hieuluat
Chia sẻ email

Pháp chế là gì? Pháp chế và pháp luật có đồng nhất không?

Hiện nay, công việc nhân viên pháp chế là một công việc thu hút được sự quan tâm của các sinh viên chuyên ngành luật. Muốn làm tốt công việc này thì cần phải hiểu rõ về pháp chế và pháp luật. Vậy pháp chế là gì? Pháp chế và pháp luật có phải là hai khái niệm đồng nhất hay không? Cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Pháp chế là gì? Ví dụ về pháp chế
  • Pháp chế là gì?
  • Ví dụ về pháp chế
  • Pháp chế và pháp luật có đồng nhất không?
  • Công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế là gì? Ví dụ về pháp chế

Tinh thần của pháp chế luôn được thể hiện trong các bản Hiến pháp
Tinh thần của pháp chế luôn được thể hiện trong các bản Hiến pháp

Pháp chế là gì?

Pháp chế là chế độ hoạt động hợp pháp của các cơ quan nhà nước trong việc thông qua, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và trong việc chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, chính xác, thống nhất, thường xuyên và bình đẳng của tất cả các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, công dân và mọi tổ chức của họ.

Trong Hiến pháp năm 1959, khái niệm pháp chế chưa được sử dụng nhưng tinh thần của pháp chế được quy định tại điều 6 như sau: 

Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân

Khái niệm pháp chế bắt đầu được sử dụng từ Hiến pháp năm 1980

Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật, và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa

(Điều 12 Hiến pháp 1980)

Pháp chế tiếp tục được bổ sung và sử dụng ở Hiến pháp năm 1992

Tuy nhiên đến Hiến pháp năm 2013 thì khái niệm pháp chế không còn được quy định cụ thể nữa mà chỉ còn thấy tinh thần của nguyên tắc pháp chế được thể hiện tại khoản 1, điều 8 như sau:

Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ về pháp chế

Khoản 2, điều 30 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Thực tế hiện nay, hầu hết người dân khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe mô tô đều đã nghiêm chỉnh thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm.

Pháp chế và pháp luật có đồng nhất không?

Pháp chế và pháp luật không phải là đồng nhất
Pháp chế và pháp luật không phải là đồng nhất

Pháp chế và pháp luật là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Tiêu chí

Pháp luật

Pháp chế

Khái niệm

Là hệ thống các quy tắc xử sự do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, thiết lập một trật tự xã hội nhất định.

 

Tình trạng xã hội khi pháp luật được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc

Nguyên tắc

- Tuân theo pháp luật và đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp trước pháp luật.

- Pháp luật phải thể hiện ý chí của các tầng lớp nhân dân lao động.

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

- Tôn trọng, bảo vệ các quyền công dân và con người.

- Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản

- Đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc.

- Thống nhất trong việc xây dựng và thi hành pháp luật.

- Chấp hành nghiêm chỉnh tất cả các văn bản pháp luật của nhà nước, không có ngoại lệ đối với tất cả các văn bản còn hiệu lực pháp luật.

- Mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật.

- Bảo vệ các quyền của công dân đã được pháp luật quy định.

 

Đặc trưng

- Pháp luật mang tính quyền lực nhà nước

Đây là đặc trưng riêng có của pháp luật.

- Pháp luật có tính quy phạm phổ biến

- Pháp luật là khuôn mẫu, chuẩn mực định hướng cho nhận thức và hoạt động của các cá nhân và tổ chức trong xã hội.

- Pháp luật có tính hệ thống

- Các quy định của pháp luật không tồn tại độc lập mà có mối liên hệ với nhau tạo nên một hệ thống thống nhất.

- Pháp luật có tính xác định về hình thức

- Pháp luật được thể hiện rõ ràng mạch lạc trong các hình thức xác định.

- Pháp chế chỉ sự tuân thủ pháp luật nói chung đối với mỗi lĩnh vực, mỗi hoạt động.

- Pháp chế luôn gắn liền với dân chủ. Đây là mối quan hệ lớn và cơ bản đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng

Công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp là gì?

Trước khi tìm hiểu về công việc của nhân viên pháp chế thì cần hiểu rõ pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế doanh nghiệp là vị trí tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý, điều hành và thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể hiểu nhân viên pháp chế doanh nghiệp là người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật.

Pháp chế doanh nghiệp là bộ phận chịu trách nhiệm các công việc về pháp luật

Pháp chế doanh nghiệp là bộ phận chịu trách nhiệm các công việc về pháp luật

Vai trò của nhân viên pháp chế doanh nghiệp

Vai trò của nhân viên pháp chế là gì?

Nhân viên pháp chế có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp:

  • Đảm bảo cho mọi hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện đúng pháp luật. Từ đó giúp giảm thiểu những rủi ro và tranh chấp pháp lý có thể xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
  • Là người tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật vào việc sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt và hợp lý.
  • Tham gia đàm phán, thỏa thuận, thẩm định những hợp đồng, thỏa thuận hợp tác đảm bảo đúng pháp luật, không có sơ hở về mặt pháp lý.
  • Cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhân viên pháp chế có trách nhiệm cập nhật các văn bản pháp luật
Nhân viên pháp chế có trách nhiệm cập nhật các văn bản pháp luật (Nguồn: Internet)

Công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp

Từ những vai trò trên có thể thấy được công việc của nhân viên pháp chế trong doanh nghiệp là:

  • Xây dựng, quản lý, kiểm tra hệ thống chính sách của doanh nghiệp đảm bảo luôn đúng về mặt pháp luật.
  • Phụ trách xử lý các thủ tục giấy tờ pháp lý phát sinh theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
  • Đại diện cho doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp, hoặc làm việc với các cơ quan pháp luật khi có phát sinh công việc.
  • Soạn thảo các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác của doanh nghiệp đảm bảo đúng pháp luật, không có sơ hở đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
  • Nghiên cứu, cập nhật các quy định, văn bản pháp luật được ban hành liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp.
  • Tư vấn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp để áp dụng các quy định pháp luật vào sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, hợp lý.

Yêu cầu của nhân viên pháp chế

Những yêu cầu cần đạt được để trở thành nhân viên pháp chế là gì?

Để trở thành nhân viên pháp chế cần đạt được những yêu cầu sau:

  • Trình độ học vấn phải đạt từ cử nhân luật trở lên
  • Có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
  • Thành thạo các kỹ năng cơ bản như tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng tư vấn pháp luật.
Nhân viên pháp chế bắt buộc phải có bằng cử nhân luật

Triển vọng của nghề pháp chế tại Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Cùng với việc mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những nguy cơ xảy ra những rủi ro pháp lý. Đồng thời nền kinh tế càng phát triển, các văn bản luật sẽ liên tục được cập nhật, sửa đổi để thích ứng với thực tế sản xuất, kinh doanh.

Những điều kiện này khiến cho bộ phận pháp chế ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp, triển vọng đối với nghề pháp chế ngày càng được mở rộng hơn. Đây là công việc để các cử nhân luật có thể gắn bó lâu dài khi có thể có nhiều cơ hội thăng tiến và nâng cao thu nhập. Với triển vọng như vậy nên công việc pháp chế đang là một hướng đi được nhiều sinh viên ngành luật quan tâm tìm hiểu.

Lời kết

Qua những phân tích trên, có thể thấy pháp chế rất quan trọng trong đời sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc nắm rõ pháp chế là gì và tinh thần của pháp chế giúp cho việc thực thi pháp luật được tốt hơn.

Pháp chế cũng là một công cụ trong việc bảo vệ những quyền lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Khi vướng vào những tranh chấp pháp lý doanh nghiệp sẽ phải chịu những thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức. Bộ phận pháp chế sẽ giúp hạn chế những thiệt hại đó.

Nhận thức được tầm quan trọng của bộ phận pháp chế nên càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành lập bộ phận này cho doanh nghiệp. Điều này mở ra cơ hội việc làm cho các cử nhân luật nếu có thể đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

X