Cuộc sống hằng ngày từ mâu thuẫn vẫn thường được nhắc đến, đó có thể là mâu thuẫn quan điểm giữa người này người kia, mâu thuẫn về tư tưởng, sự quyết định… Vậy mâu thuẫn là gì?
1. Mâu thuẫn là gì
1.1. Mâu thuẫn là gì?
Mâu thuẫn trong tiếng Anh là Contradiction.
Mâu thuẫn được hiểu là sự thống nhất và sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.
Do đó, mỗi một mâu thuẫn cũng phải bao gồm hai mặt đối lập, hai mặt này vừa có sự thống nhất với nhau đồng thời giữa hai mặt đó cũng có sự đấu tranh qua lại với nhau.
1.2. Mâu thuẫn trong triết học là gì?
Tương tự về khái niệm mâu thuẫn là gì? nêu trên, mâu thuẫn trong triết học cũng dùng để chỉ:
Sự thống nhất và đấu tranh, chuyển hóa giữa các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng hoặc giữa những sự vật, hiện tượng với nhau.
Mặt đối lập trong phép biện chứng duy vật là sự khái quát những mặt, những thuộc tính,… phát triển ngược chiều nhau nhưng lại cùng tồn tại trong một sự vật, hiện tượng cụ thể tạo nên sự vật, hiện tượng đó. Đối lập là tổng thể những thuộc tính, khuynh hướng vận động trái ngược nhưng là tiền đề, là điều kiện tồn tại của nhau.
Mâu thuẫn triết học theo quan niệm siêu hình được hiểu như sau:
- Là cái đối lập phản logic;
- Không có sự thống nhất;
- Không có sự chuyển hóa biện chứng giữa các mặt đối lập.
Tóm lại, mâu thuân là 2 mặt đối lập thống nhất với nhau.
1.3. Cho ví dụ về mâu thuẫn
Có thể nêu các ví dụ về mâu thuẫn trong cuộc sống như sau:
- Mâu thuẫn giữa các cá nhân với nhau khi cùng thực hiện một công việc nhưng mỗi người lại một cách thức, phương án riêng. Việc không cùng quan điểm, cách giải quyết dẫn đến tranh cãi, dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn về cách giải quyết công việc.
- Mâu thuẫn giữa cá nhân và tập thể khi có sự khác biệt về những lợi ích hay quan điểm. Trong một tập thể, đa phần mọi người đều thống nhất chung 01 quan điểm nhưng lại có một vài cá nhân đưa ra quan điểm khác.
- Khi bàn luận về một vấn đề, nếu xuất hiện quan điểm khác nhau giữa các nhóm, dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn giữa các nhóm.
Ví dụ về mâu thuẫn biện chứng:
- Mâu thuẫn giữa điện tích dương và điện tích âm,
- Mâu thuẫn giữ giữa lực hút và lực đẩy trong vật lý
- Mâu thuẫn giữa đồng hóa và dị hóa trong sinh vật
- Mâu thuẫn giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột trong đời sống kinh tế…
Bên cạnh đó còn có các loại mâu thuẫn về quan niệm lối sống giữa yếu tố tâm linh và vô thần; giữa những người chấp hành pháp luật và tội phạm.
1.4. Giải quyết mâu thuẫn là gì?
Giải quyết mâu thuẫn chính là kết quả của sự đấu tranh giữa các mặt đối lập:
- Mâu thuẫn cũ mất đi và mâu thuẫn mới được hình thành
- Sự vật, hiện tượng cũ được thay thế bằng sự vật, hiện tượng mới
- Quá trình giải quyết mâu thuẫn tạo nên sự vận động và phát triển vô tận của thế giới khách quan.
2. Phân loại mâu thuẫn thế nào?
Mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng trong tất cả các giai đoạn phát triển của các sự vật, hiện tượng đó.
Dựa trên quan hệ đối với sự vật được xem xét, có thể phân thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.
Mâu thuẫn bên trong: sự tác động qua lại giữa các mặt, khuynh hướng đối lập nhau của cùng một sự vật.
Mâu thuẫn bên ngoài là mâu thuẫn diễn ra trong mối quan hệ giữa sự vật đó với các sự vật khác.
Mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài chỉ mang tính sự tương đối và tuỳ thuộc vào phạm vi xem xét. Bời cùng một mâu thuẫn, xét trong mối quan hệ này nó là mâu thuẫn bên ngoài nhưng trong mối quan hệ khác lại là mâu thuẫn bên trong.
Dựa trên ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật, có thể chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.
Mâu thuẫn cơ bản quy định bản chất của sự vật, sự phát triển trong tất cả các giai đoạn của sự vật, đồng thời tồn tại trong cả quá trình tồn tại của sự vật.
Mâu thuẫn không cơ bản chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, không quy định bản chất của sự vật.
Theo Hồ Chí Minh thì:
Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc của mâu thuẫn là vấn đề gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu các mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết
- Dựa trên vai trò của mâu thuẫn với sự tồn tại, phát triển của sự vật trong 01 giai đoạn nhất định, chia mâu thuẫn thành thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.
Mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn nổi lên hàng đầu của một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, chi phối các mâu thuẫn khác ở giai đoạn đó.
Mâu thuẫn thứ yếu: mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật nhưng không có vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối.
- Dựa trên tính chất của các quan hệ lợi ích, có thể phân loại mâu thuẫn thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
Mâu thuẫn đối kháng: mâu thuẫn giữa những giai cấp những tập đoàn người, có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Ví dụ: Mâu thuẫn giữa vô sản với tư sản....
Mâu thuẫn không đối kháng: mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có lợi ích cơ bản thống nhất với nhau, chỉ đối lập về các lợi ích cục bộ, tạm thời.
3. Quy luật của mâu thuẫn là gì?
Quy luật mâu thuẫn là 01 trong những quy luật cơ bản trong phép biện chứng duy vật và biện chứng duy vật lịch sử, có vai trò khẳng định rằng: mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều có sự tồn tại và mâu thuẫn bên trong.
Quy luật mâu thuẫn là quy luật thống nhất và đấu tranh giữa những mặt đối lập.
Hiểu một cách rõ hơn thì mọi sự vật hoặc hiện tượng đều chứa đựng các mặt đối lập, các khuynh hướng khác nhau từ đó tạo thành những mâu thuẫn trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng đó. Sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập sẽ tạo ra xung lực của sự vận động, phát triển, kết quả là mất đi cái cũ và thay thế bởi cái mới.
Quy luật mâu thuẫn gồm các nội dung:
Về mặt đối lập
Là những mặt có những thuộc tính, đặc điểm,… có khuynh hướng biến đổi trái ngược và tồn tại khách quan ở trong tự nhiên, tư suy và xã hội.
Về mâu thuẫn biện chứng
Là một trạng thái mà mặt đối lập có liên hệ, tác động qua lại với nhau. Mâu thuẫn biện chứng được tồn tại khách quan, phổ biến ở trong tư duy, xã hội và tự nhiên.
Tư duy có sự phản ánh mâu thuẫn với hiện thực, nguồn gốc phát triển nhận thức trong mâu thuẫn biện chứng.
Sự thống nhất của các mặt đối lập chính là sự tồn tại nhưng không tách rời và là sự nương tựa lẫn nhau, nhưng không tách rời nhau của các mặt đối lập, tạo nên những nhân tố đồng nhất của các mặt đối lập.
Sự thống nhất của các mặt đối lập cũng tác động ngang nhau, được xem là trạng thái vận động khi có sự diễn ra căn bằng.
Sự đấu tranh của các mặt đối lập chính là sự tác động qua lại với nhau theo xu hướng bài trừ, phủ định lẫn nhau giữa các mặt đó.
Tùy thuộc vào mối quan hệ qua lại của điều kiện diễn ra cuộc đấu tranh, hình thức đấu tranh giữa mặt đối lập rất phong phú, đa dạng.
Có thể thấy các mâu thuẫn tồn tại phổ biến trong đời sống, dù nhìn nhận là trái ngược nhau nhưng không thể tách biệt hoàn toàn với nhau mà có những mối liên hệ với nhau.
4. Tính chất của mâu thuẫn là gì?
Vì mâu thuẫn là cái vốn có trong sự vật, hiện tượng, là bản chất chung của mọi sự vật, hiện tượng nên mâu thuẫn có tính khách quan.
Còn theo Ăng-ghen thì:
Nếu bản thân sự di động một cách máy móc đơn giản đã chứa đựng mâu thuẫn, thì tất nhiên những hình thức vận động cao hơn của vật chất và đặc biệt là sự sống hữu cơ và sự phát triển của sự sống hữu cơ đó lại càng phải chứa đựng mâu thuẫn…Sự sống trước hết chính là ở chỗ một sinh vật trong mỗi lúc vừa là nó nhưng vừa là một cái khác. Như vậy, sự sống cũng là một mâu thuẫn tồn tại trong bản thân các sự vật và quá trình, một mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh và tự giải quyết, và khi mâu thuẫn chấm dứt thì sự sống cũng không còn nữa và cái chết xảy đến. Cũng như chúng ta thấy rằng trong lĩnh vực tư duy, chúng ta không thể thoát khỏi mâu thuẫn; chẳng hạn như mâu thuẫn giữa năng lực nhận thức vô tận ở bên trong của con người với sự tồn tại thực tế của năng lực ấy trong những con người bị hạn chế bởi hoàn cảnh bên ngoài, và bị hạn chế, trong những năng lực nhận thức, mâu thuẫn này được giải quyết trong sự tiếp nối của các thế hệ, sự tiếp nối đó ít ra đối với chúng ta trên thực tiễn, cũng là vô tận, và được giải quyết trong sự vận động đi lên vô tận.
Ngoài ra mâu thuẫn còn có có tính phong phú, đa dạng.
Tính đa dạng, phong phú của mâu thuẫn biểu hiện ở việc mỗi sự vật, hiện tượng, đều có thể có loại mâu thuẫn khác nhau, sự biểu hiện cũng khác nhau trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau; các mâu thuẫn đều vị trí, vai trò khác nhau trong sự tồn tại, vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.
Các lĩnh vực khác nhau tồn tại những mâu thuẫn với tính chất khác nhau. Điều đó đã tạo nên tính đa dạng, phong phú trong biểu hiện của mâu thuẫn.
Mâu thuẫn có tính phổ biến vì nó tồn tại trong tất cả mọi sự vật và hiện tượng, trong tất cả mọi giai đoạn, mọi quá trình, tồn tại của cả tự nhiên, xã hội, tư duy.
5. Vai trò của mâu thuẫn là gì?
Mâu thuẫn đóng vai trò và có ý nghĩa to lớn. Mâu thuẫn trong xã hội nói chung, mâu thuẫn trong cuộc sống nói riêng là động lực của sự vận động xã hội, giúp thúc đẩy các quá trình hoạt động. Mâu thuẫn còn là động lực, nguồn gốc của sự vận động, biến đổi, phát triển, có tính khách quan phổ biến. Cụ thể:
- Biến đổi, phát triển chính là quá trình chuyển đổi giữa sự vật này thành sự vật khác, hoặc chuyển đổi giai đoạn này sang giai đoạn khác của một sự vật.
Mỗi sự vật đều tồn tại trong bản thân chúng nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, mâu thuẫn cơ bản và không cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu và thứ yếu,… Tuy nhiên giữa các mặt đối lập đó vừa có tính thống nhất lại vừa diễn ra quá trình đấu tranh với nhau.
- Tính chất thống nhất giữa các mặt đối lập trong mâu thuẫn làm cho sự vật ổn định tương đối ở một chất nhất định, chưa biến đổi. Tuy nhiên giữa chúng vừa có sự thống nhất vừa diễn ra sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Sự đấu tranh này là nguồn gốc của sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập.
Sự chuyển hoá này sẽ làm cho sự vật chuyển hoá thành cái khác có thể là sang giai đoạn mới hoặc sự vật mới.
Do đó, có thể hiểu phát triển chính là cuộc đấu tranh giữa (của) các mặt đối lập.
Bên cạnh mặt lợi ích mà mâu thuẫn mang lại thì mâu thuẫn cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chủ thể, vấn đề trong cuộc sống gây bất hòa tranh cãi, thậm chí xảy ra các xung đột nghiêm trọng nếu không có sự thống nhất và giải quyết được.
Trên đây là thông tin giải đáp cho mâu thuẫn là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.