Pháp luật được coi là công cụ hữu hiệu quản lý tất cả các vấn đề trong xã hội. Đây cũng là phương tiện quan trọng để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vậy, pháp luật được hiểu cụ thể như thế nào?
Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, đảm bảo thực hiện, điều chỉnh các quan hệ xã hội, áp dụng trên phạm vi cả nước với mọi chủ thể.
Pháp luật bao gồm các quy phạm có tính pháp luật và tính đạo đức mang tính bắt buộc chung.
Với các quy định của pháp luật, một cá nhân, tổ chức không được đặt ý kiến chủ quan trong việc có thực hiện không. Vì vậy, nếu ai đó có hành vi chống đối, làm trái quy định của pháp luật cũng sẽ bị cưỡng chế.
Đây chính là yếu tố tạo nên sự công bằng bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cá nhân đối với quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật thể hiện ý chí của Nhà nước, thông qua các quy định của pháp luật, người dân biết những việc phải làm, không được làm hoặc làm như thế nào?...
Những quy phạm pháp luật mang tính phổ biến cũng giống với đạo đức, tập quán, tôn giáo…
Tính quy phạm thể hiện ở chỗ là khuôn mẫu chung cho mọi người cùng thực hiện, tuân theo và áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi…
Pháp luật là khuôn mẫu chung cho mọi người cùng thực hiện. Ảnh minh họa.
Nguồn gốc của pháp luật thế nào?
Nhà nước và pháp luật đều là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp. Nguyên nhân làm phát sinh nhà nước chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật
Pháp luật cùng với Nhà nước, là công cụ quan trọng để thực hiện quyền lực của Nhà nước, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị và duy trì địa vị.
Có thể thấy, pháp luật ra đời do nhu cầu quản lý xã hội đã phát triển tới một mức độ nhất định. Bởi khi xã hội phát triển phức tạp sẽ xuất hiện các giai cấp có sự đối lập nhau về lợi ích, dẫn đến khác nhau cả nhu cầu về chính trị, giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích cho lực lượng thống trị trong xã hội về kinh tế, chính trị.
Khi xung đột giai cấp diễn gay gắt, đấu tranh giai cấp không thể điều hòa được, cần thiết phải có quy phạm mới thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm thiết lập trật tự mới, đó chính là quy phạm pháp luật.
Pháp luật là hệ thống quy định mang tính bắt buộc được Nhà nước ban hành, thể hiện bản chất của giai cấp thống trị.
Đặc điểm của pháp luật là gì?
Pháp luật có những đặc trưng riêng biệt sau đây:
1. Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền ban hành pháp luật
Để ban hành pháp luật, phải trải qua các quy trình, thủ tục với sự tham gia làm việc của nhiều chủ thể như tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước để đảm bảo được nội dung của pháp luật luôn có tính chặt chẽ và khả năng áp dụng rộng rãi.
Nhà nước còn có thể thừa nhận các tập quán trong xã hội trong luật thành văn.
2. Mang tính quy phạm phổ biến
Pháp luật không áp dụng riêng co tổ chức, cá nhân nào mà được áp dụng rộng rãi cho tất cả mọi người trong xã hội.
Các công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật đã được ban hành.
3. Được đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước
Vì là quy tắc xử sự trong xã hội nên pháp luật được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế.
Biện pháp cưỡng chế khi chống đối pháp luật rất nghiêm khắc, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình tùy theo mức độ vi phạm.
4. Có tính hệ thống
Pháp luật là một hệ thống các quy phạm quy tắc xử sự chung, các nguyên tắc, khái niệm pháp lí... Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng cách tác động lên cách xử sự của các chủ thể tham gia và làm cho quan hệ xã hội phát triển theo chiều hướng Nhà nước mong muốn.
Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau nhưng các quy định của pháp luật không tồn tại biệt lập, đơn lẻ mà có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên chỉnh thể thống nhất.
5. Pháp luật được thể hiện bằng văn bản, chặt chẽ về hình thức
Pháp luật được thể hiện bằng hình thức văn bản. Các văn bản quy phạm pháp luật được quy định rõ rang, chặt chẽ và cụ thể tại các điểm, khoản, Điều thuộc các Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị…
Việc quy định chặt chẽ, cụ thể, không trừu tượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện pháp luật cũng như quá trình áp dụng, giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo thực hiện thống nhất trong toàn xã hội.
Vai trò của pháp luật hiện nay là gì?
Từ những phân tích trên, có thể thấy pháp luật có vai trò rất quan trọng với cả Nhà nước và người dân và toàn xã hội nói chung. Cụ thể:
- Với Nhà nước: Pháp luật là công cụ hữu hiệu quản lý tất cả các vấn đề trong xã hội.
Người dân nếu không chấp hành, chấp hành sai các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.
- Với công dân: Pháp luật là phương tiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Pháp luật đảm bảo cho công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định.
- Với toàn xã hội: Pháp luật đảm bảo sự vận hành của toàn xã hội, đồng thời tạo lập, duy trì sự bình đẳng.
Những đặc trưng cơ bản của pháp luật là gì?
Tính phổ biến
Pháp luật là bộ của các quy tắc khuôn mẫu ứng xử, xử sự chung. Chúng được áp dụng chung với tất cả mọi người và ở trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khuôn mẫu của pháp luật áp dụng nhiều lần trong phạm vi không gian và thời gian rộng lớn.
Tính chặt chẽ
Pháp luật được thể hiện dưới các hình thức nhất định và được lưu trữ trong nguồn luật như: tiền lệ pháp, tập quán pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả các quy định được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng. Điều này để bảo đảm pháp luật có thể được hiểu và thực hiện một cách thống nhất trong toàn xã hội.
Tính bắt buộc
Nhà nước ban hàn và thực hiện pháp luật bằng sức mạnh của quyền lực. Tất cả cá nhân, tổ chức đều phải bắt buộc phải xử sự theo pháp luật, nếu không sẽ bị áp dụng các biện pháp cần thiết. Đây chính là tính bắt buộc của pháp luật.
Những nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt Nam
Câu hỏi Nguyên tắc của pháp luật là gì? Có lẽ đây cùng là những thông tin, kiến thức mà nhiều người muốn tìm hiểu. Dưới đây sẽ là 5 nguyên tắc chung của pháp luật Việt Nam:
Quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân
Pháp luật do Nhà nước ban hành và thực hiện. Nguyên tắc đầu tiên của pháp luật Việt Nam là quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân. Do đó, nội dung của pháp luật và các hoạt động của tổ chức thực hiện pháp luật phải thể hiện được tính toàn quyền của nhân dân. Tư tưởng nhân dân là chủ thể cao nhất của quyền lực, của pháp luật.
Trong pháp luật của Việt Nam, nguyên tắc này đã được thể hiện rất rõ trong việc nhân dân có quyền tham gia đóng góp ý xây dựng các văn bản pháp luật. Ngoài ra, nhân dân được tham gia kiểm tra giám sát các hoạt động liên quan đến luật pháp.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa
Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa trong luật pháp được thể hiện ở các quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý của mọi công dân, tổ chức.
Pháp luật có quy định về những hình thức, cơ chế thực hiện quyền dân chủ trực tiếp hay gián tiếp. Nguyên tắc này còn được rất rõ các quy định để đảm bảo nhân dân được tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý pháp luật.
Nhân đạo
Nhân đạo là một nguyên tắc quan trọng để luật pháp của Việt Nam. Nguyên tắc này được xuất phát từ việc bảo vệ, tôn trọng và quan tâm con người.
Sự nhân đạo được thể hiện trong hình thức xử lối đối tượng vi phạm pháp luật. Theo đó, nguyên tắc nhân đạo là để đảm bảo không phạm thể xác và nhân phẩm, danh dự của người vi phạm. Hệ thống các quy định luật pháp phải hướng đến lợi ích tốt nhất, cao nhất cho con người trong khuôn khổ đúng pháp luật và chuẩn mực đạo đức.
Công bằng
Ở Việt Nam, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu của Nhà nước. Chính vì vậy đối với việc ban hành và áp dụng luật pháp, công bằng cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng.
Nguyên tắc công bằng của luật pháp được thể hiện trên các quy định và hình thức áp dụng biện pháp xử lý phải phù hợp dựa trên tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Mức độ xử lý vi phạm phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng hay hệ quả của hành vi vi phạm.
Thêm vào đó, sự công bằng còn được thể hiện trong những quy định luật pháp, chính sách về quan hệ xã hội như: lao động, y tế và giáo dục…
Nguyên tắc giữa quyền và nghĩa vụ
Nhất quán giữa quyền và nghĩa vụ cũng là nguyên tắc để thực thi pháp luật ở Việt Nam. Nguyên tắc này sẽ giúp đảm bảo mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và cá nhân. Theo luật pháp, mọi người được bảo vệ quyền lợi cá nhân nhưng cũng đồng nghĩa phải thực hiện nghĩa vụ công dân đúng quy định.
Pháp luật mang bản chất giai cấp đúng không?
Pháp luật do Nhà nước, đại diện cho giai cấp cầm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện nên pháp luật mang bản chất giai cấp.
Bản chất giai cấp là biểu hiện chung của các kiểu pháp luật nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có biểu hiện, đặc trưng riêng.
Pháp luật tư sản: Nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ nhưng về cơ bản vẫn thực hiện ý chí, phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản;
Pháp luật xã hội chủ nghĩa: Mang bản chất của giai cấp công nhân, đại diện là Nhà nước của nhân dân lao động.
Trên đây là giải đáp đối với câu hỏi pháp luật là gì? Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn vui lòng để lại câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.