hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 25/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quan hệ nhân thân là gì? Chứng minh bằng cách nào?

Mặc dù khái niệm quan hệ nhân thân được sử dụng khá biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về vấn đề này. Vậy, quan hệ nhân thân là gì? Chứng minh quan hệ nhân thân bằng cách nào?

Mục lục bài viết
  • Quan hệ nhân thân là gì? Có những loại nào?
  • Quan hệ nhân thân vợ, chồng được hiểu thế nào?
  • Hậu quả về quan hệ nhân thân khi vợ, chồng ly hôn thế nào?
  • Chứng minh quan hệ nhân thân cần những giấy tờ nào?

Quan hệ nhân thân là gì? Có những loại nào?

Câu hỏi: Em thường nghe mn nói đến quan hệ nhân thân nhưng tìm hiểu trong các văn bản pháp luật thì chỉ thấy đề cập đến quyền nhân thân. Vậy cho em hỏi quan hệ nhân thân là gì? - Thúy Ngọc (Hải Phòng).

Quan hệ nhân thân là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong các văn bản luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào đưa ra quy định cụ thể về quan hệ nhân thân.

Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ có quy định về quyền nhân thân tại khoản 1 Điều 25 như sau:

Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Tại khoản 4 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng đề cập đến quan hệ nhân thân như sau:

Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự…

Như vậy, có thể hiểu quan hệ nhân thân là các quan hệ giữa cá nhân với người khác như: Cha, mẹ, anh, chị, em... Theo đó các quan hệ nhân thân sẽ phát sinh quyền nhân thân và quyền này không thể chuyển giao cho người khác.

Tóm lại, quan hệ nhân thân là những quan hệ liên quan đến giá trị nhân thân của một người, có thể là quan hệ nuôi dưỡng hoặc ruột thịt và được phân biệt với quan hệ tài sản.

Quan hệ nhân thân sẽ gồm 02 loại:

- Quan hệ nhân thân gắn với tài sản, ví dụ: Quyền tác giả, quyền sáng chế,...

- Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản: Họ tên, quốc tịch, tính mạng, uy tín, danh dự,...

Ví dụ, bố mẹ với con cái, vợ với chông, anh chị với em,... được xác định là có quan hệ nhân thân.

 

Quan hệ nhân thân vợ, chồng được hiểu thế nào?

Câu hỏi: Xin hỏi, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng được hiểu như thế nào? Quyền nhân thân giữa vợ, chồng ra sao? Tôi cảm ơn! - Hằng Phạm

Bộ luật Dân sự 2015 chỉ đưa ra quy định cụ thể về quyền nhân thân giữa vợ và chồng, cụ thể tại Điều 39 Bộ luật dân sự 2015 chỉ rõ:

“1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan”.

Như vậy, quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng được xác lập từ thời điểm phát sinh quan hệ vợ chồng. Đồng thời, nghĩa vụ nhân thân giữa vợ, chồng cũng được nêu rõ tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình:

“1.Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; cùng nhau chia sẻ , thực hiện các công việc trong gia đình.

2.Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ, chồng có có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lí do chính đáng khác.”


Hậu quả về quan hệ nhân thân khi vợ, chồng ly hôn thế nào?

Câu hỏi: Trước đây chồng tôi bị mất tin tức nên tôi nghĩ là đã chết mà không tìm thấy xác nên tôi đã yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố chồng tôi đã chết và mới lập gia đình mới. Tuy nhiên, vừa rồi, anh ấy đã quay về. Vậy hiện tại cho tôi hỏi quan hệ vợ chồng giữa tôi và anh ấy và với chồng mới xác định thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn đã được tuyên bố chết những giờ quay trở về thì Tòa án sẽ hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết, lúc này các quan hệ nhân thân sẽ được khôi phục, trừ các mối quan hệ sau:

- Trường hợp đã ly hôn: Quyết định ly hôn của người bị tuyên bố đã chết trước đó vẫn còn hiệu lực.

- Trường hợp vợ/chồng của người bị tuyên bố là đã chết kết hôn với người khác: quan hệ hôn nhân này vẫn có hiệu lực.

- Vợ/chồng người bị Tòa án quyết định hủy tuyên bố đã chết mà chưa kết hôn: Quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.

 Tóm lại, xét trong trường hợp của bạn, mặc dù tòa án đã hủy bỏ quyết định tuyên bố người chồng cũ của bạn đã chết nhưng do bạn đã kết hôn với người khác nên quan hệ hôn nhân mới này vẫn còn hiệu lực.

quan he nhan than la gi

Quan hệ nhân thân là gì? Chứng minh bằng cách nào? (Ảnh minh họa)


Chứng minh quan hệ nhân thân cần những giấy tờ nào?

Câu hỏi: Tôi muốn nhập khẩu vào nhà chồng ở Hà Nội nhưng cán bộ tư pháp yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của tôi với chồng. Cho tôi hỏi giấy tờ này là những gì?

Liên quan đến vấn đề vợ nhập khẩu vào nhà chồng, điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 nêu rõ:

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

Theo đó, các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân khi vợ nhập khẩu vào nhà chồng gồm (theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021):

- Giấy chứng nhận kết hôn;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Xác nhận của UBND xã/UBND huyện nơi cư trú.

Như vậy, khi làm thủ tục nhập khẩu về nhà chồng bạn phải chứng minh quan hệ nhân thân (quan hệ vợ chồng) thông qua các giấy tờ nêu trên.

Ngoài ra, Điều 6 Nghị định 62/2021 cũng quy định các giấy tờ, tài liệu dùng để chứng minh quan hệ nhân thân trong các trường hợp khác như:

- Chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:

+ Giấy khai sinh;

+ Chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi;

+ Quyết định việc nhận cha, mẹ, con;

+ Trích lục hộ tịch; hoặc văn bản của cơ quan giám định, cơ quan y tế,... xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con,...

- Chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột:

+ Giấy khai sinh;

+ Giấy xác nhận của UBND xã/huyện nơi cư trú,...

Trên đây là giải đáp về Quan hệ nhân thân là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X