Thế chấp hay còn gọi là thế chấp tài sản là một trong những biện pháp mà nhiều người thường tìm đến để giải quyết nhu cầu thiếu tài chính của mình. Vậy thế chấp là gì?
Thế chấp là gì?
Thế chấp là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nêu tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó, các biện pháp này gồm: Cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.
Theo đó, thế chấp được định nghĩa tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự hiện hành như sau:
Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Căn cứ định nghĩa này có thể thấy, thế chấp là một biện pháp bảo đảm mà bên thế chấp dùng tài sản của mình để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác nhưng không giao tài sản này cho bên nhận thế chấp.
Tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp giữ và các bên có thể thỏa thuận để người thứ ba (không phải bên thế chấp cũng không phải bên nhận thế chấp) giữ tài sản này.
Đặc biệt, việc thế chấp tài sản chỉ chấm dứt trong các trường hợp nêu tại Điều 327 Bộ luật Dân sự gồm:
- Bên thế chấp đã thực hiện xong nghĩa vụ mà mình bảo đảm cho bên nhận thế chấp.
- Hai bên thỏa thuận hủy bỏ hoặc thay thế việc thế chấp tài sản bằng một biện pháp khác.
- Đã xử lý tài sản thế chấp.
- Hai bên có thỏa thuận về việc chấm dứt thế chấp tài sản.
Hiện nay, hình thức thế chấp tài sản thường gặp nhất trong cuộc sống là cá nhân hoặc tổ chức thế chấp tài sản của mình (có thể là động sản như xe ô tô, sổ tiết kiệm…) hoặc bất động sản (như nhà chung cư, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…) cho ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc cá nhân, tổ chức khác để vay vốn.
Thế chấp là gì? (Ảnh minh họa)
So sánh thế chấp và cầm cố
Hiện nay, thế chấp và cầm cố là hai trong số những biện pháp bảo đảm thường bị nhầm lẫn với nhau nhất. Dưới đây là các tiêu chí dùng để phân biệt thế chấp và cấm cố:
Sự giống nhau
- Là một trong các biện pháp bảo đảm.
- Có hiệu lực từ thời điểm ký kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc Luật khác có quy định.
- Chấm dứt trong 04 trường hợp: Nghĩa vụ chấm dứt; bị hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp khác; tài sản đã được xử lý; theo thỏa thuận của các bên…
Sự khác nhau
STT | Cầm cố | Thế chấp |
Căn cứ | Tiểu mục 2 Bộ luật Dân sự 2015 | Tiểu mục 3 Bộ luật Dân sự 2015 |
Định nghĩa | Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ | Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản của mình cho bên kia |
Giao tài sản | Có | Không |
Các bên | - Bên cầm cố - Bên nhận cầm cố | - Bên thế chấp - Bên nhận thế chấp - Người thứ ba giữ tài sản (nếu có) |
Trả lại tài sản | - Trả lại tài sản, giấy tờ liên quan, hoa lợi, lợi tức - Trừ trường hợp có thỏa thuận khác | Trả lại giấy tờ đã cầm nếu có thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản của bên nhận thế chấp |
Công chứng, chứng thực | Có thể không cần công chứng, chứng thực | Nếu thế chấp bất động sản hoặc động sản cần đăng ký thì phải công chứng, chứng thực |
Hưởng hoa lợi, lợi tức | Được | Không |
Bảo quản tài sản | Có trách nhiệm | Không có trách nhiệm nhưng phải chịu rủi ro về giấy tờ liên quan đến tài sản |
Trên đây là thông tin về thế chấp là gì? Nếu còn thắc mắc cần giải đáp, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.