Kiểm kê đất đai là gì? Kiểm kê đất đai được thực hiện khi nào và với mục đích gì? Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người sử dụng đất quan tâm nhưng có thể chưa thực sự hiểu rõ. Bài viết sau đây của HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những nội dung cơ bản nhất về kiểm kê đất đai.
Chào bạn, với những vấn đề xoanh quanh câu hỏi kiểm kê đất đai là gì mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp cụ thể như sau:
Kiểm kê đất đai là gì?
Trước hết, kiểm kê đất đai là dữ liệu được dùng trong quản lý hành chính Nhà nước về đất đai. Kết quả của việc kiểm kê đất đai được dùng để đánh giá, theo dõi đối với việc quản lý, sử dụng đất đai.
Theo quy định pháp luật khoản 18 Điều 3 Luật Đất đai 2013, kiểm kê đất đai được định nghĩa như sau:
…
18. Kiểm kê đất đai là việc Nhà nước tổ chức điều tra, tổng hợp, đánh giá trên hồ sơ địa chính và trên thực địa về hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê và tình hình biến động đất đai giữa hai lần kiểm kê.
…
Từ căn cứ trên, việc kiểm kê đất đai có một số đặc điểm cơ bản sau đây:
Đây là trách nhiệm, công việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quản lý hành chính về đất đai (cơ quan thực hiện trực tiếp việc kiểm kê đất đai là Văn phòng đăng ký đất đai, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, công chức địa chính cấp xã);
Các công việc mà cơ quan Nhà nước thực hiện khi kiểm kê đất đai là điều tra, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng sử dụng đất dựa trên hồ sơ địa chính, trên thực địa và tình hình biến động đất đai giữa hai lần thực hiện kiểm kê;
Nguyên tắc thực hiện kiểm kê đất đai là gì?
Việc kiểm kê đất đai phải được thực hiện theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, bao gồm:
Tại thời điểm kiểm kê các thông tin về loại đất, loại đối tượng sử dụng đất, đối tượng quản lý đất và các chỉ tiêu khác phải được ghi nhận theo đúng hiện trạng (trừ trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích tại thời điểm thống kê hoặc được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 4 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT;
Nếu tại thời điểm thống kê đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đất chưa sử dụng đất theo quyết định thì thực hiện kiểm kê theo loại đất, loại đối tượng sử dụng đất ghi trong quyết định. Đồng thời, phải thực hiện kiểm kê theo hiện trạng sử dụng đất vào biểu riêng (các biểu 05/TKĐĐ và 05a/TKĐĐ ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT) để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật đất đai (vẫn thực hiện kiểm kê đất đai theo hiện trạng sử dụng và không ghi vào biểu riêng này đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng đất chưa được bàn giao đất trên thực địa).
Nếu khi kiểm kê đất đai mà mục đích sử dụng đất ở hiện trạng đã thay đổi khác so với mục đích sử dụng đất trên hồ sơ địa chính thì thực hiện kiểm kê theo hiện trạng đang sử dụng và kiểm kê theo mục đích được ghi trên hồ sơ địa chính và tổng hợp các trường hợp này vào biểu riêng (các Biểu 06/TKĐĐ và 06a/TKĐĐ ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT) để kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật;
Nếu người sử dụng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP và khoản 11 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì vẫn thống kê, kiểm kê theo loại đất trồng lúa và thực hiện kiểm kê diện tích đất trồng lúa đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vào biểu riêng (Biểu 02a/TKĐĐ ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT);
Nếu tại thời điểm kiểm kê đất đai mà đất đang sử dụng vào nhiều mục đích thì ngoài việc thống kê, kiểm kê theo mục đích sử dụng đất chính, còn phải thống kê, kiểm kê thêm theo mục đích sử dụng đất kết hợp vào biểu riêng (Biểu 07/TKĐĐ ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT). Trong đó, mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quy định tại Điều 11 Luật Đất đai 2013, Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP;
Số liệu kiểm kê đất đai định kỳ (theo chu kỳ) được tổng hợp từ kết quả điều tra, khoanh vẽ, lập bản đồ kiểm kê đất đai đối với toàn bộ diện tích trong phạm vi địa giới hành chính của đơn vị thực hiện kiểm kê đất đai (trong phạm vi địa giới hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nơi có đất hoặc cả nước);
Các đơn vị được dùng trong kiểm kê đất đai: Đối với diện tích các khoanh đất tính trên bản đồ kiểm kê đất đai cấp xã thì được tính, ghi nhận theo đơn vị m2, số liệu diện tích trên các biểu kiểm kê đất đai thể hiện theo đơn vị ha (các số liệu này được làm tròn số đến hai chữ số thập phân sau dấu phẩy đối với cấp xã (0,01 ha), làm tròn số đến một chữ số thập phân sau dấu phẩy đối với cấp huyện (0,1 ha) và làm tròn số đến 01 ha đối với cấp tỉnh và cả nước);
Nội dung thực hiện kiểm kê đất đai theo định kỳ gồm những gì?
Kiểm kê đất đai theo định kỳ (theo chu kỳ 05 năm một lần) là thực hiện các công việc về kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 14 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, cụ thể gồm:
Thực hiện thu thập các hồ sơ, tài liệu, bản đồ, số liệu liên quan đến biến động đất đai trong kỳ kiểm kê, thu thập hồ sơ kết quả kiểm kê đất đai kỳ trước và kết quả thống kê hàng năm trong kỳ kiểm kê, đồng thời, cần chuẩn bị bản đồ phục vụ cho điều tra kiểm kê;
Tiến hành điều tra, khoanh vẽ hoặc chỉnh lý các khoanh đất theo các chỉ tiêu kiểm kê để lập bản đồ kiểm kê đất đai, thực hiện tính diện tích các khoanh đất và lập Bảng liệt kê danh sách các khoanh đất thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định tại Phụ lục số 03.1 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT;
Cơ quan chuyên môn thực hiện xử lý, tổng hợp số liệu và lập các biểu kiểm kê đất đai theo quy định cho từng cấp đơn vị hành chính (từng cấp quản lý hành chính) và xây dựng báo cáo thuyết minh hiện trạng sử dụng đất theo quy định pháp luật;
Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thực hiện lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất các cấp, đồng thời, xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định;
Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tình hình biến động đất đai trong kỳ kiểm kê, từ đó, có các đề xuất các giải pháp tăng cường về quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất (theo từng khu vực, từng nhóm đất…);
Cơ quan có thẩm quyền xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo mẫu quy định;
Cấp có thẩm quyền phê duyệt, in sao và ban hành kết quả kiểm kê đất đai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất để sử dụng với các mục đích đã xác định theo quy định;
Lưu ý: Nội dung kiểm kê đất đai theo chuyên đề được thực hiện theo Quyết định (yêu cầu cụ thể) của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về một hoặc một số chỉ tiêu loại đất, loại đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất (ví dụ nội dung kiểm kê đất đai là cá nhân hộ gia đình sử dụng đất thuộc nhóm đất nông nghiệp..).
Căn cứ Quyết định kiểm kê đất đai đó, Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu/biểu mẫu/phương pháp/kế hoạch thực hiện và hồ sơ giao nộp kết quả kiểm kê đất đai theo chuyên đề chỉ đạo, thực hiện theo đúng yêu cầu.Thời điểm, thời gian thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được là khi nào và bao lâu?
Trước hết, căn cứ Điều 34 Luật Đất đai 2013, việc kiểm kê đất đai được thực hiện theo cấp hành chính xã, phường và được thực hiện theo chu kỳ 05 năm một lần hoặc theo chuyên đề, kết quả của việc kiểm kê đất đai là lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Thời điểm và thời gian cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định tại Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT như sau:
Kiểm kê đất đai theo chu kỳ | Kiểm kê đất đai theo chuyên đề |
- Thời điểm kiểm kê và lâp bản đồ hiện trạng sử dụng đất: Định kỳ 05 năm một lần, được tính đến hết ngày 31/12 của năm có chữ số tận cùng là 4 và 9 (ví dụ các năm 2004, 2009, 2014, 2019…); - Thời gian thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo chu kỳ của các cơ quan như sau:
Lưu ý: Nếu thời gian thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán thì việc nộp báo cáo của các cơ quan này được lùi lại bằng đúng số thời gian nghỉ Tết theo quy định. | Đối với trường hợp thực hiện kiểm kê đất đai theo chuyên đề thì thời điểm thực hiện kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Như vậy, kiểm kê đất đai được định nghĩa và có một số đặc điểm nổi bật như chúng tôi đã nêu trên. Theo quy định pháp luật, việc thống kê đất đai phải tuân thủ các nguyên tắc và thời điểm, thời gian thực hiện kiểm kê đất đai.
Mục đích thực hiện kiểm kê đất đai là gì?
Từ quy định kiểm kê đất đai là gì, có thể nhận thấy, kiểm kê đất đai nhằm phục vụ cho việc quản lý hành chính Nhà nước về đất đai với những mục đích cụ thể được quy định tại Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT như sau:
Một là, kết quả kiểm kê đất đai được dùng để đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất, từ đó, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất;
Hai là, kết quả kiểm kê đất đai được sử dụng làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Ba là, kết quả kiểm kê đất đai làm cơ sở đề xuất điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai;
Bốn là, kiểm kê đất đai cung cấp số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội: Với việc kiểm tra, đánh giá, tổng hợp những thông tin về đất đai thông qua hiện trạng, sổ sách lưu trữ để có kết quả về hiện trạng sử dụng đất, quá trình kiểm kê đất đai mang lại lợi ích rất lớn cho những ngành khác có liên quan.
=> Đây là những mục đích quan trọng trong việc kiểm kê đất đai theo quy định.
Như vậy, việc kiểm kê đất đai có 4 mục đích chính như chúng tôi đã nêu trên.
Trên đây là giải đáp về kiểm kê đất đai là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.>> Điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất là gì?
>> Thế nào là người sử dụng đất hợp pháp? Người sử dụng đất hợp pháp có quyền gì?