hieuluat
Chia sẻ email

Thấu chi là gì? Lãi suất vay thấu chi là bao nhiêu?

Thấu chi là gì? Vay thấu chi là vay như thế nào? Lãi suất vay thấu chi là bao nhiêu?... Những vấn đề được rất nhiều người quan tâm khi thực hiện vay thấu chi tại ngân hàng mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ. Trong phạm vi bài viết này, HieuLuat cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về thấu chi, vay thấu chi.

Mục lục bài viết
  • Thấu chi là gì? Vay thấu chi là gì?
  • Mục đích của vay thấu chi là gì?
  • Các hình thức vay thấu chi hiện nay?
  • Lãi suất vay thấu chi là bao nhiêu?
  • Có nên vay thấu chi không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang cần một khoản vay gấp, trong thời gian ngắn của ngân hàng thì được các cán bộ tín dụng giới thiệu cho khoản vay thấu chi. Tôi muốn Luật sư giải đáp giúp tôi thấu chi là gì, vay thấu chi được hiểu như thế nào? Và lãi suất của vay thấu chi thường là bao nhiêu?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề thấu chi là gì, lãi suất khi vay thấu chi mà bạn quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Thấu chi là gì? Vay thấu chi là gì?

- Hiện nay, pháp luật chưa định nghĩa thấu chi là gì mà thấu chi về bản chất được hiểu là việc ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng tiền vượt quá số tiền mà khách hàng có trong tài khoản gửi ở một giới hạn cụ thể. Giới hạn ngân hàng cho khách hàng vay này được gọi là giới hạn thấu chi.

+ Thấu chi (trong tiếng anh gọi là Overdraft) hay có thể sử dụng từ ngữ chuyên ngành là cho vay theo hạn mức thấu chi. Đây là hành vi, nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Khác với các loại cho vay khác, hình thức cho vay này của ngân hàng dựa theo căn cứ tiền gửi trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng đó.

- Vay thấu chi chính là việc khách hàng được ngân hàng cho vay tiền để sử dụng khi số tiền khách hàng chi tiêu vượt quá số tiền khách hàng có trong tài khoản tại ngân hàng cho vay. Vay thấu chi có một số đặc điểm sau đây:

+ Khách hàng được rút tiền nhiều hơn số tiền hiện có trong tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Nói cách khác, ngân hàng đã cấp cho khách hàng của mình một khoản tín dụng;

+ Khách hàng được chi tiêu nhiều hơn số tiền hiện có;

+ Thường thì việc vay thấu chi được áp dụng đối với những khách hàng thân thiết với ngân hàng và được ngân hàng dự đoán có khả năng trả nợ đã vay;

Như vậy, thấu chi là một nghiệp vụ cho vay của ngân hàng đối với khách hàng đang có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng đó. Vay thấu chi là hình thức mà khách hàng có thể sử dụng được số tiền nhiều hơn số tiền hiện có của mình tại ngân hàng.

thau chi la gi

Mục đích của vay thấu chi là gì?

Xét về bản chất, vay thấu chi cũng giống các khoản cấp tín dụng khác là nhằm mục đích cho khách hàng vay tiền để thực hiện tiêu dùng hoặc sử dụng với mục đích khác. Mục đích của vay thấu chi thường bao gồm như sau:

- Bù đắp tiền trong tài khoản của khách hàng trong một khoảng thời hạn nhất định. Việc bù đắp vốn được áp dụng cho những lý do hợp lý, đúng quy định pháp luật và thường chỉ trong thời gian ngắn hạn;

- Phục vụ cho những khoản vay ngắn hạn, gấp và giải ngân nhanh chóng;

Đây là những mục đích chính của các khoản vay thấu chi.

Các hình thức vay thấu chi hiện nay?

Cũng giống các khoản vay thông thường khác của khách hàng, nếu căn cứ theo tài sản bảo đảm cho khoản vay thì hình thức vay thấu chi bao gồm 2 loại sau:

Vay thấu chi có tài sản bảo đảm

Vay thấu chi không có tài sản bảo đảm

Hạn mức vay thấu chi đối với trường hợp có tài sản bảo đảm phụ thuộc vào giá trị tài sản bảo đảm của khách hàng. Giá trị tài sản bảo đảm càng cao thì hạn mức cho vay thấu chi của các ngân hàng càng lớn

Thông thường, đối với trường hợp vay thấu chi không có tài sản bảo đảm thì hạn mức vay thấu chi phụ thuộc vào lương và lịch sử tín dụng của khách hàng. Các ngân hàng có thể giải ngân với hạn mức cho vay là từ 3 -5 lần mức lương của khách hàng

Như vậy, vay thấu chi có thể được thực hiện theo hai hình thức như chúng tôi đã nêu trên.

Lãi suất vay thấu chi là bao nhiêu?

Hiện nay, lãi suất áp dụng đối với khách hàng vay thấu chi được thực hiện theo quy định của pháp luật về tín dụng và theo chính sách của từng ngân hàng. Thông thường, khi khách hàng không sử dụng thì không phải trả lãi và chỉ phải trả lãi cho phần sử dụng vượt quá thực tế được phép chi tiêu.

Cách tính lãi suất vay thấu chi có thể được áp dụng chung cho khách hàng là:

Tiền lãi thấu chi tháng = ∑ (dư nợ thấu chi thực tế x lãi suất thấu chi/365 x số ngày sử dụng thấu chi thực tế)

Thông thường, do vay thấu chi là khoản vay ngắn, giải ngân nhanh chóng và áp dụng không phải đối với mọi khách hàng cho nên thường vay thấu chi có lãi suất tương đối cao so với các loại vay khác.

Như vậy, không có mức lãi suất chung được ban hành cho khách hàng vay thấu chi mà lãi suất phụ thuộc vào số tiền tiêu dùng vượt thực tế của khách hàng, quy định của pháp luật về tín dụng và chính sách của từng ngân hàng đang thực hiện cho vay thấu chi. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng mà mình dự định vay thấu chi để được giải đáp, hỗ trợ chi tiết về lãi suất, chính sách cho vay đối với từng khách hàng, tại từng giai đoạn cụ thể.

Có nên vay thấu chi không?

Việc vay thấu chi về bản chất là một khoản vay của khách hàng tại ngân hàng theo trình tự, thủ tục luật định. Vậy nên, để trả lời cho câu hỏi có nên vay thấu chi hay không thì cần phải cân nhắc, giải quyết những câu hỏi, vấn đề sau đây:

Một là, nhu cầu vay của mình

Mỗi người có một nhu cầu vay riêng tại từng thời điểm nhất định. Do vậy, cần cân nhắc và xem xét chính xác nhu cầu vay của mình để đảm bảo việc vay tại ngân hàng phù hợp với mong muốn của mình. Thông thường vay thấu chi là những khoản cho vay nhanh chóng, ngắn hạn, trong trường hợp vay thấu chi không có tài sản bảo đảm thì hạn mức giải ngân không cao.

Hai là, cân nhắc về lãi suất

Kiểm tra, tìm hiểu, cân nhắc cụ thể về lãi suất khi thực hiện vay thấu chi. Bởi mỗi ngân hàng sẽ có chính sách cho vay khác nhau tại từng thời điểm, nhu cầu cụ thể. Bạn phải đảm bảo lãi suất của ngân hàng có phù hợp khả năng, nhu cầu của mình hay không.

Ba là, vay thấu chi trong khả năng chi trả

Việc vay thấu chi của bạn phải đảm bảo trong khả năng thanh toán, chi trả, phù hợp với nhu cầu chi tiêu của mình.

Kết luận: Sau khi đã cân nhắc, trả lời hết những vấn đề trên, bạn có thể có quyết định cho riêng mình về việc có nên vay thấu chi hay không.

Trên đây là giải đáp về thấu chi là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X