hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 03/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tạm giữ là gì? Thời hạn tạm giữ tối đa là bao nhiêu ngày?

Bài viết sau sẽ giải thích tạm giữ là gì, đồng thời cung cấp các thông tin, quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Mục lục bài viết
  • Tạm giữ là gì?
  • Quyết định tạm giữ gồm những nội dung gì?
  • Thời hạn tạm giữ là bao lâu?
  • Người bị tạm giữ có quyền, nghĩa vụ gì?

Tạm giữ là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tạm giữ là biện pháp ngăn chặn áp dụng với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã.

Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 117 bao gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

tam giu la gi
Tạm giữ là gì? (Ảnh minh họa)

Quyết định tạm giữ gồm những nội dung gì?

Theo khoản 3 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định tạm giữ phải ghi rõ:

- Họ tên và địa chỉ của người bị tạm giữ;

- Lý do tạm giữ;

- Ngày, giờ bắt đầu và ngày, giờ hết thời hạn tạm giữ;

- Các nội dung về: Số quyết định;  ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành quyết định;

- Căn cứ để ban hành quyết định;

- Họ tên, chức vụ và chữ ký của người ban hành quyết định, đóng dấu.

Trong 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định phải gửi quyết định này kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải được giao cho người bị tạm giữ. Trong đó, người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ là bao lâu?

Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Như vậy, thời hạn tạm giữ là không quá 03 ngày, có thể gia hạn thêm tối đa 02 lần, mỗi lần gia hạn không quá 03 ngày.

Người bị tạm giữ có quyền, nghĩa vụ gì?

Theo khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Trong đó, quyền của người bị tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 59 như sau:

- Được biết lý do bị tạm giữ;

- Nhận các quyết định: tạm giữ, gia hạn tạm giữ, phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác;

- Được thông báo và giải thích về quyền, nghĩa vụ của mình;

- Được trình bày lời khai, ý kiến và không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận có tội;

- Được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật và yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu liên quan và có thể yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Khiếu nại quyết định hoặc hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng về việc tạm giữ.

Về nghĩa vụ của người bị tạm giữ, theo khoản 3 Điều 59, người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Trên đây là giải thích về tạm giữ là gì và các quy định của pháp luật liên quan đến tạm giữ. Nếu cần tìm hiểu về lĩnh vực hình sự, bạn đọc có thể để lại câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.

>> Án treo là gì? Điều kiện được hưởng án treo như thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X