hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 08/09/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ký hiệu đất CMĐ là gì? Chuyển thành thổ cư được không?

Ký hiệu đất CMĐ là gì? Có được xây dựng nhà ở trên đất có ký hiệu CMĐ không? Đất CMĐ có mục đích sử dụng là gì? … Xoay quanh câu hỏi về loại đất CMĐ được như trên sẽ được chúng tôi giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, thông qua người quen, tôi có dự định mua thửa đất nông nghiệp của anh A gần nhà. Khi được xem sổ đỏ thửa đất mà tôi định mua của anh A, tôi thấy trên phần sơ đồ thửa đất có ký hiệu CMĐ, tôi hỏi anh A đây là loại đất gì thì anh A nói không rõ thông tin về loại đất, nhưng trong phần ghi thông tin loại đất ở trang 2 thì tôi thấy sổ ghi có đất vườn.

Tôi mong Luật sư giải đáp cho tôi được biết CMĐ là ký hiệu của loại đất gì? Tôi có thể được xây dựng nhà ở trên đất CMĐ hay không? Nếu được xây dựng thì tôi phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ gì?

Chào bạn, liên quan đến câu hỏi về ký hiệu đất CMĐ là gì, có được phép xây dựng nhà ở trên đất CMĐ hay không mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Ký hiệu đất CMĐ là gì?

Ký hiệu CMĐ không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai qua các thời kỳ. Nói cách khác, pháp luật về đất đai không có quy định về ký hiệu loại đất CMĐ này.

Thực tế cho thấy, nhiều sổ đỏ được cấp từ cách đây rất lâu có thể có một vài sai sót trong việc thể hiện nội dung thông tin trên sổ. Do vậy, để hiểu rõ ký hiệu này là của loại đất gì, bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất, hoặc cơ quan chuyên môn có quyền hạn tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp sổ đỏ cho bên bán của bạn là Phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện nơi có đất.

Theo thông tin bạn cung cấp, trên trang 2 của sổ đỏ được cấp cho bên bán của bạn có ghi nhận về mục đích sử dụng của thửa đất bạn dự định mua là đất vườn. Về bản chất, đất vườn chính là đất nông nghiệp.

Trong trường hợp loại đất mà bạn dự định mua bán là đất vườn thì bạn có thể sử dụng với mục đích trồng cây nông nghiệp như trồng cây hàng năm (cây ngô, cây khoai, cây sắn, các loại rau màu,...), trồng cây lâu năm (ví dụ cây ăn quả lâu năm như cam, bưởi…) thậm chí đất vườn còn có thể nuôi trồng thủy sản, tùy theo hiện trạng sử dụng.

Như vậy, CMĐ không là ký hiệu của bất kỳ loại đất nào theo quy định pháp luật đất đai hiện hành. Bạn có thể căn cứ vào thông tin về mục đích sử dụng được ghi trên trang 2 của sổ đỏ đã được cấp để xác định loại đất được Nhà nước cấp cho bên bán.

Bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương để hỏi rõ thông tin ký hiệu được ghi tại phần sơ đồ thửa đất của sổ đỏ để có đáp án chính xác.

ky hieu dat cmd la gi

Có được xây dựng nhà ở trên đất CMĐ không?

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tạm nhận định thửa đất mà bạn dự định mua là loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Do vậy, mục đích sử dụng của loại đất này là phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi.

Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất ở tại nông thôn hoặc đất ở tại đô thị mới là loại đất được phép xây dựng nhà ở. Vì thế cho nên, nếu bạn vẫn muốn tiếp tục xây dựng nhà ở trên diện tích đất này thì bạn phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất vườn ao hoặc có nguồn gốc là đất vườn ao mà gắn liền với nhà ở thành đất ở sẽ chỉ phải đóng 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức (hạn mức giao đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất).

Thường thì các bước để thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở được tiến hành theo quy định tại Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Bạn phải chuẩn bị hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất

Hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau:

- 01 đơn đề nghị xin chuyển mục đích sử dụng đất mẫu 01 ban hành tại Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;

- Sổ đỏ/giấy chứng nhận (bản gốc): Giấy chứng nhận hoặc sổ đỏ phải mang tên của bạn;

- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp còn thời hạn theo quy định pháp luật;

- Giấy ủy quyền (nếu bạn không tự mình thực hiện);

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nơi nhận hồ sơ là bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Sau khi tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận gửi phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp.

Bước 3: Cơ quan chuyên môn thực hiện các công việc

Cơ quan chuyên môn thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công việc:

- Thẩm tra hồ sơ: Kiểm tra và thẩm định hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất;

- Thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp người sử dụng đất chỉ chuyển một phần diện tích đất trong thửa đất của mình thì cần thực hiện thêm thủ tục tách thửa theo quy định;

- Lập phiếu chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế và hướng dẫn người nộp hồ sơ đóng nộp các nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận,...;

- Trình cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

- Cập nhật, chỉnh lý thông tin trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

Bước 4: Nhận kết quả

- Người xin chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đóng nộp các khoản nghĩa vụ tài chính theo thông báo và theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;

- Nhận kết quả theo phiếu hẹn trả;

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, người sử dụng đất nộp 1 bản sao biên lai, giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ để nhận kết quả. Lúc này, bạn có thể tiến hành xây dựng nhà ở trên diện tích đất nông nghiệp đã mua.

Như vậy, cách duy nhất để bạn có thể xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp là phải chuyển mục đích sử dụng đất. Để được chuyển mục đích sử dụng đất thì bạn phải thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp về Ký hiệu đất CMĐ là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Ký hiệu các loại đất theo Luật Đất đai năm 1993 là gì?

>> Ký hiệu các loại đất theo Luật Đất đai 2013 thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X