Thông thường, khi nói đến doanh nghiệp, nhiều người hay gọi đây là các pháp nhân. Vậy pháp nhân là gì và điều kiện để có tư cách pháp nhân theo Bộ luật Dân sự hiện hành được quy định thế nào?
Định nghĩa pháp nhân trong Bộ luật Dân sự thế nào?
Pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 tuy nhiên không phải khái niệm pháp nhân là gì mà chỉ nêu các điều kiện để được công nhận là pháp nhân. Cụ thể gồm:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, Luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp năm 2020...
- Có cơ cấu tổ chức, có cơ quan điều hành. Nhiệm vụ, tổ chức cũng như quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân được quy định cụ thể trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân đó.
Ngoài ra, pháp nhân còn có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc pháp luật có quy định.
- Có tài sản độc lập với cá nhân hoặc pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
- Pháp nhân được nhân danh chính mình để tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Cũng theo Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân gồm pháp nhân thương mại và phi thương mại. Trong đó:
- Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Đồng thời, lợi nhuận kiếm được sẽ được chia cho các thành viên của pháp nhân gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác (theo khoản 1 Điều 75 Bộ luật Dân sự).
- Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Nếu pháp nhân có lợi nhuận thì lợi nhuận này cũng không được phân chia cho các thành viên (căn cứ khoản 1 Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Thành viên của pháp nhân phi thương mại gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Như vậy, có thể hiểu pháp nhân là một tổ chức có cơ cấu, có tài sản độc lập, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và có thể nhân danh chính bản thân mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Pháp nhân là gì? (Ảnh minh họa)
Trường hợp nào pháp nhân chấm dứt tồn tại?
Việc pháp nhân chấm dứt tồn tại được quy định cụ thể tại Điều 96 Bộ luật Dân sự, gồm:
- Hợp nhất: Theo Điều 88 Bộ luật Dân sự, các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới và quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.
- Sáp nhập: Pháp nhân có thể được sáp nhập vào một pháp nhân khác và pháp nhân được sáp nhập sẽ chấm dứt tồn tại theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Chia pháp nhân: Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân khác nhau theo Điều 90 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Chuyển đổi hình thức: Pháp nhân này có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác và pháp nhân mới được kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi (theo Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Giải thể pháp nhân: Pháp nhân có thể bị giải thể theo điều lệ, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc hết thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ… theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Dân sự.
Đặc biệt, trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản của mình.
- Bị tuyên bố phá sản: Pháp nhân sẽ bị tuyên bố phá sản nếu bị mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản (theo khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014).
Như vậy, có 06 trường hợp pháp nhân sẽ bị chấm dứt tồn tại. Thời điểm chấm dứt tồn tại là thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc được xác định theo thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là giải đáp về pháp nhân là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.