hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 04/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quê quán là gì? Quy định về cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh

Mỗi người sinh ra đều có một nơi gọi là quê quán. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được quê quán là gì cũng như quy định về cách ghi quê quán trong giấy khai sinh. Hãy cùng chúng tôi đọc bài viết sau để có thêm thông tin về quê quán nhé!

Mục lục bài viết
  • Quê quán là gì?
  • Quy định về cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh
  • Cách ghi quê quán với trường hợp khai sinh thông thường
  • Cách ghi quê quán với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi
  • Cách ghi quê quán với trẻ em không xác định được cha, mẹ 

Quê quán là gì?

Quê quán là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các văn bản, giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, căn cước công dân,....

Quê quán được hiểu là nơi sinh của người cha hoặc người mẹ. Việc xác định quê quán của người con có thể là theo cha hoặc theo mẹ tùy vào tập quán của từng địa phương hoặc phụ thuộc vào thỏa thuận của cha và mẹ.

Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch của Quốc hội năm 2014 thì quê quán được xác định cụ thể như sau:

“Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”

Thông thường, phần lớn địa phương ở Việt Nam đều xác định quê quán của con theo quê quán của cha.

Quê quán là nơi sinh của cha hoặc của mẹ

Quê quán là nơi sinh của cha hoặc của mẹ

Quy định về cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh

Sau khi tìm biết được quê quán là gì qua nội dung ở trên, tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu quy định về cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh.


Cách ghi quê quán với trường hợp khai sinh thông thường

Giấy khai sinh được xem là giấy tờ gốc đầu tiên của mỗi cá nhân. Giấy khai sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi họ được đăng ký giấy khai sinh với những thông tin cơ bản của cá nhân đó như họ tên, giới tính, ngày sinh, quê quán …..

Vì thế, các loại giấy tờ liên quan đến thân nhân phải có nội dung thông tin mục quê quán thống nhất với thông tin quê quán trong Giấy khai sinh.

Cách ghi quê quán trong Giấy khai sinh được quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật hộ tịch năm 2014 và điểm d Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, khi đi đăng ký giấy khai sinh, người đi làm thủ tục tự kê khai thông tin quê quán của người được đăng ký giấy khai sinh trong tờ khai đăng ký khai sinh trên cơ sở nội dung thông tin về quê quán của người cha, người mẹ, sự thỏa thuận của cha và mẹ hoặc theo tập quán của từng địa phương.

Đối với các trường hợp đặc biệt như đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi hoặc chưa xác định được cha và mẹ thì việc xác định quê quán của người được đăng ký giấy khai sinh có những điểm khác biệt so với đăng ký giấy khai sinh thông thường.


Cách ghi quê quán với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi

Với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì cơ quan có chức năng sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định như lập bản sự việc - niêm yết công khai thông tin trẻ em bị bỏ rơi.

Nếu sau đó, vẫn không thể xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ thì với trường hợp này việc xác định quê quán được quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Căn cứ quy định đó thì khi đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, nơi sinh được xác định là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi và mục quê quán được xác định theo nơi sinh của trẻ tức là nơi phát hiện ra trẻ.

Như vậy, với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì việc ghi quê quán trên giấy đăng ký khai sinh được xác định theo nơi sinh - nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi.


Cách ghi quê quán với trẻ em không xác định được cha, mẹ 

Đối với trẻ em không không xác định được người cha hoặc người mẹ thì khi đăng ký giấy khai sinh, phần ghi mục quê quán được thực hiện như sau:

- Với trường hợp không xác định được cha của đứa trẻ được đăng ký khai sinh thì phần quê quán của trẻ trên Giấy khai sinh được ghi theo quê quán của người mẹ.

- Với trường hợp không xác định được người mẹ sinh ra đứa trẻ mà người cha đẻ của bé làm thủ tục nhận con và tiến hành thủ tục bổ sung hộ tịch. Với trường hợp này, khi đăng ký giấy khai sinh, mục quê quán của đứa trẻ được ghi theo quê quán của người cha.

Như vậy, tùy trường hợp khác nhau mà việc ghi quê quán trong Giấy khai sinh sẽ khác nhau.Tuy nhiên, việc ghi quê quán đều dựa trên nguyên tắc cơ bản là quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quê quán của người cha hoặc người mẹ, theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán của địa phương.

Cách ghi quê quán trên giấy khai sinh khác nhau tùy từng trường hợp

Giải đáp một số thắc mắc về quê quán 

Những vấn đề về quê quán được nhiều người quan tâm và thắc mắc. Sau đây những thắc mắc đó sẽ được giải đáp.

Có thể đăng ký thay đổi quê quán không? 

Quê quán được hiểu là nơi sinh ra và lớn lên của người cha hoặc người mẹ. Đây là nơi mà ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng cùng sinh sống và gắn bó tình cảm.

Quê quán là thông tin bắt buộc phải ghi rõ khi đăng ký kê khai các giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân như: Giấy khai sinh, căn cước công dân,...Đây là cách làm mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm nhắc nhở mỗi người nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về nguồn cội dân tộc.

Hiện nay việc thay đổi quê quán vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể.

Quê quán của con có phải là nơi sinh của cha?

Nơi sinh là nơi mà mỗi cá nhân được sinh ra. Nơi sinh và quê quán là hai mục khác nhau được thể hiện trên Giấy khai sinh.

Quê quán của con có thể xác định theo quê quán của cha, mẹ, theo thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập tục địa phương và có thể giống với nơi sinh của cha trên thực tế.

Ví dụ: Quê quán của cha trên giấy khai sinh ghi “Hồ Chí Minh”, và nơi sinh của cha trên giấy khai sinh là Bệnh viện Từ Dũ. Quê quán của mẹ trên Giấy khai sinh ghi “Nghệ An”. Cha mẹ chung sống với nhau tại Hồ Chí Minh và em bé được sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ. Khi đăng ký giấy khai sinh, cha mẹ thỏa thuận quê quán con theo quê quán của cha nên mục quê quán của con được ghi là Hồ Chí Minh và nơi sinh cũng được ghi theo địa chỉ cơ sở y tế tại Hồ Chí Minh là bệnh viện Từ Dũ.

Trường hợp không ghi quê quán giấy khai sinh thì làm sao?

Giấy khai sinh là giấy tờ gốc thể hiện thông tin quê quán. Đây là thông tin cần thiết và bắt buộc cần phải có để làm cơ sở hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về hộ tịch, dân cư, cư trú được đầy đủ.

Đối với trường hợp không ghi thông tin quê quán trên giấy khai sinh thì các giấy tờ hộ tịch và giấy tờ tùy thân sẽ thiếu thông tin quê quán tức là thông tin hộ tịch.

Các bạn có thể bổ sung thông tin hộ tịch căn cứ theo các quy định tại Điều 27 và Điều 29 Luật hộ tịch năm 2014:

“Điều 27. Thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

Điều 29. Thủ tục bổ sung hộ tịch

1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.”

Qua bài viết trên, các bạn đã được giải đáp quê quán là gì cũng nhu biết được quy định về cách ghi quê quán trên Giấy khai sinh. Hy vọng những thông tin về quê quán được chia sẻ ở trên có ích với bạn.

Có thể bạn quan tâm

X