hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 24/02/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ký quỹ là gì? Các bên có quyền, nghĩa vụ gì khi ký quỹ?

Cũng như thế chấp, bảo lãnh, cầm cố, ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm được quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành. Vậy ký quỹ là gì? Các bên cần biết gì về quyền và nghĩa vụ của mình?

Mục lục bài viết
  • Ký quỹ trong Bộ luật Dân sự được quy định thế nào?
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên khi ký quỹ tiền thế nào?
  • Một số lưu ý về ký quỹ trong hoạt động đầu tư
  • 1. Trường hợp nào phải thực hiện ký quỹ?
  • 2. Thời điểm ký quỹ là khi nào?

Ký quỹ trong Bộ luật Dân sự được quy định thế nào?

Theo khoản 5 Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện đang có hiệu lực, ký quỹ là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bên cạnh cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.

Định nghĩa ký quỹ là gì được Điều 330 Bộ luật Dân sự này quy định như sau:

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Có thể thấy, theo định nghĩa này, ký quỹ được hiểu như sau:

- Đây là một biện pháp gửi tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

- Tài sản trong ký quỹ bao gồm: Một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá.

- Hình thức ký quỹ: Gửi tài sản vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng.

- Mục đích: Ký quỹ được thực hiện để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

- Đối tượng thực hiện: Người có nghĩa vụ.

Đặc biệt, theo khoản 2 Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Có thể thấy, việc ký quỹ là một biện pháp bảo đảm cho bên có quyền. Trong đó, bên có nghĩa vụ nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì số tiền, giấy tờ có giá, đá quý… mà bên có nghĩa vụ đã ký quỹ tại tổ chức tín dụng sẽ được tổ chức tín dụng này thanh toán, bồi thường thiệt hại cho bên có quyền.

Lưu ý: Việc thanh toán, bồi thường thiệt hại được thực hiện sau khi trừ đi chi phí dịch vụ (nếu có).

Ví dụ: Anh A và anh B cùng nhau hợp tác thực hiện một dự án trong thời gian 12 tháng. Tuy nhiên, để đảm bảo, hai anh có thỏa thuận là anh A và anh B sẽ cùng ký quỹ tại ngân hàng C mỗi anh một số tiền là 300 triệu đồng.

Nếu trong thời gian 12 tháng này, một trong hai bên mà không thực hiện dự án nữa thì người còn lại sẽ được ngân hàng C thanh toán cho số triệu bên kia đã ký quỹ sau khi đã trừ đi chi phí dịch vụ.

Ngoài ra, theo Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định cụ thể về việc gửi, thanh toán tiền là tài sản được dùng để ký quỹ (hay còn gọi là tiền ký quỹ). Cụ thể:

- Tiền ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng theo thỏa thuận của các bên hoặc do bên có quyền chỉ định để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ giữa các bên.

- Các bên có thể thỏa thuận việc ký quỹ một hay nhiều lần cũng như số tiền ký quỹ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Nếu nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm thì số tiền ký quỹ của các bên sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại theo quy định sau khi đã trừ đi các phí dịch vụ nếu có.

ky quy la gi

Ký quỹ là gì? (Ảnh minh họa)


Quyền, nghĩa vụ của các bên khi ký quỹ tiền thế nào?

Như phân tích ở trên, ký quỹ là một trong các biện pháp bảo đảm giữa bên có nghĩa vụ, bên có quyền và tiền ký quỹ là một trong những loại tài sản trong ký quỹ. Theo đó, Điều 40 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về quyền, nghĩa vụ của ba bên như sau:

Tổ chức tín dụng

- Được hưởng phí dịch vụ.

- Yêu cầu bên có quyền thực hiện đúng thỏa thuận về ký quỹ.

- Thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền.

- Hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thanh toán nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền và khi chấm dứt ký quỹ.

- Quyền, nghĩa vụ khác.

Bên có quyền

- Được yêu cầu và được thanh toán đầy đủ, đúng hạn trong phạm vi tiền gửi từ tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

- Thực hiện đúng thủ tục theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nơi ký quỹ để được thanh toán tiền ký quỹ.

- Quyền, nghĩa vụ khác.

Bên có nghĩa vụ (bên ký quỹ)

- Được thỏa thuận về điều kiện thanh toán theo cam kết và thỏa thuận của bên có quyền với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

- Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ hoàn trả tiền ký quỹ. Ngoài ra, bên ký quỹ còn có thể được trả lãi nếu có thỏa thuận với tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

- Rút bớt, bổ sung tiền ký quỹ hoặc đưa tiền ký quỹ tham gia các giao dịch dân sự khác nếu được bên có quyền đồng ý.

- Nộp đủ tiền ký quỹ cho tổ chức tín dụng.

- Quyền, nghĩa vụ khác.

 

Một số lưu ý về ký quỹ trong hoạt động đầu tư

1. Trường hợp nào phải thực hiện ký quỹ?

 khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư và khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021:

Để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:

Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;

Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Lưu ý: Căn cứ khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư: Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định

2. Thời điểm ký quỹ là khi nào?

Theo khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/ ND-CP, thời điểm ký quỹ được xác định như sau:

- Đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Sau khi được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và được Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm: Trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. 

Lưu ý: Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, do nhà đầu tư lựa chọn.

Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản bảo đảm thực hiện dự án và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản.

3. Mức ký quỹ là bao nhiêu?

Căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án đầu tư, mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 01% đến 03% vốn đầu tư của dự án đầu tư, cụ thể:

- Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;

- Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;

- Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

Trường hợp dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn đầu tư thì số tiền ký quỹ được nộp và hoàn trả theo từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.

Trên đây là giải thích về ký quỹ là gì? Nếu còn thắc mắc nào khác, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X