Tài nguyên thiên nhiên là gì? Hành lang pháp lý quy định về việc bảo vệ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên gồm những văn bản nào? Có mấy loại tài nguyên thiên nhiên… Đây có thể coi là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của rất nhiều người về tài nguyên thiên nhiên không chỉ ở nước ta mà còn là tài nguyên thiên nhiên nói chung.
1. Tài nguyên thiên nhiên là gì?
1.1 Tài nguyên thiên nhiên là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa định nghĩa tài nguyên thiên nhiên là gì, thay vào đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về một số loại tài nguyên thiên nhiên điển hình. Đồng thời, quy định về các mức xử phạt tương ứng cho từng hành vi xâm phạm đến tài nguyên thiên nhiên.
Thông thường, tài nguyên thiên nhiên được hiểu là tập hợp những của cải vật chất có sẵn trong tự nhiên (có thể là những tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình) mà con người có thể sử dụng, khai thác, chế biến nhằm phục vụ cho nhu cầu, cuộc sống của con người. Ví dụ như đất, khoáng sản (than đá, dầu mỏ, kim cương, vàng,...), nước, cây cối, động thực vật quý hiếm…
Theo đó, tài nguyên thiên nhiên sẽ không bao gồm: Các sản phẩm được tái chế, rác thải từ sinh hoạt/các ngành công nghiệp/nông nghiệp, các sản phẩm từ ngành công nghiệp sản xuất nói chung (quần áo, giày dép, sản phẩm chế biến từ nhựa...), sản phẩm từ nông nghiệp (cá, tôm, cua…được nuôi trồng, gạo, ngô, khoai, sắn…) hoặc các sản phẩm là kết quả của ngành thời trang.
Cũng có nhận định khác rằng, tài nguyên thiên nhiên là những giá trị hữu ích của môi trường tự nhiên nhằm thỏa mãn, phục vụ nhu cầu thiết thực của con người và tham gia mật thiết, trực tiếp vào đời sống, quá trình phát triển kinh tế của nhân loại.
=> Dù là được hiểu theo cách nào thì cũng có thể thấy, tài nguyên thiên nhiên là những thứ mà con người có thể nhìn thấy, sờ được, cảm nhận được, chạm vào được, khai thác được… và là những thứ có giá trị hữu ích cho đời sống con người.
1.2 Tài nguyên thiên nhiên có thuộc tính gì?
Từ cách hiểu tài nguyên thiên nhiên là gì, có thể thấy một số thuộc tính cơ bản của tài nguyên thiên nhiên như sau:
+ Là những vật chất hữu hình có sẵn trong tự nhiên, được hình thành qua quá trình tích tụ trong thời gian rất lâu của môi trường tự nhiên;
+ Những của cải vật chất này không được tái chế lại;
+ Một số tài nguyên không là vô hạn. Một số tài nguyên thiên nhiên này chỉ có trữ lượng nhất định trên Trái Đất và sẽ cạn kiệt tại một thời điểm trong tương lai;
+ Tài nguyên thiên nhiên không phải là sản phẩm do con người tạo ra mà nó là sản phẩm của môi trường tự nhiên;
+ Trữ lượng tài nguyên và việc phân bố của tài nguyên là không đồng đều trên bề mặt Trái Đất;
+ Hầu hết các tài nguyên thiên nhiên tồn tại được căn cứ vào sự biến động của tự nhiên;
Trên đây là những thuộc tính cơ bản nhất của tài nguyên thiên nhiên.
1.3 Phân loại tài nguyên thiên nhiên theo tiêu chí nào?
Việc phân loại tài nguyên thiên nhiên có thể được thực hiện thông qua một vài căn cứ như khả năng tái tạo, nguồn gốc/đặc tính của tài nguyên thiên nhiên,...
Cụ thể, một số cách phân loại tài nguyên thiên nhiên như sau:
Căn cứ phân loại | Loại tài nguyên thiên nhiên |
Khả năng tái tạo | - Tài nguyên thiên nhiên tái tạo được: Là những tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh/tái tạo lại được. Ví dụ như nước mưa, nước ngọt,... - Tài nguyên thiên nhiên không tái tạo: Là những loại tài nguyên thiên nhiên không phải là vô hạn, nó chỉ có trữ lượng nhất định như khoáng sản (kim cương, than đá, mỏ quặng, vàng…); - Tài nguyên vĩnh cửu: Đây là loại tài nguyên thiên nhiên có thể coi là vô hạn, không cạn kiệt được, là những nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Tài nguyên này được sinh ra dựa trên các phản ứng lý hóa giữa thiên nhiên hoặc nguồn năng lượng từ vũ trụ tác động tới Trái Đất. Ví dụ: Thủy triều, năng lượng từ mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ sóng biển... |
Khả năng phục hồi | - Tài nguyên thiên nhiên có thể phục hồi được: Ví dụ như các sản phẩm là thực vật (cây cối, nấm, đất, nước…). Đây là những tài nguyên mà có thể bị cạn kiệt khi khai thác quá mức nhưng nếu có cách sử dụng, khai thác hợp lý thì vẫn có thể phục hồi được phần nào giá trị sử dụng của nó; - Tài nguyên thiên nhiên không thể phục hồi được: Là những tài nguyên thiên nhiên khi khai thác cạn kiệt không thể phục hồi được giá trị của nó, ví dụ như vàng, kim cương, động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng… |
Hình thức tồn tại | - Tài nguyên nước: Tồn tại dưới thể lỏng, không hình dạng cố định, không màu (Pháp luật Việt Nam quy định về tài nguyên nước cụ thể trong Luật Tài nguyên nước 2012); - Tài nguyên đất: Tồn tại dưới thể rắn, không có hình dạng nhất định. Tùy theo mục đích mà tài nguyên đất có thể là đất nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ, đất nuôi trồng thủy sản,... (Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể tại Luật Đất đai 2013); - Tài nguyên rừng: Bao gồm những vật chất tồn tại trong một diện tích rừng cụ thể, ví dụ như thực vật, nước, động vật, địa điểm du lịch,... (Pháp luật Việt Nam quy định về tài nguyên rừng trong Luật Lâm nghiệp 2017); - Tài nguyên khoáng sản: Là những loại tài nguyên tồn tại dưới dạng hữu hình như than đá, quặng vôi, quặng gang,... (Pháp luật Việt Nam quy định về tài nguyên khoáng sản cụ thể tại Luật Khoáng sản 2010); - Tài nguyên gió: Là tài nguyên tồn tại dưới dạng vô hình như sức gió,...; - Tài nguyên biển: Là những tài nguyên được sinh ra từ biển hoặc có sẵn từ biển, ví dụ như nước, hải sản, thủy triều, sóng,... (Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về tài nguyên biển tại Luật Biển Việt Nam 2012). |
Cách thức hình thành | - Tài nguyên sinh học: Là những tài nguyên sống, tồn tại dưới hình thể nhất định trong môi trường. Ví dụ như các loài động vật hoang dã, tài nguyên rừng, hóa thạch, trầm tích,...; - Tài nguyên phi sinh học: Đây là những tài nguyên tồn tại trong môi trường không có sự sống, là sản phẩm của tự nhiên. Ví dụ như kim loại, đá quý, nước, khoáng sản… hoặc khí hiếm, vật liệu có tính phóng xạ,... |
Một số cách phân loại tài nguyên thiên nhiên như chúng tôi đã phân tích ở trên, tùy thuộc từng cách phân loại mà tài nguyên thiên nhiên có thể bao gồm nhiều loại khác biệt.
2. Tài nguyên thiên nhiên có vai trò gì?
Từ các hiểu tài nguyên thiên nhiên là gì, có thể thấy tài nguyên thiên nhiên là phần không thể thiếu trong đời sống của con người, cũng là nhân tố đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự sinh tồn của con người trên Trái Đất.
Một số vai trò nổi bật, đáng chú ý nhất của tài nguyên thiên nhiên đối với đời sống con người là:
Thứ nhất, là nguyên liệu cho sản xuất: Hầu hết các tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là các tài nguyên khoáng sản) đều là nguyên liệu cho ngành nông nghiệp, công nghiệp,... Ví dụ như gang, sắt, than, dầu mỏ…là nguyên liệu tạo ra các sản phẩm như xăng, dầu, khí đốt, vật liệu xây dựng…;
Thứ hai, là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế: Sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên là căn cứ để một quốc gia, vùng lãnh thổ ít bị phụ thuộc kinh tế vào quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng là căn cứ để quốc gia, vùng lãnh thổ có thể sản xuất các sản phẩm xuất khẩu hoặc xuất khẩu thô, từ đó có thể phát triển kinh tế nội tại của mình;
Thứ ba, tạo cân bằng cho sự sống: Con người và thiên nhiên không thể sống đơn độc trong môi trường sống mà phải có sự dung hòa, cân đối, có sự bổ trợ cho nhau. Nếu con người khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có mà không thể tái tạo lại được thì có nguy cơ sẽ mất cân bằng sinh thái và dẫn đến diệt vong.
Ngược lại, nếu chỉ có sự tồn tại của nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không có sự hoạch định, định hướng, can thiệp của con người thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể không được sử dụng đúng cách, mang lại giá trị hiệu quả cao;
Thứ tư, là căn cứ để quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển ổn định: Lãnh thổ, vùng quốc gia dùng tài nguyên thiên nhiên của mình để tích lũy vốn, tích lũy nguyên liệu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là căn cứ để quốc gia, vùng lãnh thổ có thể thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà cho những mục tiêu, ngành nghề có tiềm năng phát triển. Từ đó, tạo sự ổn định trong quá trình phát triển của đất nước.
3. Pháp luật quy định phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thế nào?
Sau khi đã tìm hiểu tài nguyên thiên nhiên là gì, vai trò của tài nguyên thiên nhiên, chắc hẳn nhiều người đã nhận ra, cần phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi con người. Việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải là trách nhiệm của riêng mỗi cá nhân mà nó là trách nhiệm của toàn thể nhân loại, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của từng cơ quan quản lý.
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng, pháp luật quốc tế nói chung đã có hành lang pháp lý để bảo vệ nguồn tài nguyên khá rõ ràng và cụ thể. Một số những văn bản pháp lý có thể liệt kê như sau:
Pháp luật quốc tế | Pháp luật Việt Nam |
- Hiến chương Thế giới về Tự nhiên (NRC); - Hiệp ước khí hậu Glasgow (ký kết vào năm 2021); - Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris (ký kết vào năm 2016); - Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982; - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES - tên đầy đủ là Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora) (Công ước được ký kết vào năm 1973); - Công ước chung về An toàn Quản lý Nhiên liệu đã qua sử dụng và về An toàn Quản lý Chất thải phóng xạ (Joint Convention on the Safety of Spent Fuel Management and on the Safety of Radioactive Waste Management) (Công ước được ký kết vào năm 1997, có hiệu lực vào năm 2001 và là một hiệp ước của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)); … | - Hiến pháp 2013; - Các Hiệp ước, Hiệp định (song phương, đa phương) của Việt Nam trong việc bảo vệ tài nguyên/chống biến đổi khí hậu: Ví dụ Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact) (hay còn gọi là Cop26),...; - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES): Việt nam tham gia công ước này vào năm 1994; - Bộ luật Dân sự 2015; - Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; - Luật Đất đai 2013; - Luật Bảo vệ tài nguyên nước 2012; - Luật Khoáng sản 2010; - Luật Thủy sản 2017; - Luật Lâm nghiệp 2017; - Luật Bảo vệ môi trường 2020; - Luật Biển Việt Nam 2012; - Luật Năng lượng nguyên tử 2008; - Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010; - Luật Đa dạng sinh học 2008; - Các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực; … |
Trên đây là một số những văn bản điển hình trong quá trình sử dụng, khai thác, tái tạo…nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được các bên tham gia ký kết, ban hành, thực hiện nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như tạo ra các giá trị hữu ích, bền vững cho đời sống con người.
4. Tại sao phải sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên?
Sau khi hiểu rõ tài nguyên thiên là gì, vai trò của tài nguyên thiên trong đời sống, hành lang pháp lý về việc sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên…thì chắc hẳn sẽ có rất nhiều người đã hình dung ra đáp án cho câu hỏi tại sao phải sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Trước hết, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên không phải là sử dụng, khai thác với khối lượng/số lượng..ít hoặc không khai thác mà là sử dụng, quản lý, khai thác có hiệu quả và mang lại giá trị cho con người cũng như tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cụ thể, về việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên như sau:
+ Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất: Sử dụng đất sao cho đất không bị thoái hóa, xói mòn,...nâng độ phì nhiêu cho đất;
+ Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng: Thảm thực vật, động vật, hệ sinh thái rừng…cung cấp cho con người nguồn oxy để thở, thực phẩm ăn,... Việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng giúp con người có nguồn không khí sạch để sinh sống, động/thực vật để sinh sống, tồn tại, có nơi nghỉ dưỡng để tạo ra thu nhập…;
+ Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước: Tài nguyên nước có thể tạo ra điện, sử dụng trong tưới tiêu nông nghiệp,...Sử dụng hợp lý sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển cũng như cung cấp điện cho con người sử dụng. Ngoài ra, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước giúp con người có trữ lượng nước ngọt đủ để sử dụng/sinh tồn;
+ Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo (than đá, dầu mỏ…): Là việc sử dụng đúng mục đích, đủ trữ lượng, tận dụng các giá trị hữu ích có thể khai thác và có kế hoạch cụ thể cho việc khai thác. Ngoài ra, từ việc đánh giá nguồn trữ lượng nguồn tài nguyên không tái tạo, con người có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào loại năng lượng này để giảm thiểu khả năng ô nhiễm môi trường, giữ lại cho đời sau;
….
Từ đó, những lý do phải sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên làm tăng hiệu quả/năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế
Quốc gia, vùng lãnh thổ có quy trình, kế hoạch sử dụng, khai thác, tái tạo hợp lý tài nguyên sẽ sẽ giúp các ngành kinh tế có nguyên liệu để sử dụng, giảm giá thành/chủ động trong quá trình sản xuất. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng.
Thứ hai, sử dụng hợp lý tài nguyên là căn cứ để con người giảm thiểu các hậu quả bất lợi từ thiên nhiên
Nếu con người khai thác, sử dụng cạn kiệt toàn bộ nguồn tài nguyên có trên Trái Đất thì hậu quả để lại là không có tài nguyên cho ngành sản xuất, không có sản phẩm cho đời sống, khí hậu biến đổi thất thường, thiên tai, nước biển dâng, băng tan ở hai cực, hủy diệt các loài động, thực vật… Lúc này, con người không còn thực phẩm để sống, không có nơi để ở, không có các phương tiện, công cụ để làm việc. Hệ quả xấu nhất có thể là diệt vong.
Thứ ba, nguồn tài nguyên thiên nhiên giúp con người tồn tại
Thực vật, động vật,...là những nguồn thực phẩm giúp con người tồn tại. Thiếu đi những loài động, thực vật cho đời sống mà không thể tái tạo được thì con người không thể sống khỏe mạnh.
Đây là một vài lý do cho việc phải sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
5. Những mối đe dọa đến nguồn tài nguyên thiên nhiên là gì?
Rất nhiều những tác nhân đang đe dọa đến trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hiện nay, cụ thể như sau:
- Từ con người:
+ Gia tăng dân số quá mức: Dân số đông tạo áp lực lớn lên hệ thống đất đai, không khí, nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu khoáng sản/hóa thạch càng tăng,... => Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên bị giảm;
+ Việc khai thác tài nguyên không có kế hoạch của con người: Chính việc khai thác không có kế hoạch hợp lý đã dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, mất cân bằng sinh thái trầm trọng, từ đó hàng loạt hệ quả bất lợi về khí hậu thiên nhiên,...đang diễn ra;
+ Tình trạng ô nhiễm môi trường: Rác thải trong quá trình sinh sống, phát triển của con người cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các nguồn tài nguyên không còn tồn tại hoặc tồn tại nhưng không mang lại giá trị. Ví dụ như rác thải làm ô nhiễm nguồn nước ngầm (nguồn nước dự trữ cho đời sống của con người), làm biến đổi các hợp chất có trong đất, làm ô nhiễm không khí, tăng nguy cơ gây ra biến đổi các chất có trong không khí,...;
+ Hậu quả bất lợi từ việc phát triển kinh tế nhanh nhưng không bền vững: Trong nhiều cuộc cách mạng công nghiệp của con người (cách mạng công nghiệp 1, 2,..) đều sử dụng quá mức nguồn tài nguyên khoáng sản/tài nguyên hóa thạch mà không có biện pháp tái tạo hoặc tận dụng hợp lý dẫn đến các chất thải từ quá trình phát triển làm biến đổi về tính chất, hình dạng/biến mất nguồn tài nguyên khác (khai thác rừng quá giới hạn làm các loài động vật quý hiếm bị tuyệt chủng…) hoặc làm cạn kiệt chính tài nguyên đó;
- Từ nguyên nhân khác:
+ Do cấu tạo của vỏ Trái Đất, nội tại của lòng đất hoặc sự biến đổi từ vũ trụ;
+ Do hệ quả từ thiên nhiên làm thay đổi cấu thành của tài nguyên khác: Ví dụ gió, bão, thủy triều,...làm gia tăng diện tích ngập mặt, giảm diện tích đất liền,..;
Kết luận: Tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sống, tồn tại và phát triển của con người. Do đó, với mỗi tác nhân làm biến động, thay đổi, biến mất, biến chất,...nguồn tài nguyên thiên nhiên là một tác nhân gây tác động trực tiếp đến chính sự tồn tại của con người.
Trên đây là giải đáp về tài nguyên thiên nhiên là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.