Kỷ luật lao động là gì? Xử lý kỷ luật phải dựa trên những nguyên tắc nào? Các hành vi nào bị cấm trong xử lý kỷ luật lao động? Xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Kỷ luật lao động là gì?
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 có thể hiểu khái niệm kỷ luật lao động như sau:
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Kỷ luật lao động là gì? (Ảnh minh họa)
Nguyên tắc xử lý kỷ luật
Theo quy định tại Điều 122 BLLĐ 2019, xử lý kỷ luật phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản sau:
- Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
- Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất...
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
Căn cứ Điều 124, có 04 hình thức kỷ luật lao động sau:
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Như vậy hình thức xử lý kỷ luật cao nhất áp dụng có thể là sa thải.
Các hành vi bị cấm trong xử lý kỷ luật lao động
Điều 127 BLLĐ năm 2019 đã nêu cụ thể các hành vi bị cấm trong xử lý kỷ luật lao động như sau:
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy theo quy định tại Bộ luật mới này, việc áp dụng các quy định liên quan đến hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động sẽ dễ dàng hơn, nhằm tránh được việc xử lý kỷ luật người lao động không đúng từ doanh nghiệp.
Lưu ý khi xử lý kỷ luật người lao động dưới 15 tuổi
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 122 BLLĐ năm 2019, khi xử lý kỷ luật người lao động, ngoài luật sư, người lao động có thể nhờ tổ chức đại diện người lao động bào chữa cho mình.
Đối với trường hợp kỷ luật người dưới 15 tuổi phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật.