hieuluat
Chia sẻ email

Tảo hôn là gì? Tảo hôn bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

Tảo hôn là một phong tục hôn nhân lạc hậu vẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy tảo hôn là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này? Hãy cùng chúng tôi làm rõ những vấn đề xung quanh vấn nạn này và những ảnh hưởng xấu mà nó mang lại cho xã hội.

Tảo hôn là gì? Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn

Tảo hôn là gì?

Khoản 8 điều 3 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 điều 8 của Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và của nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên. Kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định chính là tảo hôn.

Tảo hôn là gì?
Tảo hôn là gì? (Nguồn: internet)

Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn

  • Do nhu cầu lao động trong gia đình: Do nguồn thu nhập chủ yếu của người dân tộc thiểu số là từ sản xuất nông, lâm nghiệp rất bấp bênh nên có rất nhiều thanh, thiếu niên sớm tham gia lao động cùng cha mẹ để đảm bảo cuộc sống.

Vấn đề này trở nên tiêu cực hơn khi cha mẹ thúc đẩy việc tảo hôn cho con do suy nghĩ kết hôn để có thêm nhân lực tham gia lao động, làm việc nhà, hỗ trợ kinh tế cho gia đình.

Một số trường hợp thanh thiếu niên bỏ học do suy nghĩ học tiếp cũng không xin được việc làm chịu tác động của hoàn cảnh tự nhiên, gia đình. Kết hôn sớm là giải pháp tài chính tốt nhất, đặc biệt là với các trẻ em gái.

  • Do ảnh hưởng của phong tục tập quán: Mặc dù ngày nay không còn hiện tượng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng cha mẹ vẫn có ảnh hưởng lớn đến hôn nhân của con cái. Tại một số nơi vẫn tồn tại những hủ tục như hứa hôn hoặc những quan niệm mang tính duy tâm khiến nhiều cha mẹ đã “dựng vợ gả chồng” cho con em mình khi chưa đến tuổi.

  • Do vấn đề về giáo dục: Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường nhưng không đi học vẫn còn rất cao. Trình độ học vấn thấp kết hợp với nhiều phong tục tập quán và các yếu tố khác làm gia tăng tình trạng tảo hôn.

  • Do mang thai ở tuổi vị thành niên: Đa số các thanh thiếu niên dân tộc thiểu số không có nhiều cơ hội được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản và tình dục, các biện pháp tránh thai.

Trong khi đó, độ tuổi dậy thì của trẻ em ngày càng sớm. Ở lứa tuổi này, thanh thiếu niên có nhiều biến đổi về tâm sinh lý và xuất hiện nhu cầu tình dục với người khác giới. Sự cởi mở trong cách nghĩ, cách làm, cho rằng việc yêu đương, chung sống như vợ chồng khi chưa kết hôn là bình thường... đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm. Lúc này, tảo hôn được xem là giải pháp “bảo vệ danh dự” của người con gái và gia đình khỏi kỳ thị và chê bai của xã hội.

  • Chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa được thực thi đầy đủ hoặc không phát huy hiệu quả: Mặc dù mức xử phạt thấp song đa số trường hợp vi phạm là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt, chính quyền cấp xã còn lúng túng, không có biện pháp cưỡng chế trong xử lý các vi phạm.

  • Do ảnh hưởng của mạng xã hội: Nhiều phụ huynh không giám sát và nắm bắt đầy đủ thông tin về những nguy cơ của mạng xã hội, để cho con em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau trên mạng xã hội làm nảy sinh những tình cảm khác giới.

  • Công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, nhiều người dân tại các vùng sâu vùng xa không viết chữ và tiếng phổ thông, trình độ dân trí thấp, chưa hiểu rõ hậu quả của tảo hôn, thiếu kinh phí triển khai,.. khiến cho hiệu quả tuyên truyền vận động còn thấp.

Những hệ lụy của việc tảo hôn

Khi hiểu về khái niệm tảo hôn là gì, chúng ta đều hiểu rằng tảo hôn không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người tảo hôn mà còn mang đến những hậu quả đáng tiếc cho cả gia đình và xã hội.

Đối với bản thân người tảo hôn

Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh con khi đang ở trong thời kỳ phát triển, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm lẫn tinh thần sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mẹ. Không những vậy, tỷ lệ trẻ con có mẹ dưới 18 tuổi bị thiếu cân hoặc chết non cũng cao hơn những đứa trẻ khác rất nhiều.

Những gia đình tảo hôn thường có điều kiện sống rất khó khăn. Sự thiếu hiểu biết trong việc nuôi dạy con cái và chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, bổn phận của người làm cha mẹ thường khiến cho những cặp vợ chồng tảo hôn bị khủng hoảng, dẫn đến xung đột và mâu thuẫn trong hôn nhân.

Trẻ em kết hôn sớm thường sẽ mất đi cơ hội được học hành, cản trở họ được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, không được phát triển tối đa về nhân cách, tài năng, trí tuệ,..

Hệ lụy của tảo hôn

Hệ lụy của tảo hôn (nguồn: internet)

Đối với gia đình và xã hội

Đời sống của những gia đình tảo hôn thường nghèo khó, túng thiếu bới các cặp vợ chồng trẻ chưa có khả năng kinh tế vững vàng, khả năng kiếm sống và đóng góp kinh tế yếu kém

Tảo hôn tạo thêm gánh nặng về mọi mặt cho xã hội, dân số tăng nhưng chất lượng nguồn nhân lực giảm (do tăng tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, trí tuệ, người khuyết tật) là lực cản to lớn đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt như thế nào?

Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về các biện pháp xử phạt hành chính và hình sự đối với tảo hôn như sau:

Xử phạt hành chính 

Mức phạt từ 1,000,000 đến 3,000,000 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức lấy vợ lấy chồng cho người chưa đủ tuổi.

Mức phạt từ 3,000,000 đến 5,000,000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật.

Xử phạt hình sự

Theo Điều 83 bộ luật Hình sự 2015: Người tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đến tuổi kết hôn đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm thì bị phạt tiền từ 10,000,000 đồng đến 30,000,000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Thực trạng tảo hôn ở Việt Nam hiện nay

Ủy ban Dân tộc và Tổng cục thống kê nước ta đã tiến hành điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS 2 lần: Lần 1 vào năm 2014 với tỷ lệ 26,6% người DTTS tảo hôn và lần thứ 2 vào năm 2019 với tỷ lệ là 21,9%, giảm 4,7% sơ với năm 2014

Tại Tây Nguyên nơi tập trung nhiều người DDTS sinh sống có tới 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi; Tỷ lệ này là 24,6% ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% và 7,8% tại vùng Đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%)

Thực trạng tảo hôn hiện nay

Thực trạng tảo hôn hiện nay (nguồn: internet)

17,5 và 15,8 lần lượt là tuổi kết hôn trung bình đối với nam và nữ của người DTTS tảo hôn năm 2018. Như vậy, trung bình nam giới kết hôn sớm hơn 2,5 tuổi và nữ giới kết hôn sớm hơn 2,2 tuổi so với quy định của pháp luật.

Tỷ lệ nữ giới tảo hôn cao hơn tỷ lệ nam giới tảo hôn (23,5% và 20,1%). 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: Mông, Cờ Lao , Mảng , Xinh Mun, Mạ.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Tảo hôn là gì? Những hệ lụy của việc tảo hôn?”. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích vấn nạn Tảo hôn. Mọi thắc mắc xin liên hệ với Hieuluat.vn để được giải đáp.

Có thể bạn quan tâm

X