hieuluat
Chia sẻ email

Quan hệ pháp luật là gì? Được phân loại như thế nào?

Quan hệ pháp luật là một phần quan trọng không thể thiếu trong các mối quan hệ xã hội nói chung. Trong một mối quan hệ pháp luật cụ thể có chủ thể của quan hệ pháp luật, khách thể của quan hệ pháp luật và nội dung của quan hệ pháp luật. Vậy hiểu đúng quan hệ pháp luật là gì?

1. Quan hệ pháp luật là gì?

Tất cả những quan hệ xã hội diễn ra xung quanh cuộc sống con người đều được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật. Những mối quan hệ ấy được gọi là quan hệ pháp luật. Vậy quan hệ pháp luật là gì?

1.1. Quan hệ pháp luật là gì?

Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Trong các mối quan hệ pháp luật, các bên tham gia sẽ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể được pháp luật quy định, Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Quan hệ xã hội được xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt là dựa trên quy định của pháp luật. Trong toàn bộ hệ thống của pháp luật, mỗi ngành luật cụ thể sẽ điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội khác nhau.

Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội mang tính chất ý chí. Ý chí của Nhà nước thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật. Các quan hệ pháp luật còn mang ý chí của các chủ thể tham gia. Ý chí của các chủ thể phải phù hợp với ý chí của Nhà nước, thể hiện khác nhau trong từng quan hệ cụ thể, từng giai đoạn của quan hệ đó.

quan he phap luat la gi

1.2. Ví dụ về quan hệ pháp luật

Một số ví dụ về quan hệ pháp luật như sau:

Ví dụ 1: Quan hệ giữa bên cho vay và bên vay nợ trong hợp đồng cho vay

Vào ngày 30/06/2022, anh B có vay của anh A số tiền 200.000.000 đồng.

Anh A và anh B có lập hợp đồng cho vay. Hợp đồng cho vay đó được công chứng theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy anh A và anh B có mỗi quan hệ pháp luật và chủ thể của quan hệ pháp luật đó chính là anh A và anh B.

Anh A: có năng lực pháp luật, không bị Tòa án hạn chế hay tước đoạt năng lực pháp luật.

- Có năng lực hành vi đủ tuổi, không bị các bệnhlàm giảm năng lực hàn vi dân sự.

Do đó, anh A có năng lực chủ thể đầy đủ trong một mối quan hệ pháp luật.

Anh B cũng có năng lực chủ thể đầy đủ, giống anh A.

Khách thể của quan hệ pháp luật chính là khoản tiền vay 200 triệu đồng và tiền lãi.

Nội dung của quan hệ pháp luật có thể được hiểu như sau:

Với anh A:

- Có quyền được nhận lại khoản tiền đã cho vay và tiền lãi khi đến hạn thỏa thuận trong hợp đồng

- Có nghĩa vụ giao khoản tiền vay 200 triệu đồng cho anh B

Với anh B:

- Có quyền được nhận số tiền cho vay

- Có nghĩa vụ: trả cả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Ví dụ 2: Quan hệ giữa người bán và người mua nhà giữa chị A và chị B

Cả chị A và chị B  đều là người đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật tham gia ký hợp đồng mua bán nhà.

Chị A là bên mua còn chị B là bên bán

Chủ thể của quan hệ pháp luật chính là chị A và chị B

Khách thể của quan hệ pháp luật là tài sản vật chất chính là nhà, tiền

Nội dung của quan hệ pháp luật được quy định như sau:

Quyền chủ thể:

Chị A: Quyền được sang tên căn nhà

Chị B: Quyền được nhận tiền bán nhà

Nghĩa vụ của chủ thể:

Chị A: Trả tiền mua nhà cho chị B

Chị B: Sang tên nhà đã bán cho chị A

Ví dụ 3: Quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đăng ký kết hôn

Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình là cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình (cụ thể ở đây là người vợ và người chồng) có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.

Chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình cũng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình gắn liền với các quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản nên lợi ích mà các chủ thể trong quan hệ này là các lợi ích về nhân thân, lợi ích về tài sản. Các lợi ích về thân nhân, tài sản là khách thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình.

2. Các quan hệ pháp luật được phân loại thế nào?

Các quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng, phong phú về chủ thể, khách thể, nội dung, cách thức phát sinh…

quan he phap luat la gi

Các loại quan hệ pháp luật được phân chia dựa vào nhiều tiêu chí. Những tiêu chí khác nhau sẽ phân chia các loại quan hệ pháp luật khác biệt nhau. Cụ thể:

- Phân loại quan hệ pháp luật dựa vào đối tượng, phương pháp điều chỉnh (chia theo các ngành luật), có:

+ Quan hệ pháp luật dân sự

+ Quan hệ pháp luật hình sự

+ Quan hệ pháp luật lao động

+ Quan hệ pháp luật hành chính

+ Quan hệ pháp luật đất đai

- Phân loại quan hệ pháp luật dựa trên tính chất nghĩa vụ:

+ Quan hệ pháp luật chủ động

+ Quan hệ pháp luật thụ động

- Phân loại quan hệ pháp luật dựa vào vào việc xác định thành phần chủ thể:

+ Quan hệ pháp luật tương đối

+ Quan hệ pháp luật tuyệt đối

- Phân loại quan hệ pháp luật dựa trên cách tác động đến chủ thể:

+ Quan hệ pháp luật điều chỉnh

+ Quan hệ pháp luật bảo vệ

- Phân loại quan hệ pháp luật căn cứ vào số lượng bên tham gia:

+ Quan hệ pháp luật có hai bên và

+ Quan hệ pháp luật có nhiều bên

- Phân loại quan hệ pháp luật căn cứ vào tính chất chủ thể,

+ Quan hệ  pháp luật công pháp

+ Quan hệ pháp luật tư pháp...

3. Đặc điểm của quan hệ pháp luật

Ở các phần nội dung trên, có thể hiểu khái niệm quan hệ pháp luật là gì cũng như cách phân loại khái niệm pháp luật. Theo đó, có thể thấy các đặc điểm của quan hệ pháp luật như sau:

3.1. Quan hệ pháp luật được xây dựng trên cơ sở pháp luật

Đây cũng là đặc biểm quan trọng để phân biệt quan hệ pháp luật với các quan hệ xã hội khác

Điều kiện hình thành nên quan hệ pháp luật chính là các quy phạm pháp luật. Như vậy, nếu không tồn tại quy phạm pháp luật, sẽ không hình thành quan hệ pháp luật.

Những tình huống có thể phát sinh quan hệ pháp luật sẽ được các quy phạm pháp luật dự liệu, đồng thời xác định được:

+ Thành phần chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật

+ Nội dung quyền, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể tham gia.

3.2. Quan hệ pháp luật là quan hệ có tính ý chí

Ý chí ở đây có thể hiểu là:

- Ý chí của Nhà nước (vì pháp luật được Nhà nước ban hành, thừa nhận.

- Ý chí của các bên tham gia quan hệ pháp luật (quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hợp đồng lao động…)

- Ý chí của một bên tham gia quan hệ pháp luật (quan hệ pháp luật hình sự)

Do đó, một số quan hệ pháp luật sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên cơ sở ý chí của Nhà nước như quan hệ xử phạt hành chính, quan hệ pháp luật hình sự,…

Và cũng có các quan hệ pháp luật làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt dựa trên ý chí của các bên tham gia trong khuôn khổ ý chí của nhà nước như quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ hợp đồng…

3.3. Quan hệ pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện

Quan hệ pháp luật được hình thành trên cơ sở các quy phạm pháp luật (do Nhà nước ban hành, thừa nhận) nên các quan hệ pháp luật được Nhà nước đảm bảo thực hiện, bảo vệ.

Nhà nước bảo đảm thực hiện quan hệ pháp luật về vật chất, pháp lý, tổ chức…

3.4. Quan hệ pháp luật có chủ thể xác định

Mỗi loại quan hệ pháp luật đều có cơ cấu chủ thể nhất định.

Ví dụ: chủ thể trong quan hệ pháp luật kinh tế là cá nhân hoặc pháp nhân có đăng ký kinh doanh đúng quy định của pháp luật

Chủ thể trong các loại quan hệ pháp luật cụ thể đều phải đáp ứng được những điều kiện mà pháp luật quy định cho loại quan hệ pháp luật đó.

Ví dụ: chủ thể trong quan hệ pháp luật hôn nhân là cá nhân, yêu cầu nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

3.5. Có nội dung là quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể

Trong quan hệ pháp luật, các chủ thể tham gia phải đáp ứng các quy định của pháp luật. Do đó, quyền và nghĩa vụ của chủ thể mang tính chất pháp lý.

Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia có thể thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ trong một số trường hợp, tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp với pháp luật.

4. Quan hệ pháp luật dân sự là gì?

Trong các quan hệ xã hội, sẽ có những quan hệ do các quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh,  có thể hiểu đó là những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự.

4.1. Quan hệ pháp luật dân sự là gì?

Quan hệ pháp luật dân sự được hiểu là những quan hệ xã hội phát sinh từ lợi ích vật chất, lợi ích nhân thân và được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh. Đó có thể là các quan hệ liên quan đến yếu tố nhân thân và tài sản trong các lĩnh vực như hôn nhân gia đình, dân sự, thương mại, lao động,…

Các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự đều bình đẳng về:

- Mặt pháp lý

- Quyền và nghĩa vụ dân sự

Đồng thời quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự sẽ được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp mang tính cưỡng chế.

Mặt khác, các bên khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự đều có mục đích và lợi ích nhất định nhằm thỏa mãn nhu cầu về vật chất/tinh thần của mình. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự các chủ thể được thể hiện sự tự định đoạt, ý chí tự do.

quan he phap luat la gi

Quan hệ pháp luật dân sự có thể hình thành:

- Trên cơ sở quy phạm pháp luật

- Hoặc trên cơ sở ý chí của các bên tham gia, phải phù hợp với quy phạm pháp luật dân sự.

4.2. Đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự

Quan hệ pháp luật dân sự cũng thuộc một trong các quan hệ pháp luật và mang đầy đủ đặc tính của quan hệ pháp luật và có những đặc điểm riêng.

Những đặc điểm riêng xuất phát từ bản chất của các quan hệ xã hội nó điều chỉnh và đặc điểm của phương pháp điều chỉnh.

Cụ thể đặc điểm của quan hệ pháp luật dân sự như sau:

- Chủ thể tham gia đa dạng,gồm:

+ Cá nhân

+ Pháp nhân

+ Hộ gia đình

+ Tổ hợp tác.

Khi tham gia vào quan hệ dân sự, các chủ thể độc lập về tổ chức cũng như tài sản. Cá nhân và tổ chức để là chủ thể của pháp luật dân sự.

- Địa vị pháp lý của các chủ thể dù là cá nhân hay tổ chức đều dựa trên cơ sở bình đẳng, đồng thời không bị phụ thuộc, chi phối bởi các yếu tố xã hội khác.

Trong một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, các chủ thể tham gia đối lập nhau khi phân định quyền và nghĩa vụ. Tuy vậy, cũng không làm mất đi sự bình đẳng giữa các chủ thể.

Trong mối quan hệ pháp luật dân sự, khi các chủ thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh không được áp đặt ý chí của mình nhằm buộc bên còn lại thực hiện nghĩa vụ mà phải tạo điều kiện để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ có lợi nhất cho cả hai bên.

- Lợi ích là tiền đề trong phần lớn các quan hệ dân sự, hầu hết là lợi ích về kinh tế. Nói một cách dễ hiểu hơn thì quan hệ dân sự chủ yếu là quan hệ về tài sản, do đó, yếu tố tài sản là cơ sở, là tiền đề phát sinh quan hệ dân sự.

Việc bảo đảm bằng tài sản là đặc trưng của mối quan hệ pháp luật dân sự nhằm buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ; bên có quyền thông qua các biện pháp bảo đảm để thoả mãn các quyền tài sản của mình.

- Các biện pháp cưỡng chế đa dạng, có thể do pháp luật quy định, cũng có thể các bên tự với nhau về các biện pháp cưỡng chế, hình thức áp dụng các biện pháp cưỡng chế…

Trên đây là giải đáp cho quan hệ pháp luật là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X