hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 14/08/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lao động là gì? Vai trò của lao động là gì?

Lao động là gì? Lực lượng lao động là gì? Lực lượng lao động đóng góp vai trò gì đối với sự phát triển kinh tế của đất nước?... Đây là những câu hỏi mang tính gợi mở để mỗi quốc gia, đất nước có riêng cho mình các chính sách pháp luật, các phương án nhằm phân bổ, nâng cao chất lượng lao động, từ đó, từng bước phát triển kinh tế.

Mục lục bài viết
  • Lao động là gì? Lực lượng lao động là gì?
  • Vai trò của lao động đối với xã hội là gì?
  • Một số thuật ngữ pháp lý liên quan đến lao động hiện nay là gì?

Lao động là gì? Lực lượng lao động là gì?

Hiện nay, pháp luật không định nghĩa lao động là gì. Thông thường, lao động được hiểu là tập hợp các hành động có chủ ý, mục đích của con người, sử dụng công cụ, phương tiện lao động để tạo ra của cải, vật chất, các tài sản khác nhằm phục vụ cho đời sống, phát triển kinh tế, xã hội.

Lao động có thể được thể hiện bằng hình thức lao động bằng tay chân hoặc lao động bằng trí óc. Những người làm các công việc lao động tay chân là những người sử dụng sức mạnh cơ bắp kết hợp cùng với công cụ, phương tiện lao động để hoàn thành công việc. Ngược lại, người làm công việc trí óc là những người sử dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn đã được đào tạo cùng công cụ, phương tiện, máy móc để tạo ra của cải, sản phẩm, vật chất.

Lực lượng lao động là tập hợp những người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động là nhân tố quyết định năng suất, hiệu quả hoàn thành công việc, tạo ra sản phẩm, của cải, vật chất cho xã hội.

Lao động có một số đặc điểm như sau:

- Là hoạt động của con người;

- Kết quả của quá trình lao động là của cải vật chất, sản phẩm;

- Lao động thường kết hợp với các phương tiện, công cụ, máy móc để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động;

- Lao động là hoạt động có chủ ý, mục đích nhất định;

Tóm gọn lại, lao động được hiểu là tập hợp các hoạt động có mục đích cụ thể của con người và có kết hợp với phương tiện, công cụ, máy móc nhằm tạo ra của cải, vật chất nhằm phục vụ cho nhu cầu, cuộc sống của con người, xã hội.

lao dong la gi

Vai trò của lao động đối với xã hội là gì?

Lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội. Một số vai trò chính của lao động có thể liệt kê đến như sau:

- Có lao động mới có thể tạo ra của cải, vật chất, làm giàu cho xã hội: Nếu không có lao động thì không thể có của cải, vật chất;

- Lao động tạo ra thu nhập cho con người, nuôi sống con người: Có lao động thì con người mới tạo ra nguồn thu nhập. Sự trao đổi về tiền bạc và sản phẩm, sức lao động của con người là sự trao đổi tạo ra nguồn thu nhập nuôi sống và giúp con người làm giàu. Có thu nhập sẽ giúp con người ổn định cuộc sống, nhiều hơn nữa là giúp con người trở nên giàu có do có nhiều của cải;

- Lao động giúp xã hội phát triển hơn: Lao động tạo ra sản phẩm, của cải, làm giàu cho xã hội. Có lao động thì xã hội mới có nhiều của cải, vật chất và nâng cao chất lượng, số lượng của cải trong xã hội;

- Lao động giúp phân công xã hội, tổ chức xã hội được rõ ràng, chuyên môn hóa: Lao động là tiền đề để xã hội phân công, tổ chức, chuyên môn hóa từng ngành nghề nhằm đạt năng lượng, hiệu quả, năng suất cao hơn;

- Lao động mang ý nghĩa lịch sử xã hội: Qua mỗi thời kỳ, giai đoạn, lao động mang đặc điểm, dấu vết riêng biệt, thể hiện rõ trình độ của xã hội tại thời kỳ đó.

Trên đây là một số vai trò của lao động đối với xã hội, con người.

Một số thuật ngữ pháp lý liên quan đến lao động hiện nay là gì?

Bộ luật Lao động 2019 sử dụng một số thuật ngữ liên quan đến lao động mà nhiều người quan tâm như sau:

Thuật ngữ

Đặc điểm/định nghĩa

Căn cứ pháp lý

Người lao động

Là những người dùng sức lao động của mình để làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, hợp đồng làm việc, được trả lương và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động

Không phải người nào cũng có thể là người lao động mà chỉ những người đủ độ tuổi và đảm bảo đầy đủ các điều kiện khác theo quy định pháp luật, yêu cầu của người sử dụng lao động mới được tham gia lao động

khoản 1 Điều 2 Bộ luật Lao động 2019

Người sử dụng lao động

Là chủ thể có nhu cầu và thực hiện thuê mướn người khác thực hiện công việc cho mình thông qua hợp đồng lao động (chủ thể có thể là cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức)

khoản 2 Điều 2 Bộ luật Lao động 2019

Hợp đồng lao động

Là tập hợp những thỏa thuận của người lao động, người sử dụng lao động bằng các điều khoản cụ thể theo nhu cầu của các bên và quy định pháp luật

Chương II Bộ luật Lao động 2019

Nội quy lao động

Là những nội dung, điều khoản nhằm thiết lập quy định, quy tắc làm việc tại cơ quan, tổ chức. Nội quy lao động gồm các nội dung được quy định tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 gồm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động, trật tự tại nơi làm việc…

Chương VIII Bộ luật Lao động 2019

Kỷ luật lao động

Là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Chương VIII Bộ luật Lao động 2019

Trên đây là một số thuật ngữ pháp lý liên quan đến lao động mà được sử dụng nhiều trong quan hệ lao động hiện nay.

Trên đây là giải đáp về lao động là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X