Loạn luân không chỉ là hành vi bị cấm trong xã hội hiện đại mà manh nha từ thời phong kiến. Loạn luân là gì? Loạn luân có phải tội không?
Loạn luân là gì?
Định nghĩa loạn luân là gì?
Theo Wikipedia, loạn luân là biệt ngữ mô tả mọi hoạt động tình dục giữa những người trong cùng gia đình hoặc những người có liên hệ huyết thống gần gũi. Loạn luân thường bao gồm các hoạt động tình dục giữa những người có quan hệ họ hàng gần (chung dòng máu), và thỉnh thoảng giữa những người có quan hệ luật pháp, con riêng, con nuôi hoặc có liên quan đến hôn nhân (ví dụ con với mẹ kế)...
Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, loạn luân là việc giao cấu giữa các đối tượng sau đây:
- Cha, mẹ với con;
- Ông, bà với cháu nội, cháu ngoại;
- Giữa anh chị em cùng cha mẹ;
- Giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Về khái niệm giao cấu, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn xét xử các tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hướng dẫn, giao cấu với trẻ em là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Trước đây, năm 1967, Tòa án nhân dân tối cao tại văn bản tổng kết về tình trạng tội phạm hiếp dâm có định nghĩa như sau: “giao cấu” là hành động chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không.
Hậu quả loạn luân là gì?
Không chỉ tại xã hội hiện đại, hành vi loạn luân mới bị chỉ trích, lên án và kết tội dữ dội.
Loạn luân đã được manh nha dưới thời phong kiến. Cụ thể, Tại Điều 319 Bộ luật Hồng Đức quy định: “người vô cớ lấy cô, dì, chị, em gái, kế nữ (con gái riêng của vợ), người thân thích đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội.”.
Tại Điều 334 Hoàng Việt luật lệ quy định về tội thân thuộc tương gian. Đây là hành vi gian dâm của những người thân thuộc phải để tang nhưng danh phận tôn ti hay tình nghĩa còn sâu nặng như con gái của đời chồng trước, chị em cùng mẹ khác cha,…
Không chỉ là một quan hệ pháp luật, một quy phạm đạo đức bị xâm hại mà việc giao cấu giữa những người có dòng máu trực hệ mang đến rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đầu tiên, về mặt y học, những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ cận huyết thống có nguy cơ bị dị tật, suy giảm sức khỏe. Theo y học, nếu cha mẹ cận huyết, con cái sẽ bị các rối loạn di truyền do quan hệ cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau.
Các bệnh thường mắc phải như: tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, bệnh hồng cầu liềm, các bệnh dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, lùn, ốm yếu mù màu, bạch tạng…
Ngoài ra, con cái của những cặp bố mẹ cận huyết có thể mắc phải các khuyết tật về phát triển và thể chất.
Một ví dụ thực tế về vấn đề này không ở đâu xa mà ở ngay một số vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Về mặt xã hội, quan hệ cùng huyết thống làm ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hiểu thế nào về tội loạn luân?
Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội loạn luân như sau:
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Bên cạnh đó, khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: "Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba."
Tuy nhiên, để kết luận đó là tội loạn luân cần phải xác định rõ và cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép;
- Hành vi giao cấu được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Nếu hành vi giao cấu không phải tự nguyện thì không phải là loạn luân mà có thể là tội hiếp dâm hoặc tội hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm hay cưỡng dâm trẻ em...
Còn nếu hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì tội phạm cấu thành là tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 Bộ luật Hình sự 2015 )...
Trước đây, pháp luật hình sự Việt Nam trong tất cả các Bộ luật/Luật của mình đều ghi nhận các quy định về tội loạn luân.
Tại Bộ luật Hình sự năm 1999 và Luật Hình sự 1985 đều quy định:
Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Như vậy, từ trước đến nay, hành vi loạn luân đều là hành vi phạm tội.
Các yếu tố cấu thành tội loạn luân
- Chủ thể: Chủ thể của tội loạn luân trước tiên phải là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời là người có cùng dòng máu trực hệ (là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; cha mẹ với con, ông bà nội ngoại với cháu) với người thuận tình giao cấu.
Tuy nhiên, đó phải là hai người khác giới cùng dòng máu trực hệ. Nếu là cùng giới tính thì không phạm tội này (lúc này, hành vi giao cấu - xâm nhập bộ phận sinh dục nam với nữ không được thực hiện).
- Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan là hành vi giao cấu thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Tội phạm hoàn thành kể từ khi hai người nam và nữ thực hiện hành vi giao cấu. Hậu quả của hành vi loạn luân như mang thai... không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Hành vi giao cấu giữa con nuôi đối với cha mẹ nuôi; cháu nuôi đối với ông bà nội ngoại; cha chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng thì không cấu thành tội này.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Đối với tội loạn luân, người thực hiện tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp.Người phạm tội biết rõ giữa mình và người giao cấu có quan hệ huyết thống và không được phép nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi.
Nếu vô ý mà thực hiện hành vi giao cấu thì không cấu thành tội loạn luân (chẳng hạn hai người không biết mình là anh em cùng cha khác mẹ nên thực hiện hành vi giao cấu).
- Khách thể của tội phạm: Tội loạn luân xâm phạm trật tự hôn nhân và gia đình được pháp luật hình sự bảo vệ, sự phát triển bình thường của giống nòi. Loạn luân là hành vi xâm phạm đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, xâm phạm đến quan hệ gia đình, truyền thống, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình (hành vi này đã bị Luật Hôn nhân và Gia đình nghiêm cấm).
Bởi khoa học đã chứng minh rất rõ ràng rằng, giao cấu cận huyết có khả năng dẫn đến nguy cơ sinh ra những đứa trẻ không khỏe mạnh, làm suy thoái giống nói, sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, hành vi loạn luân sẽ làm đảo lộn trật tự trong gia đình, tạo nên những mối quan hệ gia đình chồng chéo, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của gia đình - dòng tộc nói riêng và truyền thống văn hóa của xã hội văn minh nói chung.
Loạn luân là tình tiết tăng nặng trong những tội nào?
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định các tội có tình tiết tăng nặng có tính chất loạn luân đều ở các tội xâm phạm tình dục.
Cụ thể, tội hiếp dâm tại Điều 141, nếu phạm tội có tính chất loạn luân có thể bị phạt tù từ 07 - 15 năm (nếu không có tình tiết tăng nặng chỉ bị phạt từ 02 - 07 năm).
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142, phạm tội có tính chất loạn luân có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm (nếu không có tình tiết tăng nặng chỉ bị phạt từ 07 - 15 năm).
Tội cưỡng dâm tại Điều 143, có tính chất loạn luân là tình tiết đẩy tội phạm sang khung hình phạt 03 - 10 năm thay vì 01 - 05 năm.
Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại Điều 144, phạm tội có tính chất loạn luân có thể bị phạt tù từ 07 - 15 năm (nếu không có tình tiết tăng nặng chỉ bị phạt từ 07 - 15 năm).
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tại Điều 145, phạm tội có tính chất loạn luân có thể bị phạt tù từ 03 - 10 năm (nếu không có tình tiết tăng nặng chỉ bị phạt từ 01 - 05 năm).
Anh em họ giao cấu với nhau, có bị xử lý tội loạn luân?
Như quy định trên, anh em họ giao cấu với nhau không thuộc trường hợp phạm tội loạn luân theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời... (trong đó, cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
Như vậy, trường hợp anh em họ trong phạm vi ba đời giao cấu, sống chung như vợ chồng với nhau cũng bị nghiêm cấm (ngoài phạm vi ba đời như trên thì không bị cấm).
Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, nếu những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với nhau có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Pháp luật các nước quy định về tội loạn luân thế nào?
Ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Bộ luật Hình sự cũng quy định với người có quan hệ tình dục với cha mẹ, cha mẹ nuôi, ông bà, con, con nuôi, cháu, với anh chị em cùng dòng máu thì bị phạt tù từ 06 tháng - 05 năm.
Tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì chỉ xử phạt với hành vi loạn luân với trẻ em. Cụ thể, Bộ luật Hình sự nước này quy định rõ: “Người nào dùng bạo lực, uy hiếp hoặc các thủ đoạn khác cưỡng dâm phụ nữ hoặc làm nhục phụ nữ, thì phạt tù đến 05 năm hoặc cải tạo lao động.
Nếu phạm tội nói trên trước đám đông hoặc trước công chúng nơi công cộng, thì bị phạt tù có thời hạn từ 05 năm trở lên.
Nếu phạm tội loạn luân với trẻ em, thì xử phạt nặng dựa theo các quy định trên”.
Tại Thụy Điển, Bộ luật Hình sự cũng quy định phạt tù đến 05 năm về tội bóc lột vị thành niên về tình dục nếu giao cấu với người dưới 18 tuổi, người là con cái mình hoặc dưới sự trong nom của mình, hoặc người mà mình chịu trách nhiệm chăm sóc hoặc giám sát theo quyết định của nhà chức trách.
Ngoài ra, người nào ngoài các trường hợp quy định nêu trên, nếu có quan hệ tình dục với con hoặc cháu mình thì bị kết án về tội giao cấu với con, cháu mình và bị phạt tù đến 02 năm.
Người nào có quan hệ tình dục với anh, chị em ruột của mình thì bị kết án tù về tội giao cấu với anh, chị em ruột và bị phạt tù đến 01 năm.
Như vậy, pháp luật trên thế giới đều coi những người có hành vi loạn luân là tội phạm. Bởi hành vi này nguy hiểm cho xã hội thông qua việc có khả năng làm suy thoái giống nòi, tạo ra những con người bệnh tật, khiếm khuyết làm gánh nặng cho xã hội.
Trên đây là giải đáp loạn luân là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.