Tham nhũng là một hành vi xấu vi phạm pháp luật và gây hại cho cộng đồng, xã hội. Nhà nước đang không ngừng nỗ lực đưa ra các quy định, chế tài xử lý để phòng chống và ngăn chặn hành vi này. Vậy tham nhũng là gì? Các hành vi tham nhũng phổ biến nhất hiện nay là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tham nhũng là gì? Các hành vi tham nhũng phổ biến nhất hiện nay
Tham nhũng là gì? Ví dụ tham nhũng
Định nghĩa tham nhũng được nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng quyền hạn đó của mình vì vụ lợi.
Trong đó, đối tượng tham nhũng là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu cử, hợp đồng,... có hưởng lương hoặc không hưởng lương được giao quyền hạn trong việc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao.
Ví dụ: Vụ án đưa, nhận hối lộ của chuyến bay giải cứu, đã khiến 37 người trong 8 bộ, ngành bị bắt, trong đó có nhiều người là lãnh đạo bộ Ngoại giao, công an, y tế, giao thông vận tải.
Vụ việc xảy ra từ chuyến bay 12/2020 giải cứu những người Việt Nam bị mắc kẹt tại nước ngoài trong đại dịch Covid 19, các nhóm lợi ích từ nhiều cơ quan Nhà nước đã lợi dụng tình hình dịch bệnh trục lợi hơn 165 tỷ đồng từ quyền cấp phép chuyến bay và nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Hành vi của những người này chính là tham nhũng.
“Chuyến bay giải cứu” - đại án tham nhũng thời gian gần đây (Ảnh minh họa)
Các loại hành vi tham nhũng theo quy định pháp luật
Các loại hành vi tham nhũng được pháp luật quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 năm 2018 có nội dung như sau:
Đối với khu vực trong nhà nước
Các hành vi tham nhũng được thực hiện do người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị trong khu vực nhà nước bao gồm:
Tham ô tài sản.
Nhận hối lộ.
Lạm dụng chức vụ và quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Lợi dụng các chức vụ và quyền hạn trong khi thực hiện thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
Lợi dụng chức vụ và quyền hạn để gây ảnh hưởng đối với người khác nhằm trục lợi.
Giả mạo trong công tác nhằm vụ lợi.
Đưa hối lộ hay môi giới hối lộ để giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
Lợi dụng chức vụ và quyền hạn để sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi.
Lợi dụng chức vụ và quyền hạn để nhằm bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì mục đích vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào các công việc giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì mục đích vụ lợi.
Đối với khu vực ngoài nhà nước
Các hành vi tham nhũng được thực hiện do người có chức vụ và quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực bên ngoài nhà nước bao gồm:
Tham ô tài sản
Nhận hối lộ
Đưa hối lộ hay môi giới hối lộ để giải quyết các công việc của doanh nghiệp, tổ chức của mình vì mục đích vụ lợi.
Có nhiều loại hành vi tham nhũng khác nhau dựa trên hình thức của nó
Nguyên nhân của tham nhũng là gì?
Tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội mang tính toàn cầu, có những đặc điểm riêng tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Vậy nguyên nhân của tham nhũng là gì? Nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
Quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ: Nhà nước chính là đại diện cho quyền lực có chức năng điều chỉnh hài hòa các lợi ích của các giai cấp khác nhau. Những quyền lực này được trao cho những người đại diện nhà nước để thực thi các quyền lực công. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp kiểm soát thì sẽ dễ dẫn tới tham nhũng vì khi quyền lực càng cao và lòng tham cá nhân vượt quá giới hạn sẽ dễ gây tha hóa.
Các quy định, điều luật về phòng chống tham nhũng còn nhiều “lỗ hổng” hoặc chưa được thực thi một cách có hiệu quả trong thực tế: Đây là nguyên nhân gây nên tham nhũng vì khi khung pháp luật chưa chặt chẽ, đồng bộ và thực thi pháp luật còn non yếu thì sẽ là kẽ hở cho những người có chức vụ, quyền hạn có cơ hội để “lách luật” để thực hiện hành vi tham nhũng vì trục lợi.
Tư tưởng chính trị của đội ngũ có chức vụ, quyền hạn bị lệch lạc, suy thoái: Khi tư tưởng chính trị của bộ phận những người nắm giữ quyền lực bị suy thoái, họ sẽ quên đi lợi ích chung mà luôn muốn trục lợi về cho bản thân, người thân của mình không màng tới hậu quả.
Trình độ dân trí, kiến thức về pháp luật của người dân còn thấp: Đối mặt với những tình trạng tham nhũng, người dân chưa có trình độ dân trí cao sẽ bị các phần tử có chức vụ, quyền hạn có tư tưởng tham nhũng hạch sách, đòi hỏi nhằm trục lợi.
Nguyên nhân của tham nhũng đến từ nhiều khía cạnh khác nhau
Thực trạng tham nhũng tại Việt Nam
Thực trạng tham nhũng tại Việt Nam đã và đang xảy ra trong nhiều thập niên ở các ngành, các cấp trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước và đồng thời làm giảm niềm tin của nhân dân vào nhà nước. Trong năm vừa qua, nhà nước đã ghi nhận không ít vụ tham nhũng lớn gây trấn động cả nước như: Vụ thông thầu của công ty AIC, vụ các cựu thiếu tướng, đại tá, bảo kê buôn lậu xăng, vụ lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham ô gây thất thoát 188 ha đất vàng vào tay tư nhân,....
Theo một thống kê của tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố chỉ số CPI (Chỉ số cảm nhận tham nhũng) ở Việt Nam năm 2022 đạt 42/100 điểm và xếp hạng thứ 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ (0 điểm là mức tham nhũng cao nhất). Tuy số điểm này đã tăng 3 điểm, 10 bậc so với năm 2021 và 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020, nhưng số điểm 42/100 vẫn đang ở dưới mức trung bình. Điều này có nghĩa là mức độ tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn cao.
Thế nhưng, nhìn một cách khách quan, nước ta vẫn đang có dấu hiệu tích cực trong công các phòng, chống tham nhũng với số điểm CPI tăng dần theo từng năm. Bởi lẽ, khi điểm CPI tăng 1 điểm đồng nghĩa đất nước đã ít tham nhũng hơn và GDP (Chỉ số đo lường năng lực sản xuất hàng hóa của một quốc gia) sẽ tăng thêm 0,4%.
Dựa trên những đánh giá và xếp hạng trên, ta thấy được cái nhìn của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới và từ đó không ngừng nỗ lực, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng một đất nước giàu đẹp, văn minh.
Việt Nam hiện vẫn có mức độ tham nhũng cao
Người có hành vi tham nhũng bị xử lý thế nào?
Người có hành vi tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước sẽ bị pháp luật nhà nước xử lý theo Luật phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019 theo mức độ và tính chất như sau:
Xử lý kỷ luật
Cán bộ, công chức bị tòa án kết án về tội tham nhũng thì cán bộ đó đương nhiên sẽ bị buộc thôi việc kể từ ngày mà bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật (Theo Khoản 3 Điều 78 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019).
Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tội tham nhũng thì sẽ không được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý (Theo Khoản 4 Điều 82 Luật cán bộ, công chức 2008).
Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP công chức nếu có hành vi tham nhũng sẽ bị kỷ luật dựa vào mức độ, tính chất của hành vi như sau:
Khiển trách: Cán bộ, công chức vi phạm lần đầu, gây ra hậu quả ít nghiêm trọng.
Cảnh cáo: Cán bộ, công chức đã từng bị kỷ luật khiển trách nhưng vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Giáng chức: Cán bộ, công chức đã bị cảnh cáo nhưng vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cách chức: Cán bộ, công chức đã bị giáng chức nhưng vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu mà gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc; Các cán bộ, công chức tham nhũng có thái độ tiếp thu, biết sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Buộc thôi việc: Cán bộ, công chức đã bị cách chức nhưng vẫn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Xử lý hình sự
Nếu hành vi tham nhũng vi phạm các tội được nêu tại Điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 359 trong Bộ luật hình sự 2015 sẽ phải nhận hình phạt đi tù từ 2 năm trở lên hoặc tử hình tùy theo mức độ tham nhũng.
>> Xem tiếp: Tội nhận hối lộ bị xử phạt như thế nào?