Quyền nhân thân là một trong những khái niệm không còn xa lạ cũng như gắn liền với quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người. Vậy quyền nhân thân là gì? Gồm những quyền nào?
Quyền nhân thân là gì?
Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đây là định nghĩa được nêu tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, quyền này là quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể để người khác thực hiện thay được trừ trường hợp:
- Xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Phải có người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý.
- Xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết: Phải có sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó. Nếu không có những người này thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ của người này.
Đặc biệt, theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Dân sự 2015 thì, nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân gồm:
Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản
Như vậy, căn cứ các quy định trên, có thể thấy, quyền nhân thân là quyền gắn với mỗi con người và có các đặc điểm sau:
- Mỗi cá nhân có quyền tài sản và quyền nhân thân.
- Quyền nhân thân của cá nhân không thể mua bán, chuyển nhượng cho bất cứ ai. Không ai có thể thực hiện thay các quyền nhân thân của người khác…
Quyền nhân thân là gì? Bao gồm những quyền nào? (Ảnh minh họa)
Quyền nhân thân gồm những quyền nào?
Cũng tại Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền nhân thân của mỗi cá nhân gồm các quyền sau đây:
- Quyền có họ, tên và quyền thay đổi họ, thay đổi tên: Mỗi cá nhân đều có quyền có họ, tên gồm cả chữ đệm. Trong đó, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, ký tự mà không phải là chữ. Và tùy từng trường hợp, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên.
- Quyền xác định, xác định lại dân tộc: Khi sinh ra, cá nhân được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi dân tộc khi con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ hoặc khi cha mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau.
- Quyền được khai sinh, khai tử: Cá nhân từ khi sinh ra thì có quyền được khai sinh và nếu chết thì phải được khai tử.
- Quyền đối với quốc tịch: Cá nhân có quyền về quốc tịch. Riêng người không có quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng được bảo đảm theo luật.
- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó trừ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng.... Đặc biệt, nếu sử dụng vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người đó trừ phi có thỏa thuận khác.
- Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể: Không ai bị tước đoạt tính mạng một cách trái luật. Khi muốn khám nghiệm tử thi thì phải được người đó đồng ý trước khi chết hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên… của người đó đồng ý…
- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Người nào xâm phạm quyền nhân thân này của người khác thì phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại nếu có yêu cầu.
- Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: Cá nhân có quyền này vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Đồng thời, một người cũng có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể người khác để chữa bệnh cho mình…
- Quyền xác định lại giới tính: Khi giới tính một người bị khuyết tật vì bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác thì có quyền xác định lại giới tính.
- Quyền chuyển đổi giới tính: Người nào chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã thay đổi của mình.
- Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…
- Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình gồm: Quyền kết hôn; ly hôn; quyền bình đẳng của vợ chồng; quyền xác định cha, mẹ, con; quyền được nhận làm con nuôi; quyền nuôi con nuôi…
Trên đây là giải đáp về quyền nhân thân là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.