Thất nghiệp là thực trạng xảy ra phổ biến ở các quốc gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tình trạng này càng trầm trọng hơn. Vậy, thất nghiệp là gì, tác động đến nền kinh tế ra sao?
Thất nghiệp là gì?
Thất nghiệp tiếng Anh là Unemployment và theo Điều 20 Công ước 102 (1952) của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì thất nghiệp là hiện tượng người lao động bị ngừng thu nhập do không có khả năng tìm được việc làm thích hợp trong trường hợp người đó có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc theo.
Như vậy có thể hiểu, thất nghiệp chỉ tình trạng những người không có việc làm, đang đi tìm việc và sẵn sàng làm việc, những người này vẫn trong độ tuổi lao động, có khả năng làm việc.
Như vậy, thất nghiệp là hiện tượng xã hội khi người lao động có khả năng lao động, không có việc làm, không có nguồn thu nhập dưới dạng tiền hưu trí, tiền mất sức lao động hay các nguồn thu nhập khác do người sử dụng lao động trả và đang tích cực tìm kiếm công việc.
Phân loại thất nghiệp thế nào?
Thất nghiệp được phân loại như sau:
1. Chia theo hình thức thất nghiệp
- Chia theo giới tính (nam,nữ)
- Chia theo vùng lãnh thổ (thành thị, nông thôn)
- Chia theo dân tộc, chủng tộc
- Chia theo lứa tuổi…
2. Chia theo lý do thất nghiệp
- Mất việc: người lao động mất việc không có việc làm do các đơn vị sản xuất kinh doanh cho thôi việc vì lý do nào đó
- Bỏ việc: người lao động tự ý xin thôi việc vì những lý do chủ quan ví dụ: môi trường làm việc không đảm bảo, thu nhập không cân xứng với năng lực…
- Nhập mới: những người lần đầu tiên tham gia vào lực lượng lao động, nhưng chưa tìm được việc làm, đang tìm kiếm việc làm.
- Tái nhập: người lao động rời khỏi lực lượng lao động muốn quay lại làm việc nhưng chưa tìm được việc làm
3. Theo tính chất thất nghiệp
- Thất nghiệp tự nguyện
- Thất nghiệp không tự nguyện
Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động được nhận từ quỹ bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, đồng thời đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013
- Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng hưu trí, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định thời hạn; đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trừ một số trường hợp.
Lưu ý: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho cơ quan nhà nước, nếu quá thời hạn này, cơ quan tiếp nhận sẽ từ chối hồ sơ.
Kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 20 ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Thất nghiệp tác động đến kinh tế thế nào?
Tình trạng thất nghiệp sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Thất nghiệp tăng có nghĩa nền kinh tế đang suy thoái. Việc suy thoái do tổng thu nhập quốc gia thực tế thấp hơn tiềm năng và do thiếu vốn đầu tư, vì vốn ngân sách bị thu hẹp do thất thu thuế, đồng thời phải hỗ trợ người lao động mất việc làm…. Thất nghiệp gia tăng lên cũng là nguyên nhân đẩy nền kinh tế đến (bờ vực) của lạm phát.
Thất nghiệp còn ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động. Đời sống của người lao động lẫn gia đình họ sẽ gặp phải khó khăn. Bên cạnh đó còn tác động đến việc học của con cái, sức khỏe của chính người lao động. Thất nghiệp dẫn đến thiếu thốn, chật vật… và nhiều khi dẫn đến sai lầm.
Thất nghiệp gia tăng sẽ khiến tình hình trật tự xã hội không ổn định, các hiện tượng tiêu cực xã hội cũng phát sinh như trộm cắp, cờ bạc, mại dâm…
Những ai phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Theo Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Nếu người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động theo quy định.
Trên đây là giải đáp cho thất nghiệp là gì? nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Có việc làm nhưng vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp có bị phạt?