Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Thuế môn bài là gì? Ai phải nộp thuế môn bài

Thứ Sáu, 04/03/2022 Theo dõi Hiểu Luật trên

Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi kinh doanh phải nộp khoản tiền định kỳ hàng năm hay còn được gọi là thuế môn bài. Vậy, thuế môn bài là gì? Đối tượng nào phải nộp thuế môn bài.

Thuế môn bài là gì?

Theo chữ Hán, “Môn” có nghĩa là “Cửa” còn “Bài” có nghĩa là “Thẻ”. Ngày xưa, để quản lý các hộ kinh doanh, người ta thường treo ở trước cửa mỗi hộ kinh doanh 01 tấm thẻ bằng bìa cứng, trên thẻ có ghi rõ mức thuế phải đóng và treo ngay tại cửa ra vào của cửa hàng.

Mặc dù hiện nay tại Luật Phí và lệ phí năm 2015 cùng các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào giải thích rõ lệ phí môn bài là gì nhưng Thông tư 65/2020/TT-BTC quy định như sau:

Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài, trừ các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.”

Từ các căn cứ nêu trên, có thể hiểu thuế môn bài (lệ phí môn bài) là loại thuế được thu trực tiếp từ giấy phép kinh doanh (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Hiểu đơn giản, đây là mức thuế doanh nghiệp phải nộp hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp, dựa trên chính sự tồn tại của các đơn vị kinh doanh.

Trước đây, thuật ngữ “thuế môn bài” được quy định trong Pháp lệnh 10-LCT/HĐNN7, tuy nhiên từ 01/01/2017, thuật ngữ này được thay thế bởi “lệ phí môn bài”.

Đây là sự thay thế về mặt từ ngữ nhưng cũng làm thay đổi bản chất của loại thuế/phí này.

- Thuế môn bài: Thuế không phải là khoản phải trả khi các đối tượng nộp thuế đã nhận được một lợí ích hay quyền lợi cụ thể nào từ phía nhà nựớc. Bất kì “ai”, khỉ đủ điều kiện đều phải hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, không phân biệt họ đã nhận được những lợi ích công cộng nào.

- Lệ phí môn bài: Phí là khoản thu nộp do đối tượng nộp khi đã nhận được một lợi ích nhất định từ phía nhà nước. Ở đây là thuế để góp phần tạo nguồn thu để nuôi dưỡng bộ máy quản lý chính các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đó, vì thế, cứ có phát sinh hoạt động kinh doanh là phải đóng lệ phí môn bài (trừ trường hợp được miễn).

Dù cách gọi đã thay đổi, thế nhưng trên thực tế người dân vẫn quen sử dụng thuật ngữ “thuế môn bài”.

Thuế môn bài là gì? Mức nộp thuế là bao nhiêu? (Ảnh minh họa)


Đối tượng nào phải nộp thuế môn bài?

Theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, tổ chức, cá nhân hỏa động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (trừ 10 trường hợp được miễn) thì phải nộp lệ phí môn bài, gồm:

- Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;

- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

- Đơn vị sự nghiệp;

- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức nêu trên;

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

10 trường hợp được miễn thuế môn bài

Căn cứ:  Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối;

- Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá;

- Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử);

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp;

- Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc;

- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với:

+ Tổ chức thành lập mới;

+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (trong thời gian miễn lệ phí môn bài) thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài.

- Trường phổ thông công lập và trường giáo dục mầm non công lập;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh.

Hiện nay, mức nộp thuế môn bài là bao nhiêu?

Mức nộp thuế môn bài được quy định rõ tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP như sau:

- Đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

+ 03 triệu đồng/năm: Nếu tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng;

+ 02 triệu đồng/năm: Nếu tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống;

+ 01 triệu đồng/năm: Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác

+ Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh (gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) sau 03 năm được miễn lệ phí môn bài: Khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm sẽ nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

+ Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

+ Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí năm tạm ngừng kinh doanh nếu văn bản xin tạm ngừng sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01; đồng thời chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Riêng trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

- Đối với cá nhân, hộ gia đình:

+ 01 triệu đồng/năm: Nếu có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm;

+ 500.000 đồng/năm: Nếu có doanh thu trên 300 - 500 triệu đồng/năm;

+ 300.000 đồng/năm: Nếu có doanh thu trên 100 - 300 triệu đồng/năm.

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm sản xuất, kinh doanh nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm, nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm (trừ trường hợp được miễn lệ phí môn bài).

- Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện: Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước ngày 30/01 và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

Doanh thu làm cơ sở để tính lệ phí môn bài với cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh được xác định như sau:

- Cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản: Là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế (tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế).

Cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

Nếu hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, trừ cá nhân cho thuê tài sản: Là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Hạn nộp thuế môn bài là bao lâu?

Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nộp thuế môn bài cần lưu ý về 02 mốc thời gian là thời hạn nộp tiền thuế và thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài.

Đối với thời hạn nộp tiền thuế môn bài: Chậm nhất ngày 30/01 hàng năm, các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh phải nộp thuế môn bài (theo khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

- Với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp như sau:

+ Chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn: Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 06 tháng đầu năm.

+ Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn: Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 06 tháng cuối năm.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp như sau:

+ Chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động: Nếu ra hoạt động trong 06 tháng đầu năm:

+ Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động: Nếu ra hoạt động trong thời gian 06 tháng cuối năm.

Đối với thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài: Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp như sau:

- Chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh với người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh);

+ Mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh); hoặc

+ Có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh; hoặc

+ Bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh

Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài.

Trên đây là giải đáp về thuế môn bài là gì. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Vốn điều lệ là gì? Có phải chứng minh khi thành lập doanh nghiệp?

Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới

Tin xem nhiều