hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 06/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tạm đình chỉ điều tra là gì? Áp dụng trong trường hợp nào?

Bài viết sau sẽ giải thích tạm đình chỉ điều tra là gì và được áp dụng như thế nào dựa trên các quy định pháp luật.

Mục lục bài viết
  • Tạm đình chỉ điều tra là gì?
  • Hướng dẫn về tạm đình chỉ điều tra
  • Ý nghĩa của việc tạm đình chỉ điều tra


Tạm đình chỉ điều tra là gì?

Trong tố tụng hình sự, tạm đình chỉ điều tra là việc tạm ngừng việc điều tra đối với vụ án hoặc đối với từng bị can trong một khoảng thời gian nhất định.  Khi tạm dừng các hoạt động điều tra, cơ quan điều tra sẽ chưa đưa ra những kết luận cuối cùng về kết quả điều tra, cũng như chưa khẳng định về việc tiếp tục điều tra hay không.

Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định cụ thể về các trường hợp tạm đình chỉ điều tra như sau:

1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;

b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;

c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.

tam dinh chi dieu tra la gi
Tạm đình chỉ điều tra là gì? (Ảnh minh họa)

 

Hướng dẫn về tạm đình chỉ điều tra

Theo Điều 32 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP, khi có căn cứ tạm đình chỉ điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để rà soát chứng cứ, tài liệu bảo đảm việc tạm đình chỉ điều tra có căn cứ, đúng quy định.

Trước khi ra quyết định về tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải xử lý các vấn đề liên quan (nếu có) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác có liên quan.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải mở sổ theo dõi và quản lý các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Điều tra viên, Kiểm sát viên phải thường xuyên rà soát để thống nhất các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra.

Nếu thấy không còn lý do tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra phải phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can.

Trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc do thay đổi quy định của pháp luật nên hành vi phạm tội không bị coi là tội phạm nữa, Cơ quan điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 

Ý nghĩa của việc tạm đình chỉ điều tra

Ý nghĩa của quy định về tạm đình chỉ điều tra nhằm hạn chế khả năng kéo dài thời hạn điều tra khi không cần thiết và thời khắc phục việc lạm dụng thời hạn điều tra.

Việc tạm đình chỉ điều tra giúp khắc phục hiện tượng quá tải, tồn động án ở khâu điều tra khi có những yếu tố bất khả kháng, đồng thời giảm bớt nhu cầu sử dụng lực lượng điều tra và giảm tối đa những chi phí không cần thiết cho hoạt động tố tụng này.

Bên cạnh đó, đây còn là một giải pháp có ý nghĩa trong việc đề phòng những oan sai có thể xảy ra trong thực tiễn điều tra.

Trên đây là giải thích về tạm đình chỉ điều tra là gì? Nếu có thắc mắc nào khác, bạn đọc để lại câu hỏi để được giải đáp.

>> Tạm giam là gì? Trường hợp nào được và không được tạm giam?

Có thể bạn quan tâm

X