hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 22/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thương mại điện tử là gì? Ai được phép kinh doanh?

Hiện nay, mạng lưới Internet đã phát triển và phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển. Nói cách khác, thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến. Vậy, thương mại điện tử là gì? Bản chất pháp lý của thương mại điện tử thế nào?

Thương mại điện tử là gì?

Theo cách hiểu thông thường, thương mại điện tử (TMĐT) là quá trình mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thông tin thông qua mạng máy tính, đó là việc tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông. Hiện nay, có một số sàn TMĐT phổ biến như: Tiki, Shopee, Lazada, Sendo,…

Dưới góc độ pháp lý, theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hoạt động thương mại như sau:

1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về hoạt động TMĐT là:

1…việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Như vậy, theo những căn cứ pháp lý trên, TMĐT thực chất là hoạt động mua bán hàng hoá được diễn ra trên môi trường Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Thương mại điện tử là gì? Ai được phép kinh doanh? (Ảnh minh họa)


Có những hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử nào?

Các hoạt động mua bán hàng hóa trên môi trường Internet được thực hiện thông qua các Website, đối với mạng viễn thông di động được thực hiện qua các ứng dụng.

Cụ thể, Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định các hình thức tổ chức hoạt động thương mại như sau:

- Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, gồm:

+ Sàn giao dịch thương mại điện tử;

+ Website đấu giá trực tuyến;

+ Website khuyến mại trực tuyến;

+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

- Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ.

Trong đó, sàn thương mại điện tử là một trong những hình thức phổ biến nhất hiện nay. Theo đó, khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP nêu rõ:

9. Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:

- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

- Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

- Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

- Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;

- Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;

- Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.

Trường hợp không cư trú ở Việt Nam, muốn tạo website TMĐT tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài trước hết cần đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật nước sở tại. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam. Sau đó, cá nhân, tổ chức cần thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website TMĐT bán hàng theo quy định tại Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Trên đây là giải đáp về Thương mại điện tử là gì? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> VAT là gì? Lợi ích của VAT đối với nền kinh tế ra sao?

Có thể bạn quan tâm

X