Phát triển bền vững là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm phát triển bền vững.
Thuật ngữ phát triển bền vững xuất hiện lần đầu tiên tại ấn phẩm “Chiến lược bảo tồn thế giới” (1980) của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN - International Union for Conservation of Nature and Natural Resources).
Ấn phẩm đề cập nội dung liên quan đến mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật”. Tại đây, thuật ngữ phát triển bền vững được đề cập với phạm vi hẹp, chỉ nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái nhằm mục đích kêu gọi bảo tồn các tài nguyên sinh vật.
Tại Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (1987) của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED - World Commission on Environment and Development) - Liên hợp quốc, khái niệm phát triển bền vững được đề cập là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển được tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững được tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) vào năm 2002, khái niệm phát triển bền vững được khẳng định là “quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế (tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên)”.
Từ các khái niệm trên, có thể hiểu phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững cần đáp ứng các nguyên tắc nào?
Từ khái niệm phát triển bền vững, có thể thấy phát triển bền vững cần kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững cần đáp ứng các nguyên tắc sau:
- Phát triển bền vững về kinh tế là quá trình đạt tăng trưởng kinh tế ổn định, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cán cân thương mại thông qua việc nâng cao chất lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất và không làm hại đến xã hội, môi trường.
- Phát triển bền vững về xã hội là quá trình phát triển nhằm đảm bảo sự công bằng trong xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận đầu đủ các dịch vụ cơ bản mà không gây hại đến kinh tế và môi trường.
- Phát triển bền vững về môi trường là việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh, duy trì đa dạng sinh học, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững là gì?
Kinh tế, xã hội và môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững. Cụ thể tiêu chí đánh giá phát triển bền vững cũng dựa trên ba trụ cột này:
Thứ nhất, về kinh tế
Phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng. Điều này đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế với một số nội dung cơ bản như giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác, thay đổi nhu cầu tiêu thị không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường, tái chế, tái sử dụng, giảm thải, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối và bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế, giáo dục.
Nền kinh tế được coi là bền vững nếu đạt được những yêu cầu về tỷ lệ tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP cao hơn nông nghiệp đồng thời tăng trưởng có hiệu quả, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.
Thứ hai, về xã hội
Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá thông qua chỉ số phát triển con người, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa, hệ số bình đẳng thu nhập,... đảm bảo có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội và mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao.
Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính như giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân, nâng cao học vấn, xóa mù chữ, bảo vệ đa dạng văn hóa, bình đẳng giới,...
Thứ ba, về môi trường
Phát triển bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên, chất lượng môi trường sống của con người được bảo đảm (đất, nước, không khí, không gian địa lý, cảnh quan). Điều này đòi hỏi mọi người cần duy trì sự cân bằng bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo duy trì ở giới hạn cho phép.
Phát triển bền vững về môi trường gồm một số nội dung chính như sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ozon, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm môi trường, cải thiện và khôi phục môi trường ở những khu vực ô nhiễm,...
Vì sao phải phát triển bền vững?
Phát triển bền vững không chỉ là xu thế của Việt Nam mà là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Để phát triển bền vững cần cân đối giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận mà nhu cầu của con người càng tăng cao. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đó thì song song với duy trì tốc độ tăng trưởng cao cần có sự khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đồng thời đảm bảo vấn đề công bằng xã hội giữa các thế hệ.
Định hướng mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030
Mặc dù khu vực cũng như quốc tế có nhiều biến động với những lo âu về chính trị, chiến tranh thương mại, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Về kinh tế
Đặt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 5% đến 6% hàng năm; GDP bình quân đầu người duy trì ở mức 4% đến 4,45% hàng năm; tốc độ tăng năng suất lao động duy trì ở mức tăng 5% hàng năm.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 60 triệu vào năm 2025 và đạt 90 triệu vào năm 2030.
Một số các chỉ số khác cũng được đặt ra cụ thể như tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt khoảng 32% đến 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25% đến 30%; mức tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm từ 1% đến 1,5% trên năm và tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 50%.
Về xã hội
Đặt mục tiêu về tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35% đến 40%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65% đến 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25% đến 26% và tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị dưới 4%.
Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,3% đến 1,5% mỗi năm. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ không còn tình trạng đói nghèo.
Về môi trường
Đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phi phát thải với tỷ lệ giảm phát thải nhà kính đạt 25% vào năm 2030 và đạt 45% vào năm 2050. Năm 2030 có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa và phục hồi các vùng đất bị thoái hóa.
Phấn đấu đạt tỷ lệ 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và chất thải y tế được xử lý đạt tỷ lệ 95% đến 100%, chất thải nguy hại được xử lý đạt 80% đến 85%. Phấn đấu đạt mục tiêu hầu hết các hộ dân có điện.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao và chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Trên đây là nội dung thông tin liên quan đến vấn đề Phát triển bền vững là gì? Vì sao phải phát triển bền vững?. Nếu còn thắc mắc, chưa rõ hãy liên hệ trực tiếp tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.