hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 30/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Pháp lệnh là gì? Ai có quyền ban hành pháp lệnh?

Bên cạnh các văn bản bộ luật, luật thì còn có các văn bản quy phạm pháp luật khác như pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư… Vậy pháp lệnh là văn bản gì? Thẩm quyền ban hành pháp lệnh hiện nay thuộc về ai?

Câu hỏi: Tôi là sinh viên luật và hiện đang tìm hiểu về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay. Cho tôi hỏi pháp lệnh được quy định thế nào và do ai ban hành? Để ban hành pháp lệnh cần dựa trên những căn cứ nào?

Pháp lệnh là gì?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể thế nào là pháp lệnh. Tuy nhiên, có thể hiểu pháp lệnh là văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nhằm triển khai những vấn đề được Quốc hội giao.

Pháp lệnh là gì?

Thông thường, pháp lệnh được ban hành để điều chỉnh những vấn đề mang tính dễ thay đổi, chưa ổn định để có thể ban hành văn bản luật điều chỉnh cụ thể.

Pháp lệnh thường được nghiên cứu, soạn thảo, ban hành trong thời gian ngắn hơn luật nên sẽ dễ dàng cập nhật tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Pháp lệnh còn là tiền đề để nâng lên thành văn bản luật trong tương lai.

Ai có quyền ban hành pháp lệnh?

Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định từ trên xuống dưới về giá trị pháp lý và cơ quan ban hành tương ứng như sau:

“1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn.

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Ai có quyền ban hành pháp lệnh?

Căn cứ quy định nêu trên, có thể thấy pháp lệnh do:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

- Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị xây dựng pháp lệnh.

- Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội thì có quyền đề nghị xây dựng pháp lệnh.

- Chương trình xây dựng pháp lệnh do Quốc hội quyết định vào năm trước, trong kỳ họp thứ nhất.

Ngoài ra, cùng với pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội còn có quyền ban hành nghị quyết, nghị quyết liên tịch cùng các cơ quan có thẩm quyền khác.

Pháp lệnh giá trị pháp lý lớn hơn luật không?

Căn cứ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp có thể thấy pháp lệnh có giá trị pháp lý dưới luật và là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong các văn bản dưới luật.

Đồng thời, xét về mục đích ban hành, pháp lệnh được ban hành khi có yêu cầu của Quốc hội và điều chỉnh các vấn đề cấp thiết nhưng chưa ổn định, chưa thể ban hành thành luật để áp dụng lâu dài.

Trong điều kiện thích hợp, pháp lệnh có thể được nâng lên thành luật. Chính vì vậy có thể thấy giá trị pháp lý của pháp lệnh là dưới luật (bao gồm cả bộ luật và luật).

Căn cứ, hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh

* Căn cứ đề nghị xây dựng pháp lệnh

Theo khoản 2 Điều 32 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), các căn cứ để đề nghị xây dựng pháp lệnh bao gồm 04 căn cứ chủ yếu sau:

- Chính sách của Nhà nước, chủ trương, đường lối của Đảng;

- Yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước; đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền con người; đảm bảo an ninh, quốc phòng;

- Dựa trên kết quả đánh giá thực trạng các quan hệ xã hội liên quan đến dự án pháp lệnh hoặc tổng kết thi hành pháp luật;

- Dựa trên các cam kết trong điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Căn cứ, hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh

* Hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh

Hồ sơ đề nghị xây dựng pháp lệnh được quy định tại Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), cụ thể gồm:

- Tờ trình đề nghị xây dựng pháp lệnh, trong đó chỉ ra:

  • Sự cần thiết khi ban hành pháp lệnh;

  • Quan điểm, mục đích xây dựng pháp lệnh;

  • Phạm vi điều chỉnh, đối tượng của pháp lệnh;

  • Nội dung, mục tiêu của chính sách trong đề nghị xây dựng pháp lệnh, các giải pháp và lý do chọn giải pháp cho chính sách;

  • Dự kiến điều kiện bảo đảm, nguồn lực cho việc thi hành pháp lệnh nếu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua;

  • Thời gian dự kiến trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án pháp lệnh.

- Dự kiến đề cương chi tết dự thảo pháp lệnh;

- Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng pháp lệnh;

- Bản giải trình, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức khác; nếu có ý kiến góp ý thì phải có bản chụp;

- Báo cáo tổng kết việc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng pháp lệnh hoặc đánh giá việc thi hành pháp luật.

Ngoài ra, văn bản kiến nghị về pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết khi ban hành, phạm vi điều chỉnh, mục đích, đối tượng, yêu cầu ban hành, chính sách, quan điểm, nội dung chính của pháp lệnh.

Trên đây là một số thông tin về thế nào pháp lệnh và người có quyền ban hành pháp lệnh là ai theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và giá trị pháp lý của các văn bản khác, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X