Ô nhiễm môi trường mang đến những hậu quả nặng nề, tác động xấu đến sức khỏe con người, gây ra các bệnh hiểm nghèo, làm gia tăng thiên tai (lũ lụt, hạn hán,...). Bên cạnh đó, còn làm suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng cân bằng hệ sinh thái, biến đổi khí hậu. Vậy, ô nhiễm môi trường là gì?
1. Ô nhiễm môi trường là gì?
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020:
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
2. Nguyên nhân của ô nhiễm môi trường là gì?
Do con người là chủ yếu, đây cũng là nguyên nhân chủ quan. Sự phát triển của công nghiệp nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung đã dẫn đến các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay thường chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh, không quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường. Bởi việc xử lý nước thải hoặc công tác bảo vệ môi trường sẽ làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên như: động đất, sóng thần, núi lửa…
3. Biểu hiện của ô nhiễm môi trường là gì?
Quá trình ô nhiễm môi trường gây nên nhiều hiện tượng. Một số hiện tượng, con người có thể nhận biết được. Tuy nhiên, một số hiện tượng khác phải qua quá trình biến đổi theo thời gian mới có thể nhận biết. Những biểu hiện của ô nhiễm môi trường có thể kể đến như:
- Gây thủng tầng ô-dôn
- Gây ra các thiên tai như lũ lụt, hạn hán…
- Bề mặt trái đất nóng lên, dẫn đến tăng nền nhiệt
- Sạt lở ở các khu vực ven biển, ven sông
- Đất đai trở nên khô cằn vì nguồn nước cạn kiệt
- Nước biển dâng cao dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn
Bên cạnh đó, là các tình trạng như sâu bệnh, dịch bệnh xảy ra, khó có thể để điều trị triệt để.
4. Các loại ô nhiễm môi trường ở Việt Nam
Tình hình ô nhiễm môi trường nước ta diễn ra khá phổ biến. Căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường có các loại ô nhiễm như:
4.1. Ô nhiễm môi trường không khí
Do khói bụi từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, phương tiện giao thông, máy phát điện, các loại lò đốt, nhà máy nhiệt điện…
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang ở mức báo động.
Theo Điều 12 Luật Bảo vệ môi trường thì tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo, cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
4.2. Ô nhiễm nguồn nước
Nguyên nhân từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà hàng, khách sạn… thải ra một lượng lớn nước thải nhưng không chú trọng đến khâu xử lý.
Bên cạnh đó, còn là sự thiếu ý thức của các hộ dân góp phần tăng thêm quá trình ô nhiễm.
Quá trình đánh bắt thủy hải sản, du lịch biển, hoạt động đánh bắt có sử dụng thuốc nổ, các loại hóa chất độc hại… khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
4.3. Ô nhiễm đất
Theo Điều 16, 17 Luật Bảo vệ môi trường khu vực đất ô nhiễm là khu vực đất có chất ô nhiễm vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, những hợp chất hóa học trong nguồn nước làm thay đổi tính chất khiến đất bị giảm hoặc mất khả năng sử dụng, canh tác.
Một số khu vực do mực nước biển dâng cao nên đất bị nhiễm mặn làm cho đất mất khả năng canh tác.
Khu vực ô nhiễm môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất
4.4. Ô nhiễm tiếng ồn
Do quá trình hoạt động con người, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Ô nhiễm tiếng ồn xảy ra trầm trọng ở một số nơi như đô thị, các nhà máy, từ các phương tiện giao thông.
5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể là các hành vi:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể là các hành vi:
- Vận chuyển, chôn, lấp, đồ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định về bảo vệ môi trường.
- Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
- Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật…
- Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép; xả vào không khí thải khói, bụi, khí có mùi độc hại
- Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định
- Nhập khẩu, tạm nhập, quá cảnh chất thải dưới mọi hình thức từ nước ngoài
- Nhập khẩu phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trái phép nhằm phá dỡ, tái chế.
- Không thực hiện công trình, biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định
- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường…
- Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên
- Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định
- Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, các công trình, thiết bị phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.
- Lợi dụng quyền hạn, chức vụ để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
6. Gây ô nhiễm môi trường bị xử lý như thế nào?
6.1. Về xử phạt hành chính
Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí như sau:
- Phạt 40 - 50 triệu đồng: Gây rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường:
Hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt chuẩn:
+ Phạt 50 - 80 triệu đồng: Nếu vượt mức chuẩn dưới 03 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường:
+ Phạt 80 - 100 triệu đồng: Nếu vượt mức chuẩn từ 03 - 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 - 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.
+ Phạt 100 - 150 triệu đồng: Nếu vượt mức chuẩn từ 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.
6.2. Về xử lý hình sự
Quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
* Phạt tiền từ 50 triệuđồng – 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm với người nào thực hiện một trong các hành vi:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác…
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 500 kilôgam đến dưới 1.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc từ 1.500 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại khác nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Xả thải ra môi trường từ 500 mét khối (m3) trên ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 300 m3/ngày đến dưới 500 m3/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
- Xả thải ra môi trường 500 m3 trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần
- Thải ra môi trường từ 150.000 m3/giờ đến dưới 300.000 m3/giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần
- Thải ra môi trường 150.000 m3/giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 03 lần đến dưới 05 lần…
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 50 milisivơ/năm đến dưới 200 milisivơ/năm…
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc các hành vi trên thì bị phạt tiền từ 3 – 7 tỷ đồng.
* Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định
- Xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần
- Thải ra môi trường từ 300.000 m3/giờ đến dưới 500.000 m3/giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg
- Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 200 mSv/năm đến dưới 400 mSv/năm
- Gây hậu quả nghiêm trọng.
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc các hành vi trên thì bị phạt tiền từ 7 -12 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
* Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật…
- Xả thải ra môi trường 10.000 m3/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần
- Thải ra môi trường 500.000 m3/giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần
- Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kilôgam trở lên;
- Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều 400 mSv/năm trở lên hoặc giá trị suất liều 0,02 mSv/giờ trở lên.
- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc các hành vi trên thì bị phạt tiền từ 12 - 20 tỷ đồng, hoặc hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 - 03 năm.
Ngoài ra, người phạm tội thuộc các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị phạt tiền từ 30 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1 – 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.”.
Đặc biệt nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể:
Điều 79. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn
1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Trên đây là giải đáp về ô nhiễm môi trường là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.