hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 21/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Kiểm toán là gì? Kiểm toán thực hiện các công việc gì?

Kiểm toán là gì? Kiểm toán viên là ai? Kiểm toán thực hiện những công việc gì?... Đây là những câu hỏi rất thông dụng khi tìm hiểu về ngành nghề kiểm toán. Thực tế, kiểm toán là một trong những ngành rất quan trọng trong nền kinh tế, có thể nói, có kiểm toán là có thể xác định được chính sách, chiến lược phát triển. Trong phạm vi bài viết này, HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất để trả lời cho câu hỏi kiểm toán là gì và một số vấn đề liên quan đến kiểm toán.

Mục lục bài viết
  • 1. Kiểm toán là gì? Phân loại kiểm toán thế nào?
  • 1.1 Kiểm toán là gì?
  • 1.2 Kiểm toán thực hiện các công việc cụ thể gì?
  • 1.3 Phân loại kiểm toán thế nào?
  • 2. Chức năng, ý nghĩa của kiểm toán?

1. Kiểm toán là gì? Phân loại kiểm toán thế nào?

Kiểm toán là gì, có bao nhiêu hình thức kiểm toán là những vấn đề đầu tiên khi tìm hiểu về kiểm toán, cũng là những thông tin cơ bản để những ai có mong muốn được hành nghề kiểm toán cần lưu ý.

1.1 Kiểm toán là gì?

Kiểm toán hiện chưa được định nghĩa trong hệ thống văn bản pháp lý. Kiểm toán được hiểu là một chuỗi hành vi để nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá những thông tin về tài chính của các đơn vị. Các hành vi này gồm thu thập, kiểm tra, đánh giá, đối chiếu những thông tin về tài chính của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp…với các chuẩn mực tài chính/quy định của pháp luật về tài chính.

Hiểu đơn giản, kiểm toán là việc thực hiện một chuỗi các hành vi từ thu thập/xử lý/đối chiếu/so sánh và kết luận thông tin từ các đơn vị được kiểm toán để đánh giá mức độ trung thực, đúng đắn, hợp pháp, đúng chuẩn mực, của các thông tin liên quan đến tài chính, báo cáo tài chính và các công việc kiểm toán khác của đơn vị đó.

Trong đó:

+ Báo cáo tài chính của đơn vị bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo về thu nhập của đơn vị, báo cáo lưu chuyển nguồn vốn, báo cáo nguồn vốn của đơn vị,...;

+ Thông tin liên quan đến tài chính của đơn vị như các vấn đề về tuân thủ, về hoạt động, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành,...

+ Các công việc kiểm toán khác có thể gồm tư vấn về tài chính, thuế, kế toán của doanh nghiệp; thẩm định về rủi ro của doanh nghiệp; thẩm định giá tài sản của doanh nghiệp,...

Tuy không định nghĩa kiểm toán là gì nhưng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật là Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các văn bản khác có liên quan, kiểm toán và các vấn đề pháp lý xoay quanh kiểm toán được quy định khá rõ ràng, đầy đủ.

Vậy nên, đây là cách hiểu cơ bản nhất về kiểm toán.

1.2 Kiểm toán thực hiện các công việc cụ thể gì?

Một là, dưới góc độ mở rộng, kiểm toán thực hiện các công việc sau đây:

- Thu thập, kiểm tra, đối chiếu, so sánh, đánh giá tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính, các thông tin liên quan đến tài chính của các đơn vị (doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan) trong quá trình hoạt động so với những chuẩn mực đã được quy định/thiết lập (thường đánh giá, đối chiếu theo quy định pháp luật, các chuẩn mực/quy ước chung);

- Đưa ra kết luận về tính hợp pháp, đúng đắn của mình khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các thông tin có liên quan đến tài chính của các đơn vị được kiểm toán theo yêu cầu hoặc theo hợp đồng kiểm toán;

- Thực hiện các dịch vụ khác như: Tư vấn về tài chính, thuế, kinh tế; Tư vấn về quản lý, chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp doanh nghiệp; Tư vấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị của doanh nghiệp/tổ chức…(thường áp dụng đối với kiểm toán độc lập).

Hai là, dưới góc độ chuyên sâu và theo trình tự kiểm toán, các công việc cụ thể của kiểm toán gồm có:

- Lên kế hoạch kiểm toán

Việc kiểm toán phải được lên kế hoạch, có thể thông qua các hợp đồng kiểm toán, yêu cầu trực tiếp từ ban giám đốc, chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp theo quy định hoặc cũng có thể từ các quyết định kiểm toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Xây dựng chương trình kiểm toán

Khi nhận được kế hoạch kiểm toán, phòng/ban/cá nhân có nhiệm vụ, thẩm quyền thực hiện xây dựng kế hoạch kiểm toán cho đơn vị. Trong kế hoạch kiểm toán có thể nêu rõ phạm vi, nội dung, yêu cầu kiểm toán cụ thể. Ngoài ra, kế hoạch kiểm toán cũng bao gồm thời gian, địa điểm, người thực hiện, đơn vị được kiểm toán và các vấn đề khác dựa trên kế hoạch kiểm toán đã tiếp nhận.

- Thực hiện kiểm toán theo nội dung đã được xây dựng

Tại đây, người có chuyên môn được giao nhiệm vụ/có thẩm quyền thực hiện các công việc:

+ Thu thập thông tin kiểm toán bằng các phương pháp như kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp/logic, điều tra, trắc nghiệm;

+ Ghi chép, phân tích, đối chiếu/so sánh các thông tin đã thu thập được. Đây là bước rất quan trọng để đánh giá tính đúng đắn, phù hợp giữa các thông tin, từ đó có những phát hiện về sai sót hoặc sự chưa phù hợp, đúng đắn giữa các thông tin với nhau và với những chuẩn mực đã được thiết lập;

+ Kết luận nội dung kiểm toán: Dựa trên những thông tin đã được ghi chép, phân tích, đối chiếu các thông tin, người có chuyên môn được giao nhiệm vụ tổng hợp lai các thông tin này và đưa ra kết luận về việc kiểm toán. Khi kết luận nội dung kiểm toán cần lưu ý đến phạm vi kiểm toán theo yêu cầu, các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm toán và đánh giá vấn đề khách quan, đúng yêu cầu/đúng quy định.

- Báo cáo kết quả kiểm toán: Đây là bước cuối cùng khi thực hiện kiểm toán. Với kết luận đã có, dựa trên yêu cầu/phạm vi kiểm toán, người có chuyên môn được giao nhiệm vụ thực hiện báo cáo kết quả kiểm toán. Kết quả kiểm toán thường phải xác định rõ nội dung kiểm toán, tính đúng đắn/phù hợp quy định của các nội dung kiểm toán và kết luận về các nội dung kiểm toán của người thực hiện kiểm toán.

=>Trên đây là 3 công việc chính của kiểm toán.

kiem toan la gi

1.3 Phân loại kiểm toán thế nào?

Ngoài việc hiểu định nghĩa kiểm toán là gì thì phân loại kiểm toán cũng là cách để hiểu về kiểm toán được rõ ràng hơn. Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có thể phân chia kiểm toán thành 3 loại khác nhau, cụ thể như sau:

Các loại kiểm toán

Đặc điểm cơ bản

Căn cứ pháp lý

Kiểm toán Nhà nước

Là việc kiểm toán đối với các tài sản công, thông tin tài chính công, báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và việc chấp hành pháp luật, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định.

Việc kiểm toán thường được thực hiện tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng tài chính công, tài sản công…

Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, sửa đổi bổ sung 2019

Kiểm toán độc lập

Là việc kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

Phạm vi thực hiện kiểm toán: Mọi doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị…có nhu cầu theo hợp đồng kiểm toán đã được ký kết

Luật Kiểm toán độc lập 2011

Kiểm toán nội bộ

Thực hiện các công việc kiểm toán trong nội bộ một cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức (thường là các doanh nghiệp tư nhân/tổ chức phi chính phủ…). Phạm vi kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu của Ban Giám đốc, Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị,...(những người quản lý/chủ sở hữu) của đơn vị, doanh nghiệp đó.

Giá trị kiểm toán thường được ghi nhận trong phạm vi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…

Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các tổ chức tín dụng 2010…

2. Chức năng, ý nghĩa của kiểm toán?

Chức năng của kiểm toán đối với các đơn vị là vô cùng quan trọng. Từ các công việc hay bản chất của kiểm toán suy ra chức năng/ý nghĩa/vai trò của kiểm toán đối với tổ chức gồm:

- Xác minh tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của báo cáo tài chính/các thông tin liên quan đến tài chính;

- Đánh giá/kết luận về sự tuân thủ, phù hợp với các chuẩn mực/quy định pháp luật của các nội dung kiểm toán của đơn vị;

- Tư vấn cho doanh nghiệp về quản lý, vận hành, đánh giá rủi ro kinh doanh cùng các vấn đề khác phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, giúp các nhà quản lý có các quyết định đúng đắn để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn;

- Là dữ liệu để cơ quan quản lý, các đơn vị khác sử dụng/hoặc làm căn cứ trong quá trình quản lý hành chính/hoặc khi hợp tác, đầu tư.

3. Kiểm toán viên là ai?

Kiểm toán viên là người thực hiện các công việc kiểm toán. Dựa trên phân loại kiểm toán thì kiểm toán viên có thể được phân loại thành:

- Kiểm toán viên Nhà nước là công chức và những người này được bổ nhiệm vào các ngạch kiểm toán viên nhà nước bởi Tổng Kiểm toán Nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

- Kiểm toán viên kiểm toán độc lập là những người:

+ Là kiểm toán viên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của pháp luật;

+ Hoặc là những người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam. Đồng thời, những người này phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định;

- Ngoài ra, cũng có thể coi kiểm toán nội bộ là một kiểm toán viên bởi đây cũng là những người có trình độ chuyên môn về kiểm toán, là người phụ trách công việc kiểm tra thông tin/giám sát hệ thống vận hành của doanh nghiệp nhằm đảm bảo quá trình vận hành của hệ thống thông tin cũng như doanh nghiệp được đúng đắn, chính xác, hợp pháp.

kiem toan la gi


4. Điều kiện là kiểm toán viên kiểm toán độc lập thế nào?

Bên cạnh việc hiểu kiểm toán là gì thì những người quan tâm đến ngành kiểm toán chắc chắn sẽ không bỏ qua điều kiện để trở thành một kiểm toán viên độc lập (không là kiểm toán viên Nhà nước). Trước khi là một kiểm toán viên độc lập thì người này phải là một kiểm toán viên. Kiểm toán viên độc lập không là chức danh nghề nghiệp mà nó là một nhánh làm việc của kiểm toán viên.

Theo đó, kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, các doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán đã ký kết.

Điều đó đồng nghĩa với việc kiểm toán viên hành nghề/kiểm toán viên làm việc trong các doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011 là những kiểm toán viên đang thực hiện kiểm toán độc lập.

Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định điều kiện để trở thành kiểm toán viên gồm:

Một là, về năng lực hành vi: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật dân sự;

Hai là, về phẩm chất đạo đức: Phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm và liêm khiết, trung thực, khách quan;

Ba là, về chuyên môn: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong những chuyên ngành là tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;

Bốn là, về chứng chỉ, bằng cấp: Phải có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính (việc thi lấy chứng chỉ kiểm toán được thực hiện theo Thông tư 91/2017/TT-BTC);

Năm là, trường hợp riêng: Những người có chứng chỉ kiểm toán của nước ngoài nếu thỏa mãn điều kiện về năng lực hành vi dân sự (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ), điều kiện về phẩm chất đạo đức (có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan); đồng thời, được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam thì được công nhận là kiểm toán viên;

Sáu là, kiểm toán viên có giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán

Để có giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán thì người đề nghị phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu được quy định tại Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập 2011. Cụ thể gồm:

1. Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:

a) Là kiểm toán viên;

b) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên;

c) Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

2. Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Đào tạo kiểm toán viên ở đâu?

Trước hết, để trở thành kiểm toán viên thì công dân Việt Nam cần tốt nghiệp từ đại học trở lên với chuyên ngành học là tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc các chuyên ngành khác theo quy định tại Điều 4 Thông tư 91/2017/TT-BTC. Một số trường đại học có đào tạo chuyên ngành kiểm toán hoặc kế toán hoặc tài chính, ngân hàng...có thể liệt kê như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng,...

Để trở thành kiểm toán viên thì người tốt nghiệp trình độ từ đại học trở lên phải có thời gian công tác/làm việc trong lĩnh vực là tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng.

Người này phải tham gia và thi đỗ/thi qua kỳ thi sát hạch kiểm toán viên do Bộ Tài chính tổ chức thì sẽ trở thành kiểm toán viên.

Như vậy, để trở thành kiểm toán viên kiểm toán độc lập thì những người này phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật như chúng tôi đã nêu trên.


5. Phạm vi kiểm toán của kiểm toán Nhà nước là gì?

Từ định nghĩa kiểm toán là gì, phân loại của kiểm toán, có thể thấy kiểm toán Nhà nước (một trong những hình thức của kiểm toán) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành tài sản công. Phạm vi kiểm toán Nhà nước/hay chính là những nội dung mà kiểm toán Nhà nước thực hiện là căn cứ xác đáng nhất để chứng minh vai trò của kiểm toán Nhà nước. Cụ thể:

Trước hết, 2 đối tượng thực hiện kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 bao gồm:

+ Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị;

+ Kiểm toán các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Lưu ý: Các đơn vị có thể là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...có quản lý, sử dụng tài chính công hoặc tài sản công.

Hai là, phạm vi kiểm toán của kiểm toán Nhà nước tại các đơn thuộc 2 đối tượng như đã nêu trên tại Điều 32 Luật Kiểm toán Nhà nước 2015

Theo đó, phạm vi/nội dung kiểm toán của kiểm toán Nhà nước gồm có:

+ Kiểm toán tài chính: Đây là việc kiểm toán các thông tin tài chính (ví dụ thông tin về biến động vốn/tài sản cố định…) và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán nhằm đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của đối tượng được kiểm toán đó;

+ Kiểm toán tuân thủ: Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật/nội quy/quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện;

+ Kiểm toán hoạt động: Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Lưu ý: Kiểm toán Nhà nước có thể có thể thực hiện kiểm toán một nội dung, một số nội dung hoặc toàn bộ nội dung căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán.

kiem toan la gi

6. Một số đơn vị kiểm toán uy tín hiện nay là đơn vị nào?

Một số đơn vị kiểm toán độc lập được nhiều doanh nghiệp, đơn vị đánh giá cao về uy tín, năng lực có thể kể đến như:

- Công ty Ernst & Young Việt Nam:

+ Địa chỉ tại Hà Nội là tầng 8, Tòa nhà Corner Stone 16 Đường Phan Chu Trịnh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoặc tại thành phố Hồ Chí Minh là tháp tài chính Bitexco, tầng 28, số 2 Hải Triệu, Quận 1;

+ Website: https://www.ey.com

- Công ty Deloitte Việt Nam:

+ Địa chỉ liên hệ: Tầng 15, tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội;

+ Website: https://www2.deloitte.com/vn/en.html

- Công ty Pricewaterhousesecoopers Việt Nam (PwC)

+ Địa chỉ liên hệ: Tầng 16, Keangnam Hanoi Landmark 72, Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội; Hoặt Tầng 4, Saigon Tower, 29 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Website: http://www.pwc.com/vn

- Công ty KPMG Việt Nam (là công ty con của công ty KPMG)

+ Địa chỉ liên hệ: Lầu 10, Tòa nhà SunWah 115 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Hoặc Tầng 46, Tòa tháp Keangnam, Đường Phạm Hùng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Hoặc Lô D3, Lầu 5, Tòa nhà Indochina Riverside, số 74 Bạch Đằng, Phường Hải Châu 1, Quận Hải Châu, Đà Nẵng;

+ Website: https://home.kpmg.com/vn/vi/home.html

- Công ty Kiểm toán và tư vấn A&C

+ Địa chỉ liên hệ: Số 2, Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Website: http://www.a-c.com.vn/

- Công ty Grant Thornton

+ Địa chỉ liên hệ: Tầng 18, Tháp Quốc tế Hòa Bình, 106 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, Hà Nội;

+ Website: https://www.grantthornton.com.vn/vi/

Trên đây là giải đáp về kiểm toán là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Phải xin phép khi kinh doanh dịch vụ kế toán?

Có thể bạn quan tâm

X