các đường xẻ hay tiến hành khoan các lỗ khoan, đào mương, hào, rãnh, … nhằm mục đích bắt gặp/tìm kiếm thân quặng. Từ đó, tính toán, ước lượng trữ lượng để tiến hành khai thác.

2.3 Những loại khoáng sản nào ở Việt Nam có trữ lượng lớn?

Với vị trí địa lý tự nhiên, Việt Nam có một số loại khoáng sản tới nay vẫn còn trữ lượng lớn có thể liệt kê đến như:

Một là, dầu khí: Hiện nay, trữ lượng khoáng sản là dầu khí là khoáng sản có trữ lượng lớn nhất trong các loại khoáng sản ở nước ta. Khu vực có trữ lượng lớn gồm: Khu vực biển Trường Sa, Đồng bằng Sông Cửu Long, sông Hồng…;

Hai là, than đá: Khu vực Quảng Ninh là nơi có trữ lượng than đá lớn của nước ta và được gọi là bể than Quảng Ninh (trên 3 tỷ tấn);

Ba là, apatit: Đây là khoáng sản có trữ lượng lớn ở tỉnh Lào Cai (mỏ apatit);

Bốn là, đất hiếm: Là nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón vi lượng, nam châm vĩnh cửu và đèn cathode (một dạng của đèn LED) và cũng là loại khoáng sản vô cùng hiếm ở vỏ Trái Đất.

Năm là, đá vôi: Đây là nguyên liệu khoáng sản đặc biệt quan trọng trong xây dựng, là nguyên liệu để sản xuất xi măng, luyện kim, thủy tinh hoặc sản xuất hóa chất. Đá vôi xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc;

Sáu là, titan: Thường nằm chủ yếu ở các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Vũng Tàu… và hình thành quặng, một số nơi có mỏ quặng;

Bảy là, urani: Là nguyên tố hóa học có tính phóng xạ là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, tổng sản lượng urani ở Việt Nam được ước tính là khoảng 218.000 tấn U308, hình thành các quặng.

Ngoài ra, có một số các loại khoáng sản khác đang tồn tại ở Việt Nam có trữ lượng nhỏ hơn.

Trên đây là một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn ở Việt Nam.

3. Vai trò của khoáng sản trong đời sống là gì?

Từ định nghĩa khoáng sản là gì, có thể thấy, khoáng sản tuy rằng không phải là dạng tài nguyên thiên nhiên quyết định trực tiếp đến sự sống, sự tồn tại của con người như tài nguyên nước, tài nguyên đất… Tuy vậy, khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình duy trì, mở rộng sự phát triển của nhân loại. Vai trò của khoáng sản có thể được nhìn nhận qua những góc độ sau đây:

- Dưới góc độ kinh tế: Là nguồn nguyên liệu cho hàng loạt ngành công nghiệp như đá vôi cho sản xuất xi măng, sắt dùng trong luyện kim, khí gas/dầu mỏ…phục vụ cho việc đun nấu, nhiên liệu cho xe cộ hoạt động,...

- Dưới góc độ phục vụ cho nhu cầu tinh thần: Kim cương, đá quý…giúp làm đẹp/có giá trị cao, nước nóng/nước khoáng có tác dụng lớn trong việc nâng cao sức khỏe con người,...

- Dưới góc độ chính trị: Có tài nguyên khoáng sản sẽ giúp các quốc gia, vùng lãnh thổ nâng cao tính tự lập, tự chủ của mình. Khai thác, xuất khẩu hợp lý nguồn tài nguyên còn có thể là căn cứ để tăng tính phụ thuộc của nước khác. Ví dụ: Việc xuất khẩu khí đốt, dầu mỏ…cho các nước không có nguồn khoáng sản này;

- Dưới góc độ văn hóa, giáo dục, lịch sử: Khoáng sản là một minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh của khu vực đó cũng là căn cứ để nghiên cứu các tính chất về địa lý học, lịch sử hình thành/phát triển và dự đoán được một số vấn đề về cấu trúc thềm lục địa trong tương lai.

Đây là một số vai trò của khoáng sản trong đời sống con người.

khoang san la gi

4. Hoạt động khoáng sản bao gồm những công việc gì?

Khoản 5 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 quy định hoạt động khoáng sản bao gồm 2 hoạt động:

- Thăm dò khoáng sản: Thực hiện các công việc cần thiết nhằm xác định trữ lượng, chất lượng, các vấn đề khác xoay quanh khoáng sản (ví dụ như các tác động đối với môi trường xung quanh, thảm thực vật, thềm lục địa, đời sống con người, nguồn nước,...). Việc thăm dò khoáng sản chỉ được thực hiện theo Giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được tiến hành trước khi khai thác khoáng sản;

- Khai thác khoáng sản: Là các công việc nhằm thu hồi khoáng sản/lấy khoáng sản ra khỏi bề mặt chứa đựng khoáng sản để sử dụng. Khai thác khoáng sản bao gồm quy trình xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan (ví dụ khai thác khoáng sản kết hợp với sản xuất khoáng sản,...)

Cần lưu ý, khi được cấp phép, những đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo các đơn vị này có trách nhiệm, nghĩa vụ và có nguồn lực để khai thác có hiệu quả, hợp lý nguồn khoáng sản.

Vậy nên, hoạt động khoáng sản bao gồm hai hoạt động mà chúng tôi đã liệt kê trên.

5. Thủ tục cấp phép trong hoạt động khoáng sản gồm những bước nào?

Hoạt động khoáng sản được thực hiện thông qua hai bước thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản.

Theo đó, thăm dò khoáng sản là bước đầu tiên phải thực hiện nhằm ước tính dự đoán trữ lượng và các vấn đề khác liên quan đến khoáng sản trước khi tiến hành khai thác.

Khai thác khoáng sản là các công việc mà cá nhân, tổ chức, cơ quan được quyền thực hiện xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan sau khi đã thực hiện thăm dò khoáng sản theo trình tự, thủ tục luật định.

Hoạt động khoáng sản phải được cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản khác có liên quan.

Cụ thể, thủ tục cấp phép cho hoạt động khoáng sản được thực hiện như sau:

Thăm dò khoáng sản

Khai thác khoáng sản

Căn cứ pháp lý

Điều 48 Luật Khoáng sản 2010

Điều 60 Luật Khoáng sản 2010

Thủ tục cấp phép

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam chuẩn bị hồ sơ gồm:

+ 01 đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản (bản chính);

+ 01 Bản đồ khu vực thăm dò khoáng sản (bản chính);

+ 01 Đề án thăm dò khoáng sản (bản chính);

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện (bản sao có công chứng/chứng thực hoặc bản photo có bản chính để đối chiếu);

+ Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (áp dụng đối với trường hợp thăm dò khoáng sản độc hại) (bản sao có chứng thực, công chứng);

+ Văn bản chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định tại Điều 9 Nghị định 158/2016/NĐ-CP như biên bản góp vốn của cổ đông/thành viên sáng lập… (bản sao có công chứng, chứng thực);

+ Văn bản trúng đấu giá (bản sao có công chứng, chứng thực) (áp dụng trong trường hợp thăm dò khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản);

+ Văn bản thẩm định an toàn do Cục an toàn bức xạ và hạt nhân cấp (cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) (áp dụng trong trường hợp thăm dò quặng khoáng sản phóng xạ);

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền gồm:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Cho những trường hợp thăm dò khoáng sản là làm vật liệu xây dựng thông thường hoặc khoáng sản là than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Các trường hợp còn lại.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 4: Thẩm định hồ sơ

Kiểm tra trên thực địa, tọa độ, diện tích của khu vực thăm dò khoáng sản. Nếu cần thiết thì có thể xin ý kiến từ các cơ quan chuyên môn khác

Bước 5: Cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản và trả kết quả

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định pháp luật

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người có đủ điều kiện khai thác khoáng sản chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 59 Luật Khoáng sản 2010 gồm:

+ 01 Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (bản chính);

+ 01 bản đồ khu vực khai thác khoáng sản (bản chính);

+ 01 dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư (bản chính);

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện (bản sao có công chứng/chứng thực hoặc bản photo có bản chính để đối chiếu);

+ Văn bản xác nhận trúng đấu giá nếu đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò (bản sao có công chứng, chứng thực);

+ Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền (bản sao có công chứng, chứng thực);

+ Quyết định chủ trương đầu tư (nếu là nhà đầu tư trong nước) hoặc Giấy đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài) (bản sao có công chứng, chứng thực);

+ Văn bản chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định tại Điều 9 Nghị định 158/2016/NĐ-CP như biên bản góp vốn của cổ đông/thành viên sáng lập… (bản sao có công chứng, chứng thực);

+ Văn bản thẩm định an toàn do Cục an toàn bức xạ và hạt nhân cấp (cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) (áp dụng trong trường hợp khai thác quặng khoáng sản phóng xạ);

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; hoặc thực hiện cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Bước 4: Thẩm định hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện kiểm tra tọa độ, diện tích khu vực đề nghị khai thác khoáng sản và kiểm tra thực địa và có thể xin ý kiến từ các cơ quan chuyên môn khác nếu cần thiết

Bước 5: Cấp giấy phép khai thác khoáng sản và trả kết quả cho người yêu cầu

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định pháp luật

Trên đây là quy trình cơ bản để được cấp giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành.

khoang san la gi

6. Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản là làm gì?

Từ định nghĩa khoáng sản là gì, vai trò của khoáng sản và các hoạt động của khoáng sản, có thể thấy việc khai thác, sử dụng khoáng sản có thể gây hại cho môi trường sống của con người. Như chúng tôi đã phân tích, hoạt động khoáng sản chắc chắn gây ảnh hưởng tới môi trường, cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người tại khu vực có hoạt động khoáng sản. Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường là hoạt động quan trọng mà cơ quan, tổ chức được quyền thực hiện hoạt động khoáng sản phải thực hiện.

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường khi thực hiện thăm dò khoáng sản/khai thác khoáng sản là thực hiện các công việc được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Khoáng sản 2010, Luật Năng lượng nguyên tử 2008 và các văn bản có liên quan, cụ thể như sau:

Đối với cơ quan quản lý

Đối với cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động khoáng sản

- Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường;

- Tổ chức đánh giá thiệt hại và xử lý hậu quả;

- Tổ chức các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Thực hiện các bước theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt/hoặc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và xử lý nhanh chóng, kịp thời hậu quả do hoạt động khoáng sản gây ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại ô nhiễm môi trường;

- Ngăn chặn ngay và có các biện pháp giảm thiểu tối đa tác hại do hoạt động khoáng sản gây ra;



7. Chính sách của Nhà nước trong các hoạt động khoáng sản gồm những gì?

07 chính sách của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản được quy định tại Điều 3 Luật Khoáng sản 2010 bao gồm:

Một là, tùy từng thời kỳ mà Nhà nước có các chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

Hai là, Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả: Việc khai thác, sử dụng hợp lý khoáng sản là căn cứ để quốc gia, đất nước phát triển bền vững, ổn định, tự chủ;

Ba là, Nhà nước thực hiện:

+ Đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản: Đây là các công việc cụ thể hóa cho các quy hoạch, chiến lược đã được lập, phê duyệt trước đó;

+ Thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (là các hoạt động nghiên cứu/điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, …nhằm có dữ liệu, kết quả để đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản và làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản) và hoạt động khoáng sản (xây dựng cơ bản, khai đào,..).

Bốn là, việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cơ quan, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để có hiệu quả tốt nhất;

Năm là, để nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Nhà nước sẽ tiến hành đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng;

Sáu là, dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội là những dự án được Nhà nước khuyến khích thực hiện;

Bảy là, tùy từng thời kỳ mà Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Như vậy, đây là những chính sách cơ bản, quan trọng để Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng cũng như đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

Trên đây là giải đáp về khoáng sản là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Ô nhiễm môi trường là gì? Các loại ô nhiễm môi trường hiện nay

Có thể bạn quan tâm

X