Tiền tệ là gì? Tiền tệ có chức năng, vai trò gì đối với nền kinh tế? Có bao nhiêu hình thức biểu hiện của tiền tệ?... Những câu hỏi rất cơ bản để hiểu rõ về tiền tệ và vai trò của tiền tệ trong hệ thống kinh tế hiện nay.
Tiền tệ là gì?
Nếu xét theo góc độ chức năng thanh toán, tiền tệ được hiểu là một công cụ được pháp luật quy định dùng để trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ trong hoặc ngoài biên giới của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, rộng hơn là của nền kinh tế.
Nếu xét theo góc độ nghiên cứu, tiền tệ cũng là công cụ, phương tiện để chứng minh mức độ phát triển của nền kinh tế, của xã hội, cũng là tài liệu minh chứng cho giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại.
Vậy nên, tiền tệ với vai trò quan trọng nhất là thanh toán của mình là công cụ dùng để trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, giữa trong, ngoài của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ độc lập thường sử dụng đồng tiền riêng trong phạm vi lãnh thổ của mình (gọi là đơn vị tiền tệ như đồng, yên, đô la mỹ, đô la hồng kông, đô la úc, bạt, nhân dân tệ, rúp…) hoặc đơn vị tiền tệ sử dụng chung cho một cộng đồng các quốc gia như đồng euro sử dụng chung trong cộng đồng các nước thuộc liên minh châu Âu.
Một số hình thức tồn tại của tiền tệ qua các giai đoạn lịch sử hiện nay có thể kể đến như: Tiền giấy, tiền kim loại (ví dụ như tiền xu, tiền polyme,... do Ngân hàng trung ương các nước phát hành); Hoặc tiền mã hóa (ví dụ bitcoin,...) do một tổ chức, cá nhân độc lập khác phát hành; Hoặc các loại tiền coupon, tiền vỏ sò, vàng, bạc...cũng được sử dụng để làm công cụ thanh toán cho nền kinh tế.
Kết luận: Tiền tệ là công cụ thanh toán trong giao dịch của nền kinh tế, cũng là tài liệu đóng vai trò là nhân chứng lịch sử qua từng thời kỳ phát triển của nhân loại. Tiền tệ có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như bằng giấy, kim loại, tiền mã hóa, hoặc được thay thế bằng các dạng khác như bằng vàng, bạc, vỏ sò…
Nguồn gốc ra đời của tiền tệ như thế nào?
Nguồn gốc ra đời của tiền tệ gắn liền với sự ra đời của quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa. Tiền tệ xuất hiện sau một quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hóa và các hình thái giá trị.
Thời cổ đại, người ta không dùng tiền mà dùng đồ vật hoặc sản phẩm khác có giá trị tương đương làm vật ngang giá chung để mua bán, trao đổi sản phẩm
Vào khoảng năm 3000 trước công nguyên, những đồng tiền xu đầu tiên người Lưỡng Hà tạo ra là đồng xu bằng đồng và sau đó là sắt. Điều này góp phần thúc đẩy sự mua bán hàng hóa.
Vào năm 600-1455, Ở Trung Quốc xuất hiện tiền giấy, giấy bạc lần đầu tiên. Sau đó, lần lượt xuất hiện tại Châu Âu, Châu Mỹ. Sau một khoảng thời gian dài phát triển của nền kinh tế , tiền bắt đầu xuất hiện dưới dạng tiền đại diện trong trao đổi hàng hóa.
Mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập đều có đồng tiền riêng để trao đổi mua bán trong phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc một cộng đồng các quốc gia.
Ngày nay, ngoài tiền xu, tiền giấy thì còn các loại tiền khác không tồn tại ở dạng hiện vật và không có sự bảo hộ của nhà nước như: tiền điện tử, tiền mã hóa.
Bản chất của tiền tệ là gì?
Tiền tệ có một số những đặc tính/bản chất riêng biệt so với các loại hình thanh toán khác. Một số bản chất/đặc tính riêng nổi bật của tiền tệ có thể kể đến như sau:
Một là, tiền tệ có giá trị và có giá cả khác nhau: Giá trị của tiền tệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như khả năng thanh khoản, số lượng hàng hóa/sản phẩm/dịch vụ có thể được trao đổi qua một đơn vị tiền tệ.
Giá trị của đơn vị tiền tệ càng cao thì càng chứng tỏ phạm vi thanh toán, địa vị của quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu đơn vị tiền tệ cũng như số lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị tiền tệ đó càng lớn. Tiền tệ cũng là một loại hàng hóa sản phẩm được phép giao dịch trên thị trường.
Hai là, tiền tệ mang bản chất là sự lưu thông của nền kinh tế: Tiền tệ chỉ được coi là tiền tệ nếu nó được sử dụng là trung gian thanh toán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa những chủ thể trong nền kinh tế. Tiền tệ không thể được coi là tiền tệ nếu nó không được sử dụng là công cụ để lưu thông trong các giao dịch.
Ba là, tiền tệ phải được phân nhỏ thành để thanh toán: Đơn vị tiền tệ phải được phân chia thành các giá trị khác nhau để có thể dễ dàng lưu thông. Nếu không phân chia thành các giá trị khác nhau thì tiền tệ không thể đảm bảo đầy đủ chức năng thanh toán cho các chủ thể vì mỗi loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đều có giá trị riêng của mình.
Bốn là, tính thông dụng, bền vững: Tiền tệ phải được áp dụng rộng rãi, được sử dụng trong phạm vi lớn thì mới có thể phát huy được khả năng thanh toán của mình. Ít nhất trong phạm vi một quốc gia, tiền tệ phải được sử dụng là một đồng tiền thống nhất.
Tiền tệ mang tính bền vững bởi vì nếu chỉ mang tính tức thời thì không thể tạo sự ổn định trong lưu thông hàng hóa sản phẩm và không thể kích thích sản xuất, trao đổi hàng hóa trong xã hội.
Năm là, tính đồng nhất của tiền tệ: Tiền tệ phải được in ấn bằng cùng một loại chất liệu, vật liệu, không thể tồn tại quá nhiều loại, hình thức tiền tệ trong một phạm vi lãnh thổ bởi như vậy sẽ khiến nền kinh tế bị hỗn loạn. Cùng là một mệnh giá thì tiền tệ phải được xác định có giá trị giống nhau. Ví dụ, không thể nhận định 1 dollar in bằng giấy có giá trị thấp hơn 1 dollar được in bằng polymer (chất liệu tổng hợp).
Trên đây là 5 bản chất/tính chất tồn tại cơ bản của tiền tệ.
Vai trò của tiền tệ đối với nền kinh tế là gì?
Thông qua việc tìm hiểu tiền tệ là gì, bản chất của tiền tệ trong nền kinh tế thì vai trò của tiền tệ cũng là một trong những yếu tố để hiểu rõ tiền tệ là gì. Từ tính chất/bản chất của tiền tệ cho thấy, tiền tệ có vai trò như sau:
Thứ nhất, là trung gian cho việc trao đổi, lưu thông hàng hóa, dịch vụ: Việc trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được diễn ra thuận lợi, xuyên suốt, cân bằng khi có một công cụ ở giữa định lượng cho giá trị, đó chính là tiền tệ. Nói cách khác, tiền tệ chính là phương tiện dùng để thanh toán cho các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ;
Thứ hai, là công cụ, phương tiện để định giá trị của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Tiền tệ là phương tiện để đo lường, định lượng giá trị của một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bất kỳ. Số tiền sử dụng để trao đổi hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ càng lớn thì sản phẩm trao đổi càng có giá trị cao;
Thứ ba, tiền tệ còn là loại tài sản dùng để tích lũy: Tiền tệ khi là tài sản sẽ là tài sản tích lũy cho nền kinh tế. Tiền tệ chứng minh cho tài sản có của xã hội, lượng tiền tích trữ lớn chứng tỏ lượng của cải, vật chất xã hội lớn. Tuy nhiên, việc tích trữ bao nhiêu tiền còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất của từng nền kinh tế, chính sách của mỗi quốc gia, lạm phát…;
Thứ tư, tiền tệ đóng vai trò là một nhân chứng lịch sử: Trải qua từng giai đoạn phát triển, đồng tiền cũng có sự thay đổi về hình thức, chủng loại…mặc dù công năng sử dụng thì vẫn giữ nguyên (là phương tiện thanh toán). Do đó, thông qua tiền tệ, có thể biết được lịch sử phát triển của xã hội.
Tiền tệ có các hình thái nào?
Tiền tệ là phương thức thanh toán không thể thiếu trong nền kinh tế đã xuất hiện từ lâu đời. Tiền tệ đã trải qua nhiều hình thái tiền tệ khác nhau từ thấp đến cao, có bốn loại hình thái chính là hóa tệ, tín tệ, bút tệ, tiền điện tử.
- Thứ nhất là hình thái hóa tệ:
Đây là loại hình thái đầu tiên của tiền tệ. Hàng hóa được sử dụng làm vật ngang giá, trung gian để trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong hình thái này, hàng hóa dùng làm tiền tệ được chia thành hai loại nhỏ: Hàng hóa không kim loại và hàng hóa kim loại. Vì thế, hóa tệ gồm hai loại là hóa tệ không kim loại và hóa tệ kim loại
- Thứ hai là hình thái tín tệ:
Tín tệ là hình thái tiền tệ không có giá trị mà nhờ tín nhiệm của mọi người để sử dụng và lưu thông với hai loại là tiền bằng kim loại và tiền giấy
- Tiền bằng kim loại ở hình thái này khác với tiền bằng kim loại ở hình thái hóa tệ. Với hình thái tín tệ, giá trị của kim loại làm thành tiền không bằng giá trị ghi trên bề mặt đồng tiền.
- Tiền giấy: Được chia thành tiền giấy khả hoán, tiền giấy bất khả hoán
Tiền giấy khả hoán: Loại tiền tệ được lưu hành thay thế tiền vàng hoặc tiền bạc ký thác ở ngân hàng. Có thể sử dụng loại tiền này lúc nào để đổi lấy một số lượng vàng hay bạc tương đương với giá trị ghi trên tờ tiền giấy.
Tiền giấy bất khả hoán: Đây là loại tiền giấy bắt buộc lưu hành và không thể đem nó tới ngân hàng để đối lấy vàng hay bạc.
- Thứ ba là hình thái bút tệ:
Bút tệ là hình thái tiền tệ phi vật chất, không ở dạng hữu hình như tiền giấy hay tiền xu. Đó là hình thức tiền ghi sổ với những con số trả tiền hay chuyển tiền thể hiện trên tài khoản ngân hàng. Bút tệ được sử dụng trong thanh toán qua những công cụ thanh toán của ngân hàng như séc, lệnh chuyển tiền
Bút tệ có nhiều ưu điểm hơn tiền giấy hay tiền xu vì đây là hình thái tiền tệ sử dụng an toàn hơn, chuyển đổi ra tiền giấy nhanh chóng hơn, thanh toán dễ dàng và thuận tiện hơn.
- Thứ tư là hình thái tiền điện tử:
Đây là loại tiền kỹ thuật số được sử dụng qua hệ thống thanh toán tự động. Tiền điện tử sử dụng thuật toán để bảo mật và xác nhận giao dịch cũng như kiểm soát việc thành lập các đơn vị mới trong mạng lưới tiền điện tử nhất định. Hình thái này giới hạn cơ sở dữ liệu đầu vào.
Như vậy, các hình thái khác nhau của tiền tệ là điều cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của cá nhân và xã hội.