Chúng ta dễ dàng đưa ra ví dụ về các loại hình quảng cáo hiện nay, nhưng để trả lời chính xác câu hỏi quảng cáo là gì hay quảng cáo có phải là marketing hay không thì không dễ dàng. Vậy nên, bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin bạn cần biết về quảng cáo để có thể tìm thấy lời giải đáp cho mình.
Quảng cáo là gì?
Trước tiên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem thực chất quảng cáo là gì và tham khảo một ví dụ về quảng cáo.
Khái niệm
Khái niệm quảng cáo là gì?
Theo khoản 2 Điều 1 Luật Quảng cáo hiện hành:
Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Quảng cáo được hiểu là hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tạo ra lợi nhuận hoặc dịch vụ không lợi nhuận mà vì lợi ích xã hội … đến mọi người nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.
Quảng cáo tác động đến hành vi, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thông qua việc đưa ra những thông điệp bán hàng để thuyết phục người mua về những sản phẩm, dịch vụ mà bên bán cung cấp.
Quảng cáo cũng là một hoạt động truyền thông mà trong đó người có nhu cầu chia sẻ thông tin sẽ sử dụng các phương tiện khác nhau nhằm chuyển thông tin đến người tiếp nhận.
Ví dụ của quảng cáo
Coca-Cola đã hưởng ứng việc bảo vệ môi trường bằng một chiến dịch quảng cáo billboard ngoài trời nhằm kêu gọi mọi người có ý thức giữ gìn và quan tâm hơn đến vấn đề rác thải.
Thiết kế billboard lấy ý tưởng từ dải băng trắng của hãng, được cách điệu như hình cánh tay chỉ xuống thùng rác tái chế bên dưới. Thông điệp đi kèm “Open, taste, recycle with us” nhằm kêu gọi hành động thiết thực từ những khách hàng của thương hiệu, đó là hãy mở nắp, thưởng thức và tái chế cùng với hãng.
Coca-Cola dùng billboard để quảng cáo
Quảng cáo có phải là marketing hay không?
Nếu như marketing là nghiên cứu, thu thập dữ liệu, xác định nhu cầu của khách hàng và thỏa mãn chúng qua những sản phẩm, dịch vụ cụ thể thì quảng cáo chịu trách nhiệm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ đó nhờ các hình thức tuyên truyền khác nhau.
Marketing còn là cả một quá trình dài từ lúc sản phẩm dịch vụ mới chỉ là ý tưởng kinh doanh, rồi trải qua loạt giai đoạn như: nghiên cứu thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, giá cả; quảng cáo, phân phối, hậu mãi, quan hệ công chúng… thì mới đến được tới tay người tiêu dùng.
Quảng cáo đơn giản là hoạt động đưa thông tin được các tổ chức, doanh nghiệp triển khai trong một chiến dịch marketing đến người nhận qua các hình thức khác nhau nhằm tác động, hướng họ trở thành khách hàng của mình, đạt được mục tiêu doanh thu đề ra.
Vậy nên có thể hiểu rằng quảng cáo chỉ là một phần trong marketing, có nhiệm vụ phối hợp với những phần khác để giúp cho chiến dịch marketing đạt hiệu quả tốt chứ nó không phải là marketing.
Quảng cáo có phải marketing hay không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc
Chức năng của quảng cáo là gì?
Sau khi đã rõ quảng cáo là gì và phân biệt được quảng cáo với marketing, chúng ta cùng nhau xem qua những chức năng cơ bản hiện nay của quảng cáo.
- Khiến cho sản phẩm trở nên khác biệt với đối thủ
- Quảng cáo sẽ gây được ấn tượng mạnh và thu hút sự chú ý của khách hàng nhờ việc đưa ra những thông tin mang tính chất cải tiến, khác biệt, duy nhất.
- Đây là một chức năng vô cùng quan trọng của quảng cáo, quyết định khả năng tồn tại và phát triển của sản phẩm, dịch vụ…
- Đưa ra thông tin, chỉ dẫn sử dụng
- Chức năng này hướng đến các loại sản phẩm, dịch vụ mang đặc điểm riêng biệt cần đến sự hướng dẫn mới có thể sử dụng được như dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc, dịch vụ tại các khu du lịch…
- Những tờ giấy hướng dẫn, brochure đều là loại hình quảng cáo hay được sử dụng.
- Mở rộng kênh phân phối
- Thường thì quảng cáo tiếp cận người tiêu dùng qua các phương tiện như vô tuyến, mạng xã hội, báo đài là phổ biến nhất. Người mua sẽ tìm kiếm sản phẩm mình muốn trong quảng cáo ở những điểm bán gần nhà.
- Nếu cửa hàng đó chưa có sản phẩm người tiêu dùng cần, thì nhờ nhu cầu mua sắm từ khách mà họ sẽ nhập hàng về. Trường hợp sản phẩm có mức tiêu thụ tốt, bán được lâu dài thì cửa hàng cũng có thể đăng ký để trở thành đại lý.
- Tăng độ tin tưởng và trung thành từ khách hàng
- Những chiến dịch quảng cáo được phủ sóng với tần suất liên tục và quy mô lớn giúp cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thể tiếp cận người sử dụng một cách nhanh chóng, dễ dàng và thường xuyên;
- Nhờ vậy, người tiêu dùng thêm tin tưởng nhà cung cấp, tin vào chất lượng những sản phẩm dịch vụ được giới thiệu, sẽ dần hình thành nên thói quen chỉ mua sắm những thương hiệu mà mình thường dùng hoặc được nhiều người biết đến.
Các hình thức quảng cáo phổ biến hiện nay
Ngày nay, bạn thường bắt gặp quảng cáo dưới những hình thức phổ biến sau:
Truyền thống và hiện đại
Quảng cáo truyền thống là loại hình quảng cáo phổ biến và thông dụng nhất, thường hay bắt gặp qua báo in, đài, vô tuyến…
Quảng cáo hiện đại là loại hình quảng cáo ứng dụng kỹ thuật số. Những đoạn quảng cáo được chạy trên các nền tảng như Facebook, Tiktok, Youtube hay các bảng kỹ thuật số màn hình LED với hiệu ứng sắc nét tại các trung tâm thương mại, sự kiện lớn đều là loại hình quảng cáo hiện đại.
Trực tuyến và ngoại tuyến
Quảng cáo trực tuyến là tất cả những quảng cáo tiếp cận khách hàng thông qua internet.
Quảng cáo ngoại tuyến là quảng cáo không cần phải dùng internet mà vẫn có thể tiếp cận đến khách hàng như tờ rơi, poster, catalogue…
Thương hiệu và hiệu suất
Những hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu và độ nhận biết thương hiệu, giúp làm tăng mức tin tưởng và trung thành từ khách hàng đều thuộc về loại hình quảng cáo thương hiệu.
Quảng cáo hiệu suất lại là loại quảng cáo hướng đến kết quả đạt được doanh số bán hàng thông qua việc thực hiện những hoạt động cụ thể nhằm thuyết phục người mua sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do người bán cung cấp.
Hiển thị và tìm kiếm
Quảng cáo hiển thị là những quảng cáo được xuất hiện trên các website, mạng xã hội, ứng dụng như banner, video, hình ảnh, âm thanh…
Những hình thức quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm như Google, YouTube, Cốc Cốc được gọi là quảng cáo tìm kiếm.
Có trả phí và không trả phí
Các doanh nghiệp, tổ chức sẽ phải chi trả một khoản tiền nhất định để có thể chạy quảng cáo trên các nền tảng, được gọi là quảng cáo có trả phí.
Trái ngược với quảng cáo trả phí là quảng cáo không trả phí. Hiện nay, hầu hết những quảng cáo mà chúng ta được thấy đa phần đều là quảng cáo có trả phí.
Các quy định đáng chú ý về quảng cáo
Ngoài việc hiểu được khái niệm quảng cáo là gì, những loại hình quảng cáo phổ biến thì các tổ chức, doanh nghiệp còn cần phải chú ý đến một số những quy định trong quảng cáo như sau:
Theo Điều 7 của Luật Quảng cáo, những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong danh sách cấm quảng cáo bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
- Thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, sản phẩm hàng hóa có tính kích dục.
- Thuốc uống nằm trong danh mục khuyến cáo hạn chế dùng hoặc chỉ dùng khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Đạn, súng và những loại hàng mang tính chất bạo lực.
- Bình sữa, vú ngậm nhân tạo, các sản phẩm sữa thay sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 2 năm tuổi, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng.
Thuốc lá nằm trong danh sách cấm quảng cáo
- Những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo theo Điều 8 của Luật này bao gồm:
- Quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nằm trong danh sách cấm đã liệt kê ở trên.
- Làm tiết lộ bí mật nhà nước, gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc gia.
- Làm trái văn hóa đạo đức, truyền thống lịch sử, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cảnh quan đô thị.
- Mang tính kỳ thị, phân biệt chủng tộc, xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng.
- Ngoài ra, còn một số những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo nữa như xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân và tổ chức; nội dung cạnh tranh không lành mạnh; vi phạm về sở hữu trí tuệ…
- Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo theo Điều 18 Luật Quảng cáo được quy định như sau:
- Nội dung bằng tiếng Việt, trừ: nhãn hiệu, thương hiệu, khẩu hiệu, tên riêng là tiếng nước ngoài; từ ngữ quốc tế hóa không thể thay thế; sách báo, ấn phẩm, trang thông tin điện tử, chương trình phát thanh truyền hình được phép sử dụng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.
- Nếu dùng cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài trên một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không quá ba phần tư khổ chữ Việt, phải đặt bên dưới; khi phát trên đài, phương tiện nghe nhìn, truyền hình… phải đọc tiếng Việt trước.
- Nội dung quảng cáo phải tuân thủ các quy định tại Điều 19 như sau:
- Trung thực, rõ ràng, chính xác, không gây thiệt hại cho bên cung cấp hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cấp và bên tiếp nhận thông tin quảng cáo.
- Chấp hành nghiêm túc các quy định của chính phủ về yêu cầu với nội dung quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đặc biệt.
Kết luận
Bài viết trên đây nhằm đưa ra những thông tin cơ bản về quảng cáo là gì đến với mọi người theo cách giải thích đơn giản, dễ hiểu nhất.